Phóng viên (PV): Trước hết, xin chúc mừng TP Huế nói chung và cá nhân đồng chí Chủ tịch UBND thành phố nói riêng về thành quả đạt được sau rất nhiều năm nỗ lực phấn đấu. Xin đồng chí cho biết, TP Huế trực thuộc Trung ương sẽ có những thay đổi như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Văn Phương: Cách đây 28 năm, đề án đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã được trình lên Quốc hội khóa IX, nhưng do chưa hội đủ các điều kiện cần thiết nên chưa được các cấp có thẩm quyền thông qua. Tuy nhiên, được sự quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ Trung ương, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra mô hình, bộ tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp đưa vào đề án, đến nay, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương đã đến đích.
Đây là thành quả có ý nghĩa chính trị, kinh tế-xã hội (KT-XH) quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, Huế là thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 4.947,11km2 và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. TP Huế sẽ có 9 đơn vị hành chính cấp huyện (4 huyện, 3 thị xã, 2 quận) và 133 đơn vị hành chính cấp xã. Cùng với Đà Nẵng, TP Huế có vị thế quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông Tây, nằm giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - hai trung tâm kinh tế phát triển nhất đất nước.
Đồng chí Nguyễn Văn Phương. Ảnh: NGỌC HIẾU
PV: Thời gian tới, TP Huế sẽ đón nhận nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thử thách. Vậy, thành phố sẽ làm gì để biến thách thức thành động lực phát triển?
Đồng chí Nguyễn Văn Phương: Việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương bảo đảm đúng định hướng, chỉ đạo, quan điểm, tư tưởng của Bộ Chính trị sẽ tạo ra ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Huế phát triển mà còn tạo điều kiện cho thành phố khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh, đóng góp thiết thực cho đất nước.
Tuy nhiên, TP Huế sẽ đối mặt với một số thách thức lớn, nhất là việc cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử; hạ tầng chưa đồng bộ, nâng mức thu nhập bình quân đầu người, đặc biệt là ở huyện miền núi A Lưới mới thoát nghèo. Cùng với đó là nhiều khó khăn trong các lĩnh vực như thu hút đầu tư, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và khoa học-công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết an sinh xã hội; phát triển bền vững; thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý đô thị...
Để thực hiện mục tiêu phát triển TP Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, thành phố sẽ ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho mục tiêu bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế-con người Huế một cách bền vững, theo hướng “bảo tồn đi liền với phát triển”.
Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng đồng bộ; nâng cao hiệu quả khai thác Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, Cảng hàng không quốc tế Phú Bài, Cảng nước sâu Chân Mây, Lăng Cô-Bạch Mã, đặc biệt là vùng đầm phá Tam Giang-Cầu Hai và Quần thể di tích Cố đô Huế. Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút nguồn lực để phát triển nhanh hơn, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng đồng bộ và hiện đại; tạo cơ chế, chính sách ưu đãi, nâng cao năng lực quản lý, tăng cường hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
Đặc biệt, thành phố đã đề ra một số chiến lược cụ thể, giải pháp bứt phá để đưa ngành du lịch trở thành trụ cột kinh tế. Trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch; tăng cường các hoạt động quảng bá; tạo cơ chế thuận lợi để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng; bảo đảm môi trường du lịch an toàn và thân thiện với du khách...
PV: Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, TP Huế phải tự cân đối thu chi ngân sách. Vậy, thành phố đã có những chủ trương như thế nào để thu hút, mời gọi đầu tư?
Đồng chí Nguyễn Văn Phương: Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đẩy mạnh xây dựng chính quyền thân thiện, công khai, minh bạch thông tin, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tổ chức công bố công khai các quy hoạch đã được duyệt; thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch theo quy định của pháp luật.
Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, chuẩn bị nguồn cung lao động cho các nhà đầu tư... Thành phố cam kết sẽ nỗ lực để tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả, nhanh chóng biến tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực; luôn lắng nghe, chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đồng hành với doanh nghiệp.
TP Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: VÕ THẠNH
PV: TP Huế đang thực hiện song song công tác chuyển đổi, sáp nhập, chia tách các đơn vị hành chính mới với tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại hệ thống quản lý nhà nước theo chỉ đạo, định hướng của Trung ương, đồng chí có thể cho biết tiến độ triển khai thực hiện?
Đồng chí Nguyễn Văn Phương: Khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, việc thành lập các quận, huyện mới, các xã, phường mới sẽ là một bước quan trọng trong quá trình tái cơ cấu tổ chức hành chính, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị và phát triển KT-XH của thành phố. Việc sắp xếp nhân sự, cán bộ, viên chức sẽ phải được thực hiện một cách khoa học, minh bạch và công bằng để bảo đảm hiệu quả công tác quản lý. Đây là một yêu cầu rất lớn với khối lượng công việc đồ sộ, đòi hỏi được triển khai một cách đồng bộ theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở nghiên cứu và đánh giá kỹ các phương án, lộ trình, TP Huế đang tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị các cấp, sắp xếp nhân sự, giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư, chuyển đổi giấy tờ cho cơ quan, tổ chức và công dân, bảo đảm sau sắp xếp đi vào hoạt động ổn định, thông suốt, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, TP Huế quyết tâm xây dựng một đô thị đặc thù ở đẳng cấp mới, cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã đề ra.
PV: Đồng chí cho biết thêm về định hướng và giải pháp chiến lược trong phát triển KT-XH gắn với quốc phòng và an ninh, xây dựng LLVT vững mạnh thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Văn Phương: TP Huế xác định phát triển kinh tế là trung tâm, bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, đây là hai nhiệm vụ chiến lược không thể tách rời. Phát huy những kết quả, thành tích đạt được, thành phố tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo về xây dựng, củng cố quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
Tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kết hợp quốc phòng, an ninh với KT-XH và KT-XH với quốc phòng, an ninh từ khâu quy hoạch, kế hoạch, trong đó chú trọng xây dựng các công trình mang tính lưỡng dụng cho KT-XH và quốc phòng, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Cùng với đó, thành phố cũng tập trung đầu tư nguồn lực xây dựng LLVT địa phương vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, an ninh trên địa bàn. Tổ chức sắp xếp, điều chỉnh các đơn vị LLVT theo hướng tinh, gọn, mạnh, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu; chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, lực lượng dự bị động viên hùng hậu. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và xử lý tốt các sự cố thảm họa môi trường, sập đổ công trình, cháy nổ...
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
TRẦN MINH TÚ (thực hiện)