Đổi tiền mới dịp Tết: Phí 'cắt cổ', hiếm mệnh giá nhỏ

Đổi tiền mới dịp Tết: Phí 'cắt cổ', hiếm mệnh giá nhỏ
8 giờ trướcBài gốc
Phí đổi tiền mới lì xì dịp Tết Ất Tỵ 2025 tăng cao. Ảnh: Nam Khánh.
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cận kề, nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ để mừng tuổi, đi lễ của người dân lại tăng cao.
Tuy nhiên, khác với những năm trước, cả các ngân hàng và đầu mối thu đổi tiền lẻ, tiền mới "chợ đen" năm nay đều cho biết số lượng tiền có thể đổi không còn dồi dào. Kéo theo là phí đổi trên thị trường tự do cũng tăng vọt, trong khi nhân viên nhiều ngân hàng phải tăng ca để phân loại tiền đổi cho khách hàng.
Nhân viên ngân hàng tăng ca phân loại tiền
Chị Thanh Huyền (29 tuổi, quận Hoàng Mai), giao dịch viên một ngân hàng quốc doanh tại Hà Nội, cho biết nhiều ngày gần đây, chị và các đồng nghiệp cùng phòng giao dịch phải tăng ca phân loại tiền theo các mệnh giá để đổi cho khách hàng.
"Ngân hàng không có chính sách đổi tiền mới, nhưng rất nhiều khách hàng nhờ đổi với các mệnh giá phổ biến 50.000 đồng, 100.000 đồng và 200.000 đồng để lì xì Tết. Để phục vụ nhu cầu này, phòng giao dịch vẫn chủ động phân loại nguồn tiền giao dịch trong ngày đổi cho khách hàng không tính phí", chị Huyền chia sẻ.
Nhu cầu nhiều trong khi số lượng có thể đổi hạn chế, anh Xuân Quảng (32 tuổi, quận Đống Đa) cho biết đã nhờ riêng nhân viên ngân hàng nơi mở tài khoản đổi giúp 20 triệu đồng tiền mệnh giá 100.000 đồng và 200.000 đồng, đi kèm lời hứa sẽ mở sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng.
"Tiền đổi được cũng là tiền qua sử dụng chứ ngân hàng thừa nhận không có chính sách đổi tiền mới cho khách hàng", anh Quảng cho hay.
Thực tế, nhiều nhân viên ngân hàng thừa nhận năm nay không có tiền mới để đổi cho khách hàng. Ngay cả nội bộ, nhiều ngân hàng cũng thông báo không có tiền mới để đổi cho nhân sự.
Nhân viên nhiều ngân hàng phải tăng ca để phân loại tiền đã qua sử dụng đổi cho khách hàng. Ảnh: Nam Khánh.
Một số ngân hàng những năm trước có chính sách đổi tiền cho nhân viên vào dịp Tết nay đã cắt giảm. Có nhà băng vẫn duy trì việc đổi tiền cho nhân sự nhưng hạn mức giảm 50% so với năm trước, và tiền đổi cũng là tiền đã qua sử dụng được phân loại lại.
“Năm nay, lượng tiền mới do Ngân hàng Nhà nước phân bổ rất hạn chế, trong khi nhu cầu đổi tiền vào dịp Tết lại tăng cao. Chúng tôi phải ưu tiên các giao dịch thanh toán lớn hoặc các nhu cầu đặc biệt, còn việc đổi tiền mới cho các khách hàng cá nhân gần như không thực hiện được”, một cán bộ ngân hàng tại Hà Nội chia sẻ.
Tình trạng khan hiếm tiền mới một phần xuất phát từ chính sách giảm phát hành tiền lẻ, tiền mới của Ngân hàng Nhà nước. Lãnh đạo NHNN từng nhiều lần khẳng định không có chính sách phát hành tiền mới dịp Tết, tiền mới nhà điều hành phát hành chỉ để cân đối với lượng tiền cũ hỏng, bị đưa ra khỏi lưu thông hàng năm.
Chính sách này nhằm giảm chi phí in ấn, vận chuyển và lưu thông, đồng thời khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Không chỉ các ngân hàng, các đầu mối thu đổi tiền lẻ, tiền mới đang liên tục thông báo hết hàng, lượng tiền cung cấp cũng không dồi dào và đa dạng mệnh giá như các năm trước.
Phí cao 'cắt cổ', mệnh giá nhỏ khan hiếm
Trên mạng xã hội, các dịch vụ thu đổi tiền lẻ, tiền mới đã nhộn nhịp vài tuần gần đây. Đi cùng nhu cầu tăng cao của người dân là phí đổi tiền tại các kênh giao dịch này cũng liên tục tăng, đặc biệt với các mệnh giá nhỏ.
Hiện tại, nhiều đầu mối đang đưa ra mức phí quy đổi tiền lẻ, tiền mới dao động quanh mức 15-20%, tùy theo mệnh giá. Tiền mệnh giá 10.000 đồng, 20.000 đồng có phí đổi dao động 10-25%. Tiền mệnh giá 50.000 đồng phí khoảng 15-18%. Tiền mệnh giá 200.000 đồng trở lên có phí thấp hơn, nhưng nguồn cung cũng hạn chế.
“Tiền mới năm nay rất khó kiếm. Chúng tôi phải gom từ nhiều nguồn, nhưng cung vẫn không đáp ứng đủ cầu. Phí đổi tăng cao là điều không tránh khỏi”, một đầu mối chuyên kinh doanh dịch vụ đổi tiền mới tại Hà Nội cho biết.
Tại TP.HCM, thị trường đổi tiền cũng diễn ra sôi động không kém, nhưng mức giá khiến nhiều người dân e ngại.
“Mọi năm phí đổi tiền mệnh giá nhỏ chỉ khoảng 5-10%, nhưng năm nay nhiều đầu mối báo giá lên tới 20%", anh Hoàng Phúc (quận 1) chia sẻ.
Bảng giá dịch vụ đổi tiền của một đầu mối tại Hà Nội.
Coi chừng vi phạm pháp luật
Trong bối cảnh nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân gia tăng, nhiều chuyên gia khuyến cáo cần cẩn trọng với các dịch vụ đổi tiền không chính thức.
Theo đó, việc đổi tiền ngoài "chợ đen" hoặc trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là nguy cơ nhận phải tiền giả. NHNN đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng này và nhấn mạnh việc đổi tiền trái phép là hành vi vi phạm pháp luật.
Công an TP.HCM vừa qua cũng cảnh báo tình trạng nhiều đối tượng sử dụng các thủ đoạn đổi tiền mới, tiền lẻ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, các đối tượng đăng tải bài viết, quảng cáo trên các trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử để tiếp cận người có nhu cầu đổi tiền. Khi có nạn nhân đổi tiền, kẻ xấu sẽ yêu cầu chuyển tiền trước rồi cắt liên lạc, chiếm đoạt. Có trường hợp, các đối tượng vẫn giao tiền nhưng là tiền giả hoặc đổi thiếu tiền.
Cơ quan công an cũng cảnh báo cá nhân có hành vi đổi tiền không đúng quy định sẽ bị phạt 20-40 triệu đồng theo Nghị định 88 của Chính phủ. Đối với người có hành vi làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả sẽ bị phạt tù, phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Cơ quan chức năng cho biết người dân khi có nhu cầu đổi tiền, cần tới các cơ sở được phép đổi tiền như ngân hàng, kho bạc...
Hồng Nhung
Nguồn Znews : https://znews.vn/doi-tien-moi-dip-tet-phi-cat-co-hiem-menh-gia-nho-post1526130.html