'Đòn bẩy' phát triển chăn nuôi

'Đòn bẩy' phát triển chăn nuôi
6 giờ trướcBài gốc
Ông Chang A Dơ ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải làm chuồng trại để phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết số 69.
Ông Chang A Dơ ở bản Lùng Cúng, xã Nậm Có đang tập trung hoàn thiện hệ thống chuồng trại để kịp tiến độ nghiệm thu trong tháng 5. Trước đây, gia đình ông chỉ nuôi lấy sức cày kéo nên chưa chú ý nhiều đến kỹ thuật chăm sóc, phương thức chăn nuôi cũng chủ yếu thả rông, tận dụng đồi núi rộng rãi làm bãi chăn thả tự nhiên là chính nên hiệu quả kinh tế thấp.
Ông Dơ cho biết: "Kinh tế của gia đình tôi chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do khí hậu khắc nghiệt nên không có nhiều loại cây trồng cho chúng tôi lựa chọn. Bởi vậy, để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống, năm 2025, với sự động viên của cán bộ xã, tôi đã đăng ký tham gia mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên/mô hình theo Nghị quyết số 69 để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa”.
"Đòn bẩy” từ chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo Nghị quyết số 69 của tỉnh đã giúp gia đình ông Dơ mạnh dạn vay muợn thêm vốn đầu tư nâng cấp chuồng trại, mua thêm con giống vừa góp phần tạo việc làm vừa là cách để ông thay đổi tư duy sang chăn nuôi hàng hóa tập trung. Cũng nhờ chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 69, hộ ông Giàng A Dình ở bản Háng Cháng Lừ, xã Khao Mang đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.
Ông Dình chia sẻ: "Năm 2023, tôi đã quyết tâm vay mượn thêm vốn từ người thân để đầu tư sửa sang, nâng cấp chuồng trại và mua thêm con giống mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình theo hướng bán chăn thả. Sau hơn 2 năm thực hiện mô hình, nhờ chăm sóc tốt, chủ động các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch, bệnh đã giúp đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển ổn định với tổng đàn gia súc hiện nay có 13 con, giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo”.
Có thể thấy, chính sách hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh không chỉ giúp nhân dân giải quyết một phần khó khăn về vốn để đầu tư mà đây còn là "đòn bẩy” quan trọng về tinh thần để khuyến khích, động viên người dân, nhất là người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc hạ quyết tâm trong chuyển đổi, nâng cấp chăn nuôi từ nhỏ lẻ sang sản xuất quy mô hàng hóa tập trung mang lại hiệu quả cao.
Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 69, huyện Mù Cang Chải đã xây dựng được trên 900 mô hình chuyển đổi quy mô chăn nuôi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, góp phần nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân. Riêng trong đợt 1, năm 2025, toàn huyện đăng ký thực hiện 41 mô hình gồm: 19 mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên; 22 mô hình chăn nuôi lợn có quy mô 3 lợn nái, 20 lợn thịt, không chỉ góp phần tiếp tục thúc đẩy chăn nuôi gia súc, gia cầm của địa phương phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung mà còn giúp người dân thay đổi tư duy làm kinh tế.
Chính sách hỗ trợ đã giúp người dân huyện Mù Cang Chải mạnh dạn đầu tư, khai thác hiệu quả thế mạnh tại chỗ về đồi núi rộng rãi để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa tập trung bán chăn thả, mang lại hiệu quả thiết thực. Tính đến nay, tổng đàn gia súc chính của huyện đạt trên 90.000 con gồm: trâu 16.880 con, bò 10.550 con, lợn 62.570 con. Qua đó, chăn nuôi đã góp phần không nhỏ thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển, giúp bà con cải thiện thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững cho người dân.
Châu Á
Nguồn Yên Bái : https://baoyenbai.com.vn/12/349812/don-bay-phat-trien-chan-nuoi.aspx