Triều Tiên tiến hành tập trận chiến thuật mô phỏng phản công hạt nhân, với sự tham gia của đơn vị tên lửa đa nòng siêu lớn 600 mm. Ảnh: YONHAP/TTXVN
Theo cổng phân tích thông tin News.az của Azerbaijan ngày 14/12, các đại diện của 5 cường quốc hạt nhân lớn trên thế giới (P5) - Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Vương quốc Anh và Nga - mới đây đã tổ chức một cuộc họp kín tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất.
Cuộc họp này thu hút sự chú ý đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và mối lo ngại về khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Mặc dù chi tiết về cuộc thảo luận vẫn được giữ kín, nhưng đây là một nỗ lực quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh hạt nhân và ổn định toàn cầu.
Một tuyên bố do Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra cho biết, trọng tâm của cuộc họp là về học thuyết hạt nhân. Cách tiếp cận này đặc biệt có liên quan khi Nga cập nhật học thuyết hạt nhân của mình, tờ Kommersant của Nga viết.
Cuộc họp diễn ra vào thời điểm rất nhạy cảm, khi những căng thẳng giữa các quốc gia hạt nhân lớn ngày càng gia tăng. Mặc dù các cuộc thảo luận diễn ra sau cánh cửa đóng kín, sự kiện cho thấy điều cần thiết của một đối thoại quốc tế trong bối cảnh toàn cầu đang phải đối mặt với những mối đe dọa hạt nhân. Theo Daria Grevtsova, nhà phân tích chính trị người Nga, cuộc đối thoại này có thể giúp các bên hiểu và thừa nhận quan điểm của nhau, dù chưa có bước đi cụ thể nào hướng tới hòa bình.
Tuy nhiên, chuyên gia Grevtsova không lạc quan về khả năng đạt được tiến bộ cụ thể từ cuộc họp này. Bà chỉ trích Washington vì những hành động sau cuộc họp, đặc biệt là việc tiếp tục cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của Mỹ để tấn công vào lãnh thổ Nga. Một trong những cuộc tấn công đáng chú ý là vụ tấn công bằng tên lửa ATACMS vào Taganrog, một thành phố sâu trong biên giới Nga hôm 12/12. Việc tiếp tục các cuộc tấn công này cho thấy cuộc đối thoại về hạt nhân không làm giảm căng thẳng, mà ngược lại, có thể đang làm gia tăng leo thang.
Chuyên gia Grevtsova chỉ ra rằng những hành động từ phía Mỹ có thể khiến Nga phản ứng bằng các cuộc tấn công trả đũa vào các căn cứ quân sự của Mỹ. Theo bà, hành động trên có thể phù hợp với tham vọng địa chính trị của Mỹ, nhưng lại gây bất ổn cho toàn cầu. Việc tăng cường căng thẳng chỉ khiến tình hình trở nên nguy hiểm hơn, đồng thời làm gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Trước những quan ngại này, chuyên gia Grevtsova cũng đề xuất một con đường phía trước để giảm leo thang. Bà cho rằng nếu 5 quốc gia hạt nhân có thể đạt được thỏa thuận về việc không khiêu khích và không sử dụng vũ khí hạt nhân, tình hình có thể trở nên ổn định hơn. Điều đó sẽ ngăn chặn những cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, vì những tên lửa này không nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine mà là do Mỹ vận hành. Bà Grevtsova cảnh báo rằng nếu không có nỗ lực chung để giảm leo thang, mối đe dọa về một cuộc xung đột hạt nhân vẫn sẽ ở mức nguy hiểm cao.
Về phần mình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và An ninh Nga Anton Khlopkov chỉ ra rằng đối với Moskva, nhóm P5 trước hết và quan trọng nhất là một kênh quan trọng để truyền đạt mối quan ngại của Nga về những rủi ro chiến lược liên quan đến xung đột xung quanh Ukraine, cũng như những thay đổi về học thuyết trong các văn bản cơ bản của Nga quyết định chính sách hạt nhân của nước này, xuất phát từ các bước leo thang của Mỹ và các nước phương Tây khác.
Bên cạnh đó, chương trình nghị sự của nhóm không chỉ giới hạn ở học thuyết. "Có vẻ như kênh P5 có thể được sử dụng để thảo luận về những rủi ro liên quan đến khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân. Trong những tháng gần đây, một số quốc gia ở châu Âu, Đông Nam Á và Trung Đông đã đưa ra ngày càng nhiều tuyên bố về mối quan tâm trong việc sở hữu những vũ khí hủy diệt hàng loạt này", chuyên gia Khlopkov lưu ý.
Ông Khlopkov nhấn mạnh rằng sáng kiến của Nga thành lập nhóm chuyên gia P5 gồm các chuyên gia phi chính phủ từ năm quốc gia, được thử nghiệm trong thời gian Moskva làm chủ tịch luân phiên, hiện đã trở thành một yếu tố thường xuyên của cuộc đối thoại. "Đây có thể được coi là một thành tựu quan trọng của Nga trong vai trò chủ tịch luân phiên của nhóm", ông Khlopkov nhận xét.
Nhóm P5, được thành lập theo sáng kiến của Vương quốc Anh vào năm 2009 để hỗ trợ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), là một nền tảng độc đáo trong tình hình hiện tại. Không giống như nhiều cơ chế đa phương khác, vốn đã trở nên mất chức năng trong bối cảnh đối đầu gia tăng giữa các cường quốc toàn cầu, nền tảng này nói chung vẫn hoạt động.
Công Thuận/Báo Tin tức (Theo News.az/TASS)