Samsung Galaxy - đối thủ lớn nhất của iPhone có thể có lợi thế trong cuộc chiến thuế quan của ông Trump.
Khác với Apple, Samsung không phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc để sản xuất smartphone – một chi tiết ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang lao vào một cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng, với mức thuế áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 145%, dù có một số trường hợp ngoại lệ.
Dù Apple đã chuyển một phần sản xuất sang Ấn Độ và các khu vực khác, nhưng theo ước tính từ Wedbush Securities hồi tháng 4, 90% iPhone vẫn được sản xuất tại Trung Quốc.
Một số thiết bị công nghệ, bao gồm cả điện thoại thông minh, nằm trong danh sách miễn trừ thuế của ông Trump, điều này từng được coi là "phao cứu sinh" cho Apple và các hãng sản xuất khác.
Tuy nhiên, chính quyền Trump cũng đã tuyên bố sẽ sớm áp thuế với linh kiện bán dẫn – yếu tố quan trọng đối với mọi thiết bị điện tử.
Samsung, theo một số nhà phân tích là hãng điện thoại lớn nhất thế giới về thị phần, chắc chắn không nằm ngoài vòng ảnh hưởng của thuế quan hay tác động kinh tế kèm theo.
Nhưng do không dựa vào Trung Quốc – quốc gia đang là mục tiêu chính trong chiến dịch thuế quan của ông Trump, Samsung có thể không cần phải thay đổi lớn trong dây chuyền sản xuất nếu giá smartphone từ Trung Quốc tăng vọt vì thuế.
“Lợi thế của họ là không phải đối mặt với mức thuế điên rồ như hiện nay”, Gerrit Schneemann, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint Research cho hay. Tuy nhiên, ông cũng cho biết lợi thế này không có nghĩa là Samsung sẽ tăng trưởng doanh số đột biến ngay lập tức.
Thuế quan của ông Trump có thể làm rung chuyển ngành công nghệ
Ngành công nghệ phụ thuộc vào mạng lưới cung ứng linh kiện và nhà máy lắp ráp khổng lồ của Trung Quốc để sản xuất hàng loạt thiết bị tiêu dùng như smartphone, laptop và màn hình.
Một số thiết bị được miễn trừ thuế, nhưng nhiều sản phẩm không nằm trong danh sách đó, như máy chơi game và tai nghe không dây...
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang vào thứ Hai khi Trung Quốc đe dọa trả đũa bất kỳ quốc gia nào hạn chế thương mại với họ để làm hài lòng Mỹ.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump đã tạm hoãn thuế quan với hầu hết các nước – ngoại trừ Trung Quốc – trong vòng 90 ngày.
Theo Wedbush Securities, các cuộc đàm phán với Trung Quốc cần phải diễn ra “ngay lập tức” vì lợi ích của "thị trường, ngành công nghệ và nền kinh tế Mỹ”.
“Nếu không, cuộc chiến thương mại này sẽ gây ra tổn thất nghiêm trọng cho tăng trưởng, đẩy lạm phát lên cao… và khiến ngành công nghệ lúng túng không biết hoạch định chiến lược tương lai như thế nào”, trích bản tin ngày 20/4 của Wedbush.
Một cửa hàng Apple tại Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Do phụ thuộc vào Trung Quốc, Apple trở thành tâm điểm trong cuộc chiến thuế của ngành công nghệ. Theo UBS, giá của một chiếc iPhone 16 Pro Max sản xuất tại Trung Quốc có thể tăng tới 800 USD – ước tính này được đưa ra trước khi ông Trump tuyên bố điện thoại được miễn thuế trả đũa.
Chỉ có khoảng 5% iPhone được sản xuất tại Việt Nam và Ấn Độ, thêm 5% ở các quốc gia khác, theo Wedbush.
Trong khi đó, Samsung đã đóng cửa nhà máy cuối cùng tại Trung Quốc từ năm 2019, sau khi mất thị phần vào tay các đối thủ nội địa, dù vẫn duy trì một số hoạt động tại đây.
Nguồn tin nội bộ Samsung cho biết phần lớn điện thoại Samsung được sản xuất tại Hàn Quốc, Việt Nam, Ấn Độ và Brazil.
Điều này phù hợp với số liệu của Counterpoint Research, ước tính 90% điện thoại Samsung được sản xuất tại Việt Nam. IDC thì ước tính khoảng 50-60% sản lượng điện thoại Samsung đến từ Việt Nam, với Ấn Độ là trung tâm sản xuất lớn thứ hai, phần còn lại là Hàn Quốc và khu vực Mỹ Latinh.
Samsung không hưởng lợi hoàn toàn
Theo ông Ben Barringer, chuyên gia phân tích toàn cầu về công nghệ tại Quilter Cheviot, Samsung có thể hưởng lợi nhờ vừa bán thiết bị điện tử tiêu dùng, vừa sản xuất các linh kiện như màn hình, bộ nhớ và chip.
Dù vậy, một số nhà phân tích tỏ ra hoài nghi rằng Samsung có thể tận dụng được hoàn toàn lợi thế sản xuất phân tán để tăng doanh số. Người dùng Apple nổi tiếng với sự trung thành cao, và chưa rõ liệu việc tăng giá có khiến họ thay đổi.
Mẫu Galaxy Z Fold 6 của Samsung. Ảnh: The Verge
Bà Linda Sui, Giám đốc cấp cao về chiến lược smartphone toàn cầu tại TechInsights, cũng cho rằng Apple có thể chuyển sản xuất iPhone dành cho thị trường Mỹ sang Ấn Độ, và công ty đã tăng cường lô hàng iPhone từ Ấn Độ sang Mỹ gần đây.
Apple và Samsung cũng phục vụ các nhóm khách hàng khác nhau. Apple chỉ bán một vài mẫu iPhone, hầu hết là dòng cao cấp với lợi nhuận lớn.
Trong khi đó, Samsung cung cấp nhiều mẫu điện thoại ở phân khúc phổ thông, đặc biệt là dòng Galaxy A – vốn được coi là "cỗ máy tăng trưởng số lượng" của hãng.
Theo nhận định của Schneemann, Samsung không hoàn toàn hưởng lợi bởi Apple vẫn thống trị ở phân khúc cao cấp.
Thuế quan của ông Trump là một phần trong nỗ lực đưa sản xuất quay trở lại Mỹ, nhưng các nước khác như Việt Nam và Ấn Độ cũng có thể bị ảnh hưởng với mức thuế thấp hơn – hiện khoảng 10%. Điều này có nghĩa Samsung vẫn có thể bị tác động ở mức độ nhất định.
Nhưng điều đáng lo hơn là "sức khỏe" của nền kinh tế và hành vi chi tiêu của người tiêu dùng. Nếu thuế khiến giá hàng hóa tăng cao, người tiêu dùng có thể trì hoãn việc nâng cấp điện thoại, đặc biệt ở các thị trường phát triển như Mỹ – nơi smartphone cao cấp rất phổ biến. “Nhu yếu phẩm hằng ngày sẽ được ưu tiên hơn việc mua điện thoại mới”, Schneemann nhận định.
(theo CNN, The Verge)
Hải Phong