Đội tuyển bóng đá Việt Nam: Đã đến lúc dùng lại cầu thủ nhập tịch

Đội tuyển bóng đá Việt Nam: Đã đến lúc dùng lại cầu thủ nhập tịch
3 giờ trướcBài gốc
Hành trình của cầu thủ nhập tịch tại Đội tuyển Việt Nam
16 năm trước, đội tuyển Việt Nam dưới triều đại của HLV Henrique Calisto đã triệu tập Phan Văn Santos. Đó là trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam và Olympic Brazil, ở thời điểm 4 tháng trước khi AFF Cup 2008 bắt đầu. Ông Calisto khi ấy chưa cùng “Những chiến binh sao Vàng” vô địch Đông Nam Á. Nhưng bằng cái uy trong lời nói, vị HLV người Bồ Đào Nha đã thuyết phục được LĐBĐ Việt Nam và các tổ chức liên quan nhất quán với mình, trong chiến lược đưa cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển Việt Nam.
Phan Văn Santos là cầu thủ nhập tịch đầu tiên thi đấu cho đội tuyển Việt Nam.
Phan Văn Santos - thủ thành người Brazil được nhập tịch Việt Nam, vốn chơi cực hay trong hành trình mà CLB Long An vô địch V.League 2005 và 2006, đóng vai trò tiên phong trong làn sóng nhập tịch “ăn cơm tuyển”. Khoan nói tới những trúc trắc mà Phan Văn Santos trải qua ở màu áo đội tuyển Việt Nam, nhưng sự xuất hiện mang tính bước ngoặt lịch sử của thủ môn này đã mở ra con đường để các gương mặt nhập tịch hy vọng về việc được chọn lựa lên “Những chiến binh sao Vàng”.
Cuối những năm 2000 và đầu thập niên 2010, một số cầu thủ nhập tịch khác như Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max hay Huỳnh Kesley Alves đã được HLV Calisto trao cơ hội lên đội tuyển Việt Nam. Dù hành trình của các cầu thủ nhập tịch với tư cách tuyển thủ quốc gia không quá ngắn, song kể từ đó cho đến nay, những trường hợp tương tự đã và đang ấp ủ được thực hiện điều tương tự. Hoàng Vũ Samson, chân sút nhập tịch vốn ghi hơn 200 bàn ở V.League, luôn bày tỏ niềm thiết tha lên đội tuyển Việt Nam.
Gần đây nhất, Rafaelson cũng trở thành công dân Việt Nam với cái tên Nguyễn Xuân Son. Cầu thủ sinh ra tại Brazil kỳ vọng được trở thành tuyển thủ quốc gia. Bởi đó là điều mà anh chẳng thể với tới khi còn ở xứ sở samba vốn đầy ắp những tiền đạo thượng hạng.
Vì sao nên tin dùng cầu thủ nhập tịch?
Khoan bàn đến trắc trở đối với cầu thủ nhập tịch trên đội tuyển Việt Nam, bối cảnh hiện tại của bóng đá nước nhà đặt ra tính cấp thiết về việc nâng tầm nguồn lực. Trong đó, việc sử dụng cầu thủ nhập tịch đang nhận được nhiều tranh cãi, giữa ủng hộ và phản đối.
Không nhiều cầu thủ nhập tịch được ra sân tại đội tuyển Việt Nam.
Hãy nói về sự ủng hộ trước. Trong bức tranh bóng đá thế giới hiện tại, Việt Nam đang là một gam màu trầm. World Cup 2023 của đội tuyển nữ và vòng loại World Cup 2026 dành cho bóng đá nam phản ánh rõ giới hạn về thực lực. Tầm vóc khiêm tốn, kỹ chiến thuật dừng lại ở tầm khu vực, bản lĩnh thi đấu chưa đến ngưỡng châu lục là lý do khiến đội tuyển Việt Nam chưa thể hiện thực hóa nhiều tham vọng xuyên suốt nhiều năm qua.
Cùng thời điểm, Indonesia, Thái Lan và Philippines - những hàng xóm của bóng đá Việt Nam lại trỗi dậy mạnh mẽ. Với Thái Lan, họ phát triển song song 2 nguồn lực quan trọng cấu thành nên sức mạnh tầm ĐTQG. Đó là kết hợp những tuyển thủ quốc gia xuất chúng thi đấu thành công ở nước ngoài với các Thái kiều có tiềm năng tại châu Âu. Hai chức vô địch Đông Nam Á liên tiếp là câu trả lời cho tính đúng đắn về chiến lược phát triển nhân sự mà Thái Lan đã đi qua.
Trong khi đó, Indonesia và Philippines có cùng một đích đến trong hệ tư tưởng. Đấy là khai thác triệt để những Indonesia kiều và Phi kiều, nhằm “đi tắt đón đầu” về khả năng. Bất cứ những cầu thủ nam hay nữ xuất sắc, có bố mẹ, ông bà, tổ tiên… sở hữu gốc gác Indonesia và Philippines đều được LĐBĐ 2 quốc gia này khoanh vùng. Cả hai cũng lập tức “xắn tay” vào công đoạn thuyết phục các cầu thủ kể trên nhập tịch, mở ra hành lang pháp lý gọn gàng để tiến hành công đoạn về điều kiện cần.
Tiếp đến, Philippines và Indonesia lập tức sử dụng các cầu thủ nhập tịch vào hệ thống giải đấu khu vực, châu lục đến thế giới. Kết quả này tạm thời thành công ngoài mong đợi. Đơn cử, đội tuyển nữ Philippines thắng lịch sử 1 trận đấu ở World Cup nữ. Trong khi đó, Indonesia liên tiếp gây chấn động từ Asian Cup, VCK U23 châu Á cho đến vòng loại World Cup, dựa trên đội hình với gần 1 nửa là nhập tịch.
Trở lại với bóng đá Việt Nam, hẳn nhiên, chúng ta không thể cứ “ăn mòn” với vinh quang của giai đoạn 2018 đến 2023. Một thực tế phải thừa nhận. Đó là lực lượng nội binh ở V.League cũng có chiều hướng đi xuống. Bản thân những cầu thủ giỏi như Quang Hải, Văn Hậu, Văn Lâm, Công Phượng…. lại mất hút khi xuất ngoại. Vì thế mà trong 3 năm qua, VFF đã phải tính đến việc nâng tầm sức mạnh bằng những cầu thủ Việt kiều trình độ cao.
Sự hiện diện của Nguyễn Filip hay tới đây là Jason Quang Vinh là nguồn bổ sung quý giá cho “Những chiến binh sao Vàng”. Thế nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, những cầu thủ Việt kiều tha thiết nhập tịch để chơi cho đội tuyển Việt Nam là quá ít. Ibrahim Maza, cầu thủ có gốc gác Việt Nam được xem là hay nhất hiện tại sau cùng đã chọn Algeria thay vì Việt Nam. Đơn giản, cơ hội dự World Cup cùng đội tuyển Bắc Phi sáng sủa hơn nhiều so với “Những chiến binh sao Vàng”.
Sau cùng thì, việc lựa chọn cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển Việt Nam cũng buộc phải nghĩ đến. Hơn 1 thập kỷ “ngó lơ” với nguồn lực này, đây là giai đoạn mà những chuyên gia, người làm bóng đá hay giới mộ điệu Việt Nam phải hạ cái tôi bản thân, trong câu chuyện đưa cầu thủ nhập tịch trở thành tuyển thủ quốc gia!
Vì sao còn lấn cấn?
Mới đây nhất, trường hợp của Rafaelson (với tên gọi mới là Nguyễn Xuân Son) trở thành công dân Việt Nam và khát vọng được khoác áo ĐTQG trong tương lai gần, được nhiều người hâm mộ quan tâm. Xét về thực lực, khả năng săn bàn, Rafaelson chẳng ngán một tuyển thủ Việt Nam nào. Chân sút sinh năm 1997 đã lập kỷ lục ghi tới 31 bàn cho 1 mùa giải. Anh cũng có 2 lần liên tiếp đoạt danh hiệu Vua phá lưới V.League. Dù rằng chưa có khởi đầu suôn sẻ tại V.League 2024/25 nhưng Rafaelson cũng ghi 1 bàn và thêm 1 đường kiến tạo cho đồng đội lập công.
Phân tích kể trên để thấy rằng, trình độ của Rafaelson đủ thuyết phục HLV Kim Sang Sik gọi anh lên đội tuyển Việt Nam. Nhưng ở một chiều hướng khác, câu chuyện cầu thủ nhập tịch chưa bao giờ được tán đồng và nhất trí cao nơi giới mộ điệu.
Liệu Rafaelson có mở ra một chương mới cho cầu thủ nhập tịch?
Ngược dòng thời gian trở lại hơn 10 năm trước, những Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley Alves cũng đã góp mặt lên đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, số lần ra sân của họ không quá nổi tổng cộng 10 trận cho “Những chiến binh sao Vàng”. Áp lực từ dư luận là điều khiến cho các cầu thủ nhập tịch ít được trao cơ hội lên đội tuyển Việt Nam. Song, tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Chính bản thân họ cũng phải xem lại cư xử, thái độ trong việc giữ hình ảnh cho đội tuyển Việt Nam.
Phan Văn Santos trước khi từ chối HLV Calisto để trở lại đội tuyển Việt Nam từng gây tranh cãi khủng khiếp vì hành động… hát quốc ca Brazil dù đang khoác áo đội tuyển Việt Nam. Một tuyển thủ quốc gia khác là Đinh Hoàng La tiêu tan sự nghiệp vì tranh cãi “nhận tiền để nhập tịch” khi còn khoác áo Bình Dương. Đinh Hoàng Max gây lùm xùm với những hành vi trái thuần phong mỹ tục, trong cuộc sống riêng tư với bạn gái. Hoàng Vũ Samson, gương mặt khao khát lên đội tuyển Việt Nam thì khiến dư luận phẫn nộ khi thẳng tay đấm cầu thủ Hải Phòng hơn chục năm trước. Cầu thủ này còn đạp vào mặt cựu danh thủ Huy Hoàng bên phía Sông Lam Nghệ An.
Hiển nhiên, khi các cầu thủ nhập tịch không ý thức về việc giữ gìn hình ảnh tuyển thủ quốc gia, thì những lời thề thốt cùng mơ mộng được cống hiến trên ĐTQG thật sự đáng để CĐV cảm thấy e ngại.
Câu chuyện “chim sợ cành cong” vô hình trung xảy ra. Những ngoại binh nhập tịch sau này như Nguyễn Van Bakel, Đỗ Merlo, Thiago Melo hay Nguyễn Trung Đại Dương… cũng bị bít đường lên đội tuyển Việt Nam.
Phải tời thời điểm này, khi bóng đá Việt Nam đang cần huy động nguồn lực để cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực, câu chuyện đưa cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển Việt Nam nói chung và cá nhân Rafaelson nói riêng mới lại xuất hiện rầm rộ trên mạng xã hội và truyền thông đại chúng.
FIFA chưa cho phép
Theo thông báo của CLB Nam Định, vào ngày 20/9, tiền đạo Rafaelson đã hoàn tất thủ tục nhập tịch Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, Rafaelson có thể thi đấu cho Nam Định với tư cách cầu thủ Việt Nam gốc nước ngoài (cầu thủ nhập tịch). Theo quy định giải đấu, mỗi đội được phép đăng ký 1 cầu thủ thuộc diện kể trên.
Tuy nhiên, Rafaelson chưa đủ điều kiện về thời gian để thi đấu cho đội tuyển Việt Nam. Bởi theo điều 7 - Cầu thủ nhập quốc tịch mới (chưa thi đấu quốc tế), trong Quy định thi đấu cho ĐTQG từ FIFA có ghi: “Một cầu thủ đủ điều kiện để thi đấu cho một ĐTQG khác, dựa trên quốc tịch tương ứng, chỉ ra sân trong trận đấu quốc tế khi xảy ra 1 trong các trường hợp:
- Cầu thủ ấy được sinh ra trên lãnh thổ có các ĐTQG liên quan.
- Mẹ hoặc bố ruột của cầu thủ được sinh ra trên lãnh thổ có các ĐTQG liên quan.
- Bà hoặc ông của cầu thủ được sinh ra trên lãnh thổ có các ĐTQG liên quan.
- Cầu thủ đó sống trên lãnh thổ có các ĐTQG liên quan trong ít nhất 5 năm.
Theo quy định của FIFA, Rafaelson sẽ chỉ đủ điều kiện ra sân chơi cho đội tuyển Việt Nam ở một giải chính thức khi đã sống trên lãnh thổ Việt Nam ít nhất 5 năm. Rafaelson đặt chân đến Việt Nam vào ngày 20/12/2019. Anh ký hợp đồng làm việc với Nam Định (lần đầu tiên) vào ngày 12/1/2020 (theo Transfermarkt). Nếu đối chiếu từ cột mốc mà Transfermarkt đưa ra, Rafaelson sẽ chỉ đảm bảo điều kiện về thời gian để có thể thi đấu cho đội tuyển Việt Nam vào ngày 12/1/2025, tính ở các trận đấu quốc tế.
An Khánh
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/doi-tuyen-bong-da-viet-nam-da-den-luc-dung-lai-cau-thu-nhap-tich-i746653/