Đối tượng tông thiếu tá CSGT hy sinh có thể bị xử phạt thế nào?

Đối tượng tông thiếu tá CSGT hy sinh có thể bị xử phạt thế nào?
6 giờ trướcBài gốc
Công an tỉnh Lai Châu cho biết đang tạm giữ hình sự đối tượng Mùa A Hảo (SN 2007, trú tại bản Cung Mù Phìn, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ (nay là phường Đoàn Kết, TP Lai Châu) để điều tra về hành vi Cố ý gây thương tích. Hảo chính là đối tượng điều khiển xe máy rồi tông Thiếu tá Hà Văn Minh, cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Lai Châu trọng thương, anh Minh sau đó được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong do vết thương quá nặng.
Đối tượng Mùa A Hảo.
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, tình huống không phải là một vụ tai nạn giao thông thông thường mà đó là hành vi chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, khiến cho một chiến sĩ cảnh sát giao thông hy sinh khi đang thực hiện nhiệm vụ. Bởi vậy, ngoài việc cứu chữa cho cán bộ cảnh sát giao thông, thực hiện các thủ tục nghi lễ mai táng, giải quyết chế độ quyền lợi của cho gia đình thì cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, nhận thức và hành vi của người đã gây ra sự việc này đồng thời đánh giá hậu quả để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn Phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội)
Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định của Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Khi có hiệu lệnh dừng xe thì các phương tiện phải giảm tốc độ và dừng lại theo yêu cầu của lực lượng chức năng. Trường hợp không chấp hành gây cản trở hoạt động thi hành công vụ, khiến cho hoạt động công vụ không thực hiện được thì đây là hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị xử lý hình sự. Trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ gây ra thương tích cho người thi hành công vụ hoặc dẫn đến người thi hành công vụ thiệt mạng thì tùy vào tính chất nguy hiểm của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc tội giết người.
"Trong vụ việc nêu trên, tình huống đối tượng thực hiện hành vi lao thẳng phương tiện là xe mô tô vào cán bộ cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ là hành vi chống người thi hành công vụ. Trường hợp đối tượng nhận thức được hành vi có thể dẫn đến chết người, nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi thì sẽ xử lý hình sự về tội giết người theo quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự. Trường hợp không đủ căn cứ để xử lý về tội giết người, không chứng minh được động cơ mục đích giết người, không chứng minh được nhận thức là hành vi có thể dẫn đến chết người nhưng hành vi đã gây ra thương tích cho nạn nhân dẫn đến hậu quả nạn nhân tử vong thì sẽ xử lý hình sự đối tượng về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 4, điều 134 Bộ luật Hình sự với hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 14 năm.
Theo quy định của pháp luật, người từ 16 tuổi trở lên chịu trách nhiệm hình sự đối với mọi tội phạm. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy đối tượng thực hiện hành vi gây thương tích cho cảnh sát giao thông dẫn đến tử vong đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, hành vi là nguy hiểm cho xã hội phải dẫn đến một cán bộ cảnh sát giao thông hy sinh nên đủ căn cứ để xử lý hình sự đối với đối tượng này về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự. Quá trình điều tra vụ án này, trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy đối tượng nhận thức được hành vi có thể dẫn đến giết người nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì sẽ chuyển tội danh sang tội giết người để xử lý đối với đối tượng này theo quy định tại điều 123 bộ luật hình sự", luật sư Cường phân tích.
Luật sư Cường cho hay, ngoài trách nhiệm hình sự với mức hình phạt nghiêm khắc thì đối tượng thực hiện hành vi phạm tội trong tình huống này còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra cho gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công và chăm sóc, chi phí mai táng theo phong tục địa phương, bồi thường tổn thất về tinh thần và nghĩa vụ cấp dưỡng cho người và nạn nhân phải cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Về phần thân giữa các bên có thể thỏa thuận với nhau, nếu không thỏa thuận được thì tòa án sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật".
Đây không phải là vụ việc đầu tiên thanh thiếu niên vi phạm giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trước đó đã xảy ra không ít các vụ việc thanh thiếu niên “thông chốt”, chống người thi hành công vụ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bởi vậy ngoài việc làm rõ hành vi, xác định nhận thức của đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nguyên nhân điều khiển phạm tội để thực hiện các giải pháp tuyên truyền, để nâng cao trình độ nhận kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật của thanh thiếu niên hiện nay. Nhà trường cần phối hợp với gia đình trong việc quản lý giáo dục học sinh, thanh thiếu niên, đặc biệt là quản lý thanh thiếu niên sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ là xe mô tô. Theo quy định của pháp luật thì người chưa đủ 18 tuổi không được điều khiển phương tiện là xe mô tô có diện tích trên 50 cm khối.
Bởi vậy cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ đặc điểm phương tiện giao thông mà đối tượng này sử dụng, sẽ làm rõ có hành vi giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển hay không để xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy đối tượng này đã sử dụng phương tiện giao thông khi chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe phù hợp và có hành vi giao phương tiện của người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì sẽ xử lý người giao phương tiện cho thanh thiếu niên điều khiển theo quy địnhcủa của bộ luật hình sự", luật sư Cường chia sẻ.
Xem thêm video: Xe khách va chạm ô tô đầu kéo, 6 người tử vong
Nguồn: ĐTHĐT.
Gia Đạt
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/doi-tuong-tong-thieu-ta-csgt-hy-sinh-co-the-bi-xu-phat-the-nao-post1552433.html