Cơ hội phát triển sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao
Hiện nay, CVĐC Non nước Cao Bằng có 5 tuyến du lịch trải nghiệm CVĐC toàn cầu UNESCO. Công tác vệ sinh môi trường vẫn nằm trong ngưỡng có thể kiểm soát. Tỉnh đang triển khai công tác bảo tồn, khoanh vùng các điểm di sản trong vùng CVĐC, quy hoạch du lịch. Năm 2025 sẽ thông tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối Cao Bằng gần hơn với Hà Nội và các vùng kinh tế lớn trong nước. Đặc biệt Cao Bằng vẫn còn giữ được cảnh quan thiên nhiên đa dạng, đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, lịch sử, diện mạo địa chất… Các yếu tố trên hội tụ những điều kiện cần thiết để phát triển sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, đặc sắc, riêng có theo hướng bền vững. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng mà Ban Quản lý CVĐC hướng tới để vận hành CVĐC Non nước Cao Bằng theo các tiêu chí danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO.
Giám đốc Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng Vi Trần Thùy cho biết: Thời gian tới, nhu cầu du lịch của các tầng lớp trong xã hội sẽ tăng lên. Trong đó nhu cầu nghỉ dưỡng chất lượng cao sẽ thay thế dần du lịch đại trà, du lịch giá rẻ. Nắm bắt cơ hội trên, Ban Quản lý CVĐC tích cực phối hợp với các cấp, ngành, đơn vị, địa phương để định hướng, hỗ trợ, tập huấn cho các đối tác thành viên, người dân sinh sống trong vùng VCĐC bảo tồn và phát huy các giá trị di sản để phát triển sản phẩm du lịch mới theo hướng bền vững.
Phụ nữ dân tộc Dao tiền xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) phát triển nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống làm ra nhiều sản phẩm thủ công đặc sắc được khách du lịch ưa chuộng.
Đồng hành, hỗ trợ đối tác thành viên
Để 85 đối tác thành viên và tiềm năng của mạng lưới của CVĐC Non nước Cao Bằng đang hoạt động khách sạn, nhà hàng, homestay, cơ sở dịch vụ giải khát, vận tải, làng nghề thủ công truyền thống đón bắt cơ hội mới phát triển du lịch bền vững, Ban Quản lý CVĐC đồng hành hỗ trợ, định hướng với nhiều hoạt động thiết thực như: Đẩy mạnh tuyên truyền về các giá trị di sản CVĐC gắn với trách nhiệm bảo vệ giữ gìn các giá trị di sản, môi trường để các đối tác thành viên giới thiệu cho du khách về giá trị di sản CVĐC nơi mình đang sinh sống và trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên môi trường. Hưởng ứng các sự kiện Ngày Môi trường thế giới, Ngày trái đất, Giờ trái đất, Ngày quốc tế đa dạng sinh học, triển khai mô hình quản lý, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn.
Ban Quản lý CVĐC hướng dẫn, tư vấn cho đối tác thành viên khai thác văn hóa bản địa để làm sản phẩm du lịch mới như: Thiết kế không gian kiến trúc, dịch vụ từ văn hóa dân tộc Tày, Nùng, Dao, Lô Lô tạo thành cảnh quan văn hóa dân tộc thiểu số độc đáo, xanh - sạch - đẹp; đa dạng hóa sản phẩm du lịch từ khai thác văn hóa bản địa để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách, tối ưu trải nghiệm cho du khách.
Chị Mạc Thị Khon, chủ cơ sở Quang Thuận Homestay, Làng đá Tày cổ xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) cho biết: Với sự hướng dẫn của Ban Quản lý CVĐC nên tôi đã khai thác tối đa không gian văn hóa dân tộc Tày để nâng cấp, thiết kế không gian homestay của mình từ phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn với vật liệu đá, gỗ, tre trúc… thân thiện với môi trường. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho khách du lịch đan nệm rơm thủ công, làm bánh truyền thống, giao lưu hát Then - đàn tính với dân bản. Giới thiệu vẻ đẹp thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, sông Quây Sơn để du khách trải nghiệm, nâng cao ý thức, đồng hành bảo vệ thiên nhiên môi trường… Nhiều du khách hài lòng và tiếp tục trở lại đây.
Từ sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Ban Quản lý CVĐC, các đối tác thành viên đã có thêm động lực đổi mới, sáng tạo. Nhiều điểm di sản làng nghề, làng du lịch cộng đồng huyện Quảng Hòa, Nguyên Bình, Trùng Khánh… chú trọng đến bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa để nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch từ không gian lưu trú đến ẩm thực và các tổ chức hoạt động trải nghiệm mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa. Cơ sở sản xuất làng nghề, sản phẩm OCOP làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện thiết kế bao bì để nâng cao tính thẩm mỹ và giá trị văn hóa bản địa, hướng tới phát triển đa dạng sản phẩm quà tặng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phong phú của du khách.
Chị Nông Thị Kính và Hoàng Thị Bày, hộ sản xuất giấy bản thủ công xóm Dìa Trên và làm hương thơm Phja Thắp xã Phúc Sen (Quảng Hòa) giới thiệu sản phẩm giấy bản và hương thơm.
Hộ chị Nông Thị Kính làm giấy bản thủ công tại xóm Dìa Trên, xã Phúc Sen (Quảng Hòa), đối tác thành viên của Mạng lưới CVĐC cho biết: Với sự hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” của Ban Quản lý CVĐC, tôi đã làm mới sản phẩm giấy bản thủ công thành 5 sản phẩm mới đều từ nguyên liệu cây tự nhiên của địa phương như: Giấy bản các màu từ lá cẩm, lá ngót, lá tre, lá chàm dùng để vẽ tranh, vẽ thư pháp, đóng sổ tay, làm quạt, hoa giấy, bì thư… Vì thế sản phẩm giấy bản thủ công mới thân thiện với môi trường, được khách trong nước và nước ngoài ưa chuộng và giá cao hơn. Nếu như trước đây 4 tờ khổ nhỏ (15x15 cm) có giá 10 nghìn đồng nay tăng lên 20 - 40 nghìn đồng/tờ khổ rộng, được khách hàng đặt hàng đều đặn hơn, đem lại thu nhập gần 80 triệu đồng/năm. Gia đình chị Kính còn tổ chức cho du khách tham gia các công đoạn làm giấy bản thủ công từ các loại lá cây tự nhiên để quảng bá giá trị nghề thủ công truyền thống, thu hút nhiều du khách đến trải nghiệm, đặc biệt là khách nước ngoài. Mô hình của hộ chị Kính được nhân rộng ra 4 hộ và thành lập nhóm hộ mở ra không gian trải nghiệm và khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm từ giấy bản và nông sản địa phương.
Tăng cường kết nối
Để nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực quản lý, phát triển sản phẩm du lịch theo hướng bền vững, Ban Quản lý CVĐC còn tổ chức cho các đối tác thành viên gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm những mô hình du lịch phát triển theo hướng bền vững từ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa; đề cao lợi ích cộng đồng, kết nối trực tiếp trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của từng địa phương. Chị Hoàng Thị Bày, hộ làm hương thơm xóm Phja Thắp, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) cho biết: Trước đây gia đình tôi làm hương thơm thủ công đem đi chợ phiên bán thu nhập thấp. Từ năm 2024 đến nay được Ban Quản lý CVĐC hướng dẫn hỗ trợ gia đình tôi phát triển làm hương theo 2 hướng mới: Học tập mô hình hộ chị Nông Thị Kính, làm giấy bản thủ công xóm Dìa Trên sẽ nâng cấp làm hương truyền thống từ nguyên liệu tự nhiên để làm sản phẩm hương mới chất lượng cao, như: Hương nụ quế, hương thơm quế, đóng bao bì nhãn mác và giới thiệu sản phẩm văn hóa Nùng An. Từ sản phẩm chất lượng cao, mẫu mã đẹp nên giá thành bán cao hơn hương truyền thống và được du khách rất ưa chuộng. Từ làm nghề hương thơm, gia đình tôi học tập mở thêm homestay Nùng An cho du khách đến trải nghiệm làm hương thơm tại nhà. Phát triển làng nghề truyền thống gắn với dịch vụ du lịch, tôi càng thấy rõ giá trị nghề truyền thống và sẽ truyền dạy cho các con bảo tồn làm nghề gắn với sinh kế.
Để mở rộng kết nối, học hỏi kinh nghiệm, Ban Quản lý CVĐC tăng cường tổ chức cho đối tác thành viên tham gia các chương trình, hội nghị tập huấn, khảo sát thực tế và học tập kinh nghiệm tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lai Châu về công tác bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch bền vững và du lịch cộng đồng. Đồng thời chủ động kết nối giữa mạng lưới đối tác CVĐC Non nước Cao Bằng và CVĐC Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang, CVĐC toàn cầu UNESCO Đắc Nông, CVĐC toàn cầu UNESCO Lạng Sơn…
Với sự đồng hành của Ban Quản lý CVĐC, đối tác thành viên trên 5 tuyến CVĐC đã mạnh dạn, sáng tạo làm sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, trải nghiệm, tạo sự hấp dẫn, đặc sắc riêng phát triển du lịch theo hướng bền vững, góp phần quan trọng giữ vững danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO, mở ra cơ hội thu hút hơn 2 triệu lượt khách/năm, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trường Hà