Đối với Vương quốc Anh, cuộc chiến ở Ukraine là 'một lời cảnh tỉnh'

Đối với Vương quốc Anh, cuộc chiến ở Ukraine là 'một lời cảnh tỉnh'
3 giờ trướcBài gốc
Được công bố vào ngày 26/9, báo cáo có tựa đề "Ukraine: A Wake-Up Call" nêu bật những điểm yếu của Vương quốc Anh và kêu gọi đầu tư đáng kể vào hệ thống phòng thủ tên lửa và không quân tích hợp (IAMD), rút ra những bài học đáng giá từ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.
Ngài De Mauley, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Quan hệ Quốc tế của Thượng viện Anh, đã không ngần ngại nói thẳng: "Các chính phủ ở London đã cố gắng duy trì quan niệm Vương quốc Anh là một cường quốc toàn cầu, nhưng cuộc chiến ở Ukraine là một lời cảnh tỉnh, phơi bày khoảng cách giữa tham vọng đó và thực tế".
Khu trục hạm Type 45 HMS Dragon của Hải quân Hoàng gia Anh bắn tên lửa Aster (Sea Viper). Ảnh: Army Recognition
Một trong những chủ đề chính của báo cáo là nhu cầu cấp thiết của Vương quốc Anh trong việc đầu tư vào hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại. Cuộc chiến ở Ukraine đã cho thấy ưu thế trên không và phòng thủ tên lửa quan trọng như thế nào trong các cuộc xung đột ngày nay.
Ủy ban nhấn mạnh rằng, Vương quốc Anh không được tụt hậu. "Cuộc chiến ở Ukraine đã chứng minh rằng phòng không là điều cần thiết để ngăn chặn xung đột tiêu hao trên bộ", báo cáo nêu rõ, đồng thời thúc giục chính phủ ở London đưa phòng không và phòng thủ tên lửa lên hàng đầu.
Mặc dù vị trí địa lý của Vương quốc Anh cách xa khu vực diễn ra các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm ngắn trên bộ và máy bay không người lái, nhưng báo cáo cảnh báo "xứ sở sương mù" không nên chủ quan.
Báo cáo lưu ý thêm rằng, trong trường hợp xảy ra xung đột giữa NATO với Nga, Vương quốc Anh có thể trở thành mục tiêu chính do vai trò chiến lược của nước này là căn cứ chính cho các lực lượng Mỹ tiến vào châu Âu.
Thực tế là Vương quốc Anh vẫn dễ bị "tên lửa tầm xa, tên lửa phóng từ tàu ngầm và đạn dược tầm xa do máy bay chiến đấu và máy bay chiến đấu tàng hình bắn ra", báo cáo cảnh báo.
Một mối quan ngại lớn mà Ủy ban Quốc phòng và Quan hệ Quốc tế của Thượng viện Anh nêu bật là, việc London quá phụ thuộc vào Washington về khả năng phòng thủ tên lửa, một tình huống mà báo cáo mô tả là "không bền vững".
Cụ thể, Vương quốc Anh phụ thuộc rất nhiều vào các tài sản của Mỹ về phòng không, đặc biệt là trong việc ngăn chặn các hệ thống phòng không của đối phương (SEAD).
"Không có lực lượng không quân NATO nào của châu Âu có đủ chuyên môn hoặc kho đạn dược để tiến hành ngăn chặn và phá hủy các hệ thống phòng không của đối phương (SEAD/DEAD) ở quy mô lớn", Ủy ban cảnh báo.
Để giảm thiểu điều này, Ủy ban kêu gọi tăng cường hợp tác với các đồng minh châu Âu, đặc biệt là thông qua Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu (ESSI), một dự án do Đức đứng đầu nhằm mục đích thiết lập một hệ thống phòng không châu Âu mà Vương quốc Anh đã bày tỏ sự quan tâm muốn tham gia.
Báo cáo khuyến khích chính phủ Anh nghiêm túc xem xét việc tham gia ESSI, hợp tác với các đối tác NATO châu Âu về khả năng tương tác và mua sắm chung để lấp đầy khoảng trống năng lực, đồng thời tiết kiệm chi phí.
Ngoài phòng thủ tên lửa, báo cáo nêu lên mối lo ngại về những rủi ro rộng hơn đối với cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng (CNI) của Vương quốc Anh, so sánh với các cuộc tấn công thông thường và hỗn hợp nhắm vào CNI ở Ukraine. Ủy ban kêu gọi "nỗ lực của toàn chính phủ" để tăng cường khả năng phục hồi của Vương quốc Anh trước các mối đe dọa này, bao gồm cả từ chiến tranh mạng và tác chiến điện tử.
Minh Đức (Theo UK Defence Journal)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/doi-voi-vuong-quoc-anh-cuoc-chien-o-ukraine-la-mot-loi-canh-tinh-20424100120463762.htm