Đối thoại, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về công tác bảo đảm an ninh trật tự

Đối thoại, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp về công tác bảo đảm an ninh trật tự
6 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Sáng 15/7, Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị có các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Thiếu tướng Tô Anh Dũng, Giám đốc Công an tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở ngành cấp tỉnh; trên 100 doanh nghiệp đại diện cho 21.268 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tham dự hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn dự hội nghị.
Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo ANTT tại các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp
Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 21.268 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 28 doanh nghiệp có vốn nhà nước, 166 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 21.074 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Các doanh nghiệp đã và đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 415.300 lao động và có đóng góp quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Thời gian qua, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đồng hành của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, lực lượng Công an Thanh Hóa đã luôn chủ động nắm chắc tình hình, làm tốt chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhiều chủ trương, giải pháp chiến lược về công tác bảo đảm ANTT. Trong đó, Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn”, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi số và trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, nhất là trong xây dựng chính quyền địa phương hai cấp.
Toàn cảnh hội nghị.
Công an tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm ANTT tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các dự án kinh tế trọng điểm; đẩy mạnh tấn công, trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy; không ngừng cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; góp phần thu hút đầu tư đạt kết quả cao, bảo đảm môi trường lành mạnh, ổn định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thường xuyên phối hợp, tham mưu, hướng dẫn các doanh nghiệp chấp hành chính sách pháp luật, các quy định về quản lý, sử dụng lao động; chủ động nắm bắt tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, xử lý những vướng mắc phát sinh, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động, đình công xảy ra, bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Tuy nhiên, cùng với những mặt tích cực, tình hình ANTT tại các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Trong đó, tình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp đã được kiềm chế và kéo giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn các nguy cơ vi phạm các quy định pháp luật về thuế, các hành vi tham ô, chiếm đoạt tài sản, khai thác cát trái phép... Nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chưa có đầy đủ giấy phép, giấy chứng nhận theo quy định về điều kiện đảm bảo ANTT hoặc không thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quá trình hoạt động kinh doanh dẫn đến vi phạm trong quản lý cư trú, quản lý xuất nhập cảnh, chưa thật sự tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn phòng cháy, chữa cháy...
Giữ ổn định để phát triển
Các đại biểu phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đã trao đổi những vấn đề liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng; bảo đảm ANTT tại các khu kinh tế, khu công nghiệp; công tác quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, lưu trú của người nước ngoài; công tác chuyển đổi số, thực hiện định danh điện tử riêng đối với doanh nghiệp; công tác bảo đảm an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm; phòng cháy, chữa cháy; các loại tội phạm trộm cắp, lừa đảo, sử dụng ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trong doanh nghiệp.
Tham gia đối thoại, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hàng chục nghìn dự án đang bị tạm dừng, chậm tiến độ, kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. Vì vậy, kính mong Công an tỉnh chủ động tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy để rà soát, tổng hợp, phân loại rõ từng nhóm dự án, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ phù hợp, hiệu quả. Việc này không chỉ giúp khơi thông các điểm nghẽn mà còn tạo cú hích quan trọng thúc đẩy đầu tư, phục hồi niềm tin và tăng tốc phát triển kinh tế tỉnh nhà.
Băn khoăn về vấn đề vật liệu xây dựng, ông Mai Xuân Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập Đoàn Miền Trung đề nghị cần có một cơ chế giám sát thị trường vật liệu khách quan, hiệu quả, với sự tham gia của cả cơ quan quản lý lẫn đại diện doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp xử lý triệt để các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư tuân thủ pháp luật.
Trên tinh thần lắng nghe, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để góp phần xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, lành mạnh, tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo và các phòng chuyên môn Công an tỉnh đã trả lời, hướng dẫn các doanh nghiệp cụ thể từng vấn đề. Đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt triển khai trong thời gian tới để tạo môi trường ổn định, an toàn, phục vụ quá trình sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực đấu tranh với tội phạm tín dụng đen, bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại cổng các khu công nghiệp...
Trả lời câu hỏi liên quan đến dấu hiệu hoạt động kiểu “xã hội đen” núp bóng doanh nghiệp, Đại tá Lê Ngọc Anh, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Thời gian qua, lực lượng Công an trong tỉnh đã quyết liệt tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội tại các khu công nghiệp, đặc biệt là tội phạm hình sự, tội phạm núp bóng doanh nghiệp... Nhiều băng nhóm, đối tượng cộm cán trên địa bàn đã bị bắt giữ, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
Liên quan đến vấn đề về giá vật liệu xây dựng, Thượng tá Hà Văn Hải, Trưởng Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh cho rằng, lực lượng Công an trong tỉnh đã và đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi thao túng thị trường, đầu cơ trục lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng và các hành vi bao che, bảo kê, tham nhũng, làm ngơ để tình trạng vi phạm tái diễn, không xử lý triệt để.
Tăng cường phối hợp bảo đảm ANTT tại Khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp
Phát biểu kết luận hội nghị, Giám đốc Công an tỉnh Tô Anh Dũng cảm ơn sự quan tâm, tham gia, đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp. Để thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo ANTT tại Khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số PCI của tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh đề nghị lực lượng công an làm tốt cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thường xuyên hướng dẫn, tạo điều kiện và giải quyết nhanh chóng, đúng quy định các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. Tăng cường công tác tham mưu, hướng dẫn các doanh nghiệp đảm bảo an ninh, an toàn doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ cơ quan chức năng trong giải quyết tình hình, vụ việc ANTT xảy ra trong Khu kinh tế, các khu, cụm công nghiệp.
Giám đốc Công an tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.
Đối với các doanh nghiệp, cần chủ động đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, tuân thủ pháp luật, thể hiện trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh với phương châm “lấy đạo đức, văn hóa kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật” theo tinh thần của Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Đồng thời, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy, quản lý cư trú của người nước ngoài, các quy định về sử dụng lao động, đảm bảo thực hiện tốt chế độ, chính sách cho người lao động.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao cảnh giác cho người lao động trước âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, nhất là tội phạm trên không gian mạng; tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho công nhân viên công ty.
Làm tốt công tác tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, như: lắp đặt hệ thống camera giám sát để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực cho lực lượng bảo vệ, các tổ tự quản về ANTT tại doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Kiểm soát chặt chẽ hoạt động phân loại, xử lý rác thải (nhất là rác thải công nghiệp, phế liệu nhập khẩu); tuyển dụng lao động, cung ứng thực phẩm, xuất ăn trong doanh nghiệp; quản lý tốt cán bộ và công nhân, sử dụng lao động đúng quy định pháp luật, nhất là lao động nước ngoài, lao động thuê lại (lao động thời vụ).
Tại hội nghị, có 10 tập thể, 10 cá nhân được Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh.
Quốc Hương
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/doi-thoai-lang-nghe-y-kien-cua-cac-doanh-nghiep-ve-cong-tac-bao-dam-an-ninh-trat-tu-254906.htm