Trong lúc đội tuyển U-23 Indonesia có hai trận ra quân toàn thắng và chỉ cần một trận hòa để bước tiếp, nhưng câu chuyện không chỉ đơn giản như vậy, bởi vì đối thủ là Malaysia.
Nóng bỏng ở Gelora Bung Karno
Cuộc chiến giữa đội tuyển U-23 Indonesia không đơn thuần là màn tranh chấp một mất một còn cho chiếc vé vào bán kết giải U-23 Đông Nam Á mà đây còn là trận quyết đấu chứa đựng cảm xúc mãnh liệt, áp lực tinh thần, và cả những di sản đối đầu đã ăn sâu vào tâm trí hai nền bóng đá.
Trong quá khứ, đội tuyển U-23 Indonesia chưa từng có được chiến thắng trước Malaysia tại sân chơi U-23 Đông Nam Á. Năm 2019, họ hòa 2-2 trong một trận đấu gay cấn. Đến năm 2023, thất bại 1-2 đã khiến cánh cửa vào bán kết của họ khép lại đầy tiếc nuối. Những ký ức đó không chỉ tạo ra áp lực mà còn là nỗi ám ảnh tâm lý đối với nhiều cầu thủ trẻ của đội tuyển U-23 Indonesia.
Các tuyển thủ trẻ Indonesia cần giữ cái đầu lạnh ở trận quyết đấu Malaysia đêm 21-7. Ảnh: CCT.
Các chuyên gia bóng đá nhận định hội chứng “nóng máu”, một khái niệm không chính thức nhưng vô cùng phổ biến trong các trận đấu giữa họ, cũng có thể khiến các cầu thủ Indonesia mất kiểm soát cảm xúc, dẫn đến sai sót và mất thế trận.
Hiện tại, hai trận thắng Brunei 8-0 và Philippines 1-0 giúp đội tuyển U-23 Indonesia dẫn đầu bảng A với 6 điểm, nhưng điều đó không bảo đảm điều gì nếu họ gục ngã trước Malaysia ở lượt cuối. Một thất bại với cách biệt hai bàn trở lên sẽ khiến đội bóng của HLV Gerald Vanenburg bị loại. Chính vì vậy, không chỉ cần sự chắc chắn về chiến thuật và nhân sự, điều mà chủ sân Gelora Bung Karno cần hơn cả là một tinh thần thép và khả năng tự kiểm soát dưới áp lực.
HLV Vanenburg với kinh nghiệm chinh chiến đỉnh cao tại châu Âu và từng vô địch Cúp C1 châu Âu cũng như Euro 1988 cùng Hà Lan, rõ ràng hiểu rõ những gì đang chờ đợi các học trò. Ông đã thể hiện sự tỉnh táo khi liên tục xoay vòng đội hình ở hai lượt đấu trước.
Kinh nghiệm cầm quân của HLV Vanenburg sẽ giúp ích rất nhiều cho các học trò. Ảnh: CCT.
Việc không để Ferrari và Scheunemann thi đấu trong trận thứ hai là một bước đi chiến thuật tinh tế nhằm bảo toàn lực lượng cũng như tránh quá tải. Những cái tên như Kadek Arel hay Kakang Rudianto đã cho thấy họ có thể thay thế xứng đáng.
Nỗi lo hàng công của Indonesia
Ở tuyến giữa, bộ ba Robi Darwis, Arkhan Fikri và Toni Firmansyah thi đấu tương đối ổn định. Đây là bộ khung có thể giúp đội tuyển U-23 Indonesia kiểm soát thế trận tốt nếu duy trì được sự tỉnh táo và không để cảm xúc chi phối. Thêm vào đó, những quân bài dự bị như Victor Dethan có thể tạo ra bất ngờ khi vào sân.
Tuy nhiên, hàng công mới thực sự là nơi khiến Vanenburg đau đầu. Jens Raven từng tỏa sáng rực rỡ với cú hat trick vào lưới Brunei, nhưng trước một đối thủ mạnh hơn như Philippines, anh lại hoàn toàn im hơi lặng tiếng. Hokky Caraka thì vẫn đang vật lộn để tìm lại bản năng sát thủ từng khiến người hâm mộ kỳ vọng.
Jens Raven và đồng đội vẫn được đánh giá cao hơn đội khách Malaysia. Ảnh: CCT.
Cần biết thêm về điều khiến Malaysia trở thành một đối thủ khó chịu là họ rất biết cách kích thích cảm xúc của các cầu thủ Indonesia. Họ thường xuyên chủ động chơi rắn, quyết liệt và tận dụng các thời điểm để gây ức chế cho đối thủ. Chiến thuật đó nhiều lần thành công, đặc biệt khi các cầu thủ trẻ Indonesia vốn dễ bị kéo theo dòng cảm xúc và mất bình tĩnh trong các tình huống nóng.
Trong trận đấu với Philippines, điều này đã phần nào thể hiện. 15 phút đầu tiên, đội tuyển U-23 Indonesia hoàn toàn lúng túng, để mất thế trận và không thể triển khai lối chơi mạch lạc. Nếu điều tương tự xảy ra trước Malaysia, một đội bóng có bản lĩnh và giàu kinh nghiệm hơn, cái giá phải trả sẽ không hề nhỏ.
Đây chính là thời điểm mà bản lĩnh của HLV Vanenburg phải lên tiếng. Việc giúp các cầu thủ giữ được cái đầu lạnh trước sự khiêu khích từ đối phương có thể chính là chìa khóa giúp Indonesia tiến xa.
Cuộc đụng độ giữa làng bóng Indonesia và Malaysia luôn rất nóng bỏng. Ảnh: CCT.
Điểm tích cực là đội bóng xứ vạn đảo không hề thiếu tài năng. Những cái tên như Arkhan Fikri, Dony Tri Pamungkas hay Raven đều là các cầu thủ trẻ nổi bật trong lứa hiện tại. Họ có tốc độ, kỹ thuật, và sự nhiệt huyết. Nếu gột bỏ được tâm lý dễ kích động và duy trì được sự gắn kết, họ hoàn toàn có thể biến thách thức thành cơ hội.
Trận đấu với Malaysia là một bài kiểm tra lý tưởng về sự trưởng thành, không chỉ của từng cá nhân mà còn của toàn bộ hệ thống thi đấu mà Vanenburg đang xây dựng. Trong bóng đá, chiến thắng không phải lúc nào cũng đến từ chiến thuật hay đội hình tốt hơn, mà còn phụ thuộc vào yếu tố tinh thần. Một Indonesia lý trí, bản lĩnh và thi đấu với đúng phẩm chất của mình hoàn toàn có khả năng vượt qua Malaysia.
Và nếu điều đó xảy ra, đội tuyển U-23 Indonesia sẽ “xóa dớp” chưa từng nếm mùi chiến thắng đối thủ khó chịu Malaysia và làm thay đổi lịch sử của bóng đá trẻ Indonesia.
HÙNG VĂN