Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai đã tiến hành đối thoại với các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân quận Hoàng Mai. Ảnh: AT
Phát biểu tại buổi Đối thoại, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho rằng, đây là dịp để HĐND, UBND quận nhìn thẳng vào thực trạng đang còn tồn tại của địa phương. Đây còn là diễn đàn để người dân trao đổi, chất vấn, hiến kế để chính quyền làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.
Vấn đề hạ tầng kỹ thuật khung
Không né tránh, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho rằng hạ tầng kỹ thuật khung (bao gồm hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật chính cấp đô thị, bao gồm các trục giao thông, tuyến truyền tải năng lượng, tuyến truyền dẫn cấp nước, tuyến cống thoát nước, tuyến thông tin viễn thông và các công trình đầu mối kỹ thuật) của quận chưa tốt, thậm chí còn chưa bằng nhiều huyện của Thủ đô. Đơn giản như tiêu chí diện tích đất giao thông tính trên dân số quận đô thị đặc biệt theo quy định 15m2/người thì tại Hoàng Mai sau 20 năm thành lập mới đạt trên 2m2/người.
Người dân Hoàng Mai kiến nghị các vấn đề phát sinh. Ảnh: TA
Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Dũng chia sẻ, chính quyền và người dân đang phải chịu nhiều áp lực do những thiếu sót trong việc quản lý quy hoạch, quản lý đô thị. 21 năm thành lập, nhưng chưa một dự án do các doanh nghiệp thực hiện trên địa bàn Hoàng Mai được hoàn thiện, điều này vô hình trung khiến cho cuộc sống của quận đông nhất Hà Nội luôn nảy sinh nhiều bức xúc. Đây là thời điểm chúng ta phải có cái nhìn toàn cục, lắng nghe ý kiến của người dân, lựa chọn vấn đề nóng, trong khả năng của quận để làm ngay, tìm cách tháo gỡ dần những vướng mắc.
Bà Nguyễn Thúy Hải (phường Hoàng Văn Thụ) cho rằng, việc 10 tháng mà quận chỉ thực hiện cấp 64 giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất, liên hệ trả được 40/660 GCN còn tồn là những con số khiêm tốn. Nhu cầu của người dân việc việc cấp GCN quyền sử dụng đất còn khá nhiều vì ảnh hưởng trực tiếp đến các nội dung như giao dịch dân sự, thừa kế.
Ông Hà Đình Tuế (phường Thanh Trì) và và Trần Thị Phấn (phường Trần Phú) chia sẻ thực trạng, trên địa bàn phường Thanh Trì chưa có tuyến đường nào có vỉa hè, nhiều ngõ phố thuộc 2 phường xuống cấp. Rất nhiều tổ dân phố thiếu địa điểm tập luyện thể dục, thể thao, sinh hoạt cộng đồng.
Các tuyến đường giao thông trên địa bàn Hoàng Mai đều nhỏ, hẹp. Ảnh: TA
Ông Nguyễn Mạnh Thùy (phường Đại Kim) chất vấn việc Khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ được UBND TP Hà Nội do Công ty CPXD số 2 – Vinaconex 2 gồm các khu nhà ở thấp tầng, nhà chung cư và bán xong từ năm 2019. Chủ đầu tư chây ì không tổ chức thi công thực hiện khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu đô thị theo quy hoạch được phê duyệt gồm các tuyến ngõ 420, 292, 282, 350 đường Kim Giang. Đặc biệt, đối với tuyến ngõ 282 là tuyến giao thông huyết mạch kết nối đường Kim Giang và đường Vành đai 3, là tuyến đường chính để phụ huynh, học sinh đến trường tiểu học Đại Kim, trường Trung học cơ sở Đại Kim, trường Liên cấp Ngôi Sao Hà Nội - Hoàng Mai,….
Nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra, nguyên nhân chủ yếu do thường xuyên ùn tắc giao thông, mặt đường gồ ghề nhiều ổ trâu, ổ gà,…. gây bức xúc trong Nhân dân, không đảm bảo an toàn cho phụ huynh, học sinh. Hiện nay, 24.000 cư dân sinh sống đã gây ra áp lực quá tải đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khiến chất lượng phát triển đô thị bị giảm, không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị theo đó bị ảnh hưởng.
Người dân Đại Kim rất bức xúc khi dự án bãi đỗ xe kết hợp trồng cây xanh tại ô đất bờ phải sông Tô Lịch (đoạn từ cầu Lủ đến cầu Dậu) chậm được triển khai. Tình trạng “thừa rác, thiếu vườn hoa, sân tập thể thao” đã diễn ra từ năm 2011 đến nay, người dân đã nhiều lần kiến nghị vẫn chưa được ra giải quyết. Đến nay, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội mới chỉ được giao trên giấy, chưa làm thủ tục, chưa cắm mốc bàn giao nên dẫn đến tình trạng đổ trộm phế thải, đất thải mất vệ sinh môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh. Trong khi chờ UBND TP có Quyết định thu hồi đất, người dân mong muốn được tạm trồng hoa, sân tập thể dục cho người già, trẻ nhỏ tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp (?!!).
Liên quan đến chế độ chính sách, Chủ tịch Hội CCB quận Hoàng Mai, Đại tá Vũ Chí Thành và PCT Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hoàng Văn Thụ - bà Nguyến Thúy Hải đề cập đến vấn đề lương và phụ cấp của đội ngũ cán bộ khối Đảng và các tổ chức chính trị - xã hội phường cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn.
Dự án bãi đỗ xe bờ phải sông Tô Lịch (phường Đại Kim) “thai nghén” hơn 10 năm nhưng vẫn chỉ nằm trên giấy, để hoang hóa, ô nhiễm nhưng người dân muốn vệ sinh sạch sẽ và trồng hoa cũng không được phép (?!!). Ảnh: HM
Đi tìm “điểm nghẽn”
9 ý kiến của cử tri tham gia buổi đối thoại đều được đại diện UBND quận Hoàng Mai trả lời chi tiết. Các vấn đề về đèn tín hiệu, đầu tư đường trong hẽm, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... cơ bản được các phòng chuyên môn và đại diện UBND quận trả lời chi tiết. Nhiều vấn đề được đề cập tại buổi đối thoại không mới, thậm chí, được người dân phát biểu rất nhiều lần tại các diễn đàn khác nhau, thực tế có nhiều nội dung nằm ngoài phạm vi giải quyết của chính quyền quận.
Được biết, ngoài việc các kiến nghị của cử tri, Thường vụ Quận ủy, Thường trực HĐND quận và UBND quận đã thành lập rất nhiều đoàn kiếm tra, giám sát, rà soát những bất cập tại 14 phường trên địa bàn, phân loại và giao các đơn vị liên quan làm đầu mối giải quyết. Khó nhất vẫn là giải quyết những vấn đề liên quan đến các chủ đầu tư, chưa làm tròn trách nhiệm khi triển khai các dự án trên địa bàn quận Hoàng Mai. Đây là “điểm nghẽn” lớn trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương trong hơn 2 thập kỷ qua mà gần đây lãnh đạo TP đang có những sự chỉ đạo quyết liệt để giải quyết tận gốc.
An Thanh