Mô hình chăn nuôi gia súc của hộ chị Đèo Thị Bích, thôn Hát 1, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu từ vốn vay NHCSXH huyện Trạm Tấu.
Là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, Trạm Tấu thuộc danh sách hộ nghèo của cả nước, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Việc đầu tư hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách không chỉ góp phần giảm nghèo bền vững, tạo việc làm mà còn thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Trần Linh Sơn - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu, để bảo đảm nguồn vốn đến đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả, Ngân hàng thường xuyên thông báo kế hoạch, xác định nhu cầu vay vốn, đánh giá tình hình sử dụng nguồn vốn của từng hộ dân. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp còn kết hợp chương trình tín dụng với hoạt động khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Chương trình tín dụng chính sách đã mở ra cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ dân.
Điển hình là gia đình anh Mùa A Chua, người dân tộc Mông ở thôn Tống Ngoài, xã Túc Đán. Năm 2021, nhờ vay 70 triệu đồng từ NHCSXH huyện, anh đã đầu tư chăn nuôi trâu, bò. Sau 3 năm, đàn gia súc đã phát triển ổn định với 5 con trâu và 2 con bò, mang lại thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.
"Trước đây nhà rất khó khăn, nhưng nhờ vốn tín dụng chính sách, gia đình đã có cơ hội thay đổi, nhà cửa khang trang, cuộc sống ổn định", anh Chua chia sẻ.
Tương tự, chị Đèo Thị Bích ở thôn Hát 1, xã Hát Lừu cũng được hưởng lợi từ vốn vay chính sách. Năm 2021, chị vay 70 triệu đồng để nuôi trâu, bò, hiện nay gia đình chị đã có 3 con trâu, cùng nhiều lợn, gà, giúp thu nhập mỗi tháng đạt trên 40 triệu đồng, đời sống được cải thiện đáng kể.
Không chỉ anh Chua hay chị Bích, nhiều hộ dân khác tại Trạm Tấu cũng đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách để vươn lên trong cuộc sống. Theo Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trạm Tấu, đến hết năm 2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đạt hơn 314,4 tỷ đồng, tăng 45 tỷ đồng so với năm 2023, đáp ứng 100% kế hoạch giao. Dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 314.412 triệu đồng với 4.900 khách hàng còn dư nợ.
Tính riêng trong năm 2024, nguồn vốn vay của NHCSXH huyện đã giúp người dân mua được 1.550 con trâu bò, 402 con lợn, dê; trồng mới và chăm sóc 22 ha cây ăn quả; khai hoang, cải tạo 12 ha ruộng lúa các loại; xây dựng, sửa chữa 91 công trình cấp nước sạch và vệ sinh… Hoạt động tín dụng chính sách xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.
Thời gian tới, huyện Trạm Tấu tiếp tục xác định tín dụng chính sách là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. NHCSXH huyện Trạm Tấu tiếp tục triển khai đầy đủ, kịp thời các chương trình tín dụng chính sách của Chính phủ trên địa bàn.
Đồng thời tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương cấp xã, đơn vị nhận ủy thác để củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức mạng lưới, đặc biệt là mạng lưới các tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở. Đầu tư vốn các chương trình tín dụng chính sách một cách hợp lý, nâng mức cho vay, phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội góp phần cùng các cấp chính quyền huyện Trạm Tấu thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.
Văn Thông