Theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, ngày 30/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 170/2025/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức. Đây là cơ sở pháp lý để Sở này xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền tuyển dụng các đội viên còn lại chưa được tuyển dụng thuộc Đề án 500 trí thức trẻ.
Các nữ tri thức trẻ thuộc Đề án 500 trong 1 lần gặp gỡ báo chí.
Tại Điểm h, Điều 13, Chương 2 của Nghị định số 170, quy định tiếp nhận vào làm công chức: Đội viên Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 đăng ký hợp đồng lao động làm việc tại xã (trước 1 tháng 7 năm 2025) vào làm việc tại xã (kể từ 1 tháng 7 năm 2025).
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị những đội viên này muốn được tiếp nhận thì phải tuân thủ một số quy định của nghị định nói trên. Tại Điều 14 của Nghị định 170, quy định về thủ tục tiếp nhận như: Phải thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch để kiểm tra về tiêu chuẩn, điều kiện, văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận của người được đề nghị tiếp nhận theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
Đồng thời, tổ chức sát hạch về trình độ hiểu biết chung và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người được đề nghị tiếp nhận; nội dung sát hạch phải căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển; hình thức sát hạch là vấn đáp.
Như Tiền Phong đã thông tin, sau hơn 10 năm cống hiến ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, 11 trí thức trẻ thuộc đội viên Đề án 500 của Quảng Bình (cũ) trước nguy cơ bị mất việc vì đang trong diện hợp đồng của Đề án (hạn chót là vào 31/12/2025).
Trước đó, cách đây hơn 10 năm, tỉnh Quảng Bình (cũ) có hàng ngàn ứng viên tham gia ứng tuyển đề án 500, nhưng chỉ 15 người trúng tuyển. Họ là những sinh viên ưu tú tốt nghiệp bằng giỏi, xuất sắc… đã vượt qua kỳ thi nghiêm ngặt do Sở Nội vụ tổ chức, Bộ Nội vụ giám sát. Sau đó tiếp tục cử đi đào tạo thêm một thời gian, rồi được phân công về các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa để công tác và đã chứng minh năng lực, trình độ qua thời gian.
Trước thực trạng trên, ngày 27/5, UBND tỉnh Quảng Bình (cũ) có văn bản gửi Bộ Nội vụ, báo cáo tình hình bố trí, sử dụng đội viên Đề án 500 trí thức trẻ và đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển dụng. Trong đó, tỉnh kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung thêm biên chế sau khi hoàn tất việc sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp để tuyển dụng các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ.
Từ ngày 1/7, khi vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tại tỉnh Quảng Trị mới, các đội viên này vẫn tiếp tục làm việc tại các xã, phường theo diện hợp đồng đề án. Nay Nghị định số 170 của Chính phủ ra đời là cơ hội để những trí thức trẻ nói trên trở thành công chức đúng nghĩa.
Hoàng Nam