Dự án xây dựng Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những công trình trọng điểm của TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 với mục tiêu xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao, hoạt động chính trị lớn của thanh thiếu nhi Thủ đô và đất nước. Ảnh: Khánh Huy
Hạ tầng giao thông: nền tảng phát triển kinh tế và bất động sản
Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc của hạ tầng giao thông. Với mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025, các dự án như cao tốc Bắc - Nam, cao tốc kết nối miền Đông và miền Tây Nam Bộ, cùng các tuyến đường kết nối khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên đang được triển khai mạnh mẽ. Ngành giao thông dự kiến đến năm 2030 tổng chiều dài đường cao tốc của Việt Nam đạt 5.000 km, so với chỉ hơn 1.000 km vào năm 2020. Những tuyến đường này không chỉ cải thiện kết nối vùng miền mà còn làm gia tăng giá trị bất động sản dọc các tuyến đường trọng điểm.
Bà Huỳnh Thị Kim Thanh - Quản lý Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam, nhận định: “Những dự án hạ tầng lớn như cao tốc Bắc - Nam không chỉ cải thiện khả năng kết nối vùng miền mà còn mang lại giá trị gia tăng to lớn cho các khu vực lân cận, mở ra cơ hội đầu tư bất động sản tại những điểm đến mới”.
Thủ Thiêm, TP Hồ Chí Minh, nổi lên như một trung tâm phát triển đô thị mới với các dự án kết nối hạ tầng quan trọng như cầu Thủ Thiêm 1, 2, hầm Thủ Thiêm. Tương lai, khu vực này sẽ có thêm cầu đi bộ Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 3 nối quận 4 và cầu Thủ Thiêm 4 kết nối với quận 7. Ngoài ra, tuyến metro số 2 giai đoạn 2 cũng góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực.
Khu vực này đang ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về giá trị bất động sản và trở thành điểm đến lý tưởng cho các dự án văn phòng hạng A, khu phức hợp thương mại và căn hộ cao cấp.
Hàng loạt dự án bất động sản lớn cũng đang tận dụng sự phát triển của hạ tầng để tạo lợi thế cạnh tranh. Vinhomes Long Beach Cần Giờ, với diện tích 2.870 ha, được xem là một trong những dự án bất động sản ven biển lớn nhất Việt Nam. Dự án này dự kiến khởi công vào năm 2025, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ kết nối giao thông thuận lợi từ TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp Xuân Quế - Sông Nhạn và Cam Liên hưởng lợi từ sự phát triển hạ tầng nhờ vị trí chiến lược gần các dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam và sân bay quốc tế Long Thành, giúp tăng cường kết nối giao thông, thu hút đầu tư quốc tế, đồng thời đáp ứng xu hướng phát triển bền vững với hạ tầng xanh hiện đại.
“Hạ tầng đồng bộ không chỉ mang lại giá trị thực tế cho các dự án bất động sản mà còn giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư quốc tế” - bà Huỳnh Thị Kim Thanh chia sẻ.
Hạ tầng hiện đại: động lực cho tương lai bất động sản
Sự bùng nổ của các dự án hạ tầng không chỉ tạo ra những thay đổi tích cực trước mắt mà còn đặt nền tảng cho sự phát triển dài hạn của thị trường bất động sản Việt Nam. Các khu vực ngoại ô và các tỉnh thành lân cận được dự đoán sẽ trở thành điểm nóng thu hút đầu tư trong những năm tới. Các dự án lớn như sân bay quốc tế Long Thành và các tuyến metro sẽ tạo ra những cơ hội mới không chỉ cho thị trường bất động sản mà còn cho toàn bộ nền kinh tế.
Quản lý Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng: “Trong tương lai, sự kết hợp giữa hạ tầng hiện đại và các dự án bất động sản chất lượng cao sẽ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường khu vực và quốc tế. Các dự án như sân bay quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam hay các tuyến metro tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội không chỉ là biểu tượng của sự phát triển mà còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bất động sản bền vững”.
Năm 2024 được xem là cột mốc quan trọng trong sự phát triển hạ tầng của Việt Nam, mở ra những cơ hội lớn cho các nhà đầu tư bất động sản. Với sự hỗ trợ từ chính phủ và sự quan tâm từ các nhà phát triển quốc tế, thị trường bất động sản Việt Nam hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, tạo nên những bước đột phá mới trong tương lai.
Ngô Sơn