Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu giảm tối thiểu từ 2-2,5% số hộ nghèo trong năm nay, trong đó các huyện nghèo giảm 4-5% năm trở lên. Để đạt được mục tiêu này nhiều địa phương đang triển khai mạnh mẽ các giải pháp, trong đó mục tiêu tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân và HTX trở thành “nòng cốt” trong công tác giảm nghèo.
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi là “đòn bẩy” để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh, huyện Chợ Đồn đã bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, nhanh chóng đưa vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Đến HTX Nông lâm nghiệp Nghĩa Tá, ở thôn Bản Bằng, xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn mới thấy hết giá trị và ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng chính sách trong việc giải quyết việc làm cho các thành viên HTX. Chị Dương Khánh Ly, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Nghĩa Tá cho hay, vốn cho vay giải quyết việc làm chính là cơ hội vàng để chị và các chị em khác thay đổi cuộc đời.
Sản phẩm trà hoa vàng của HTX Nghĩa Tá đã được công nhận OCOP 3 sao.
Chị Ly chia sẻ, là người từ Thái Nguyên về làm dâu mảnh đất Chợ Đồn, chị đã nhận ra nguồn nguyên liệu quý là cây trà hoa vàng. Tuy nhiên, thời gian đầu, người dân ở xã Nghĩa Tá chưa hiểu hết giá trị của cây trà hoa vàng nên thường đào cả gốc đem bán ở chợ, giá rất rẻ. Trung bình mỗi kg trà hoa vàng chỉ có giá trị 300 - 500 nghìn đồng, cây giống bán với giá 5.000 - 8.000 đồng.
“Theo tìm hiểu trên internet và các địa phương khác, tôi thấy trà hoa vàng là loài cây quý hiếm, có nhiều giá trị để sử dụng. Đặc biệt, lá và hoa của loại cây này có thể làm đồ uống cao cấp, mang lại tác dụng phòng, chống các bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường, u bướu. Khi được sấy khô bằng công nghệ cao, sản phẩm này mang lại giá trị rất lớn", chị Ly kể.
Năm 2021, chị đứng ra vận động thành lập HTX, các thành viên trong HTX đều được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trà hoa vàng, nhằm tạo ra một vùng nguyên liệu ổn định.
Lúc đầu, vừa làm vừa nghe ngóng thị trường, nhưng sau thấy sản phẩm được thị trường đón nhận, năm 2022, HTX đã làm đơn xin vay 100 triệu đồng của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Chợ Đồn để đầu tư cây giống, mở rộng nguồn nguyên liệu và mua thêm máy móc.
Khi có xưởng máy sấy, chị Khánh Ly đã thuê thêm nhân công, đều là thành viên trong Hội Phụ nữ tham gia sấy trà hoa vàng, sấy măng nứa khô. Hiện tại HTX duy trì số lượng 6 - 9 lao động chính, đến vụ lá trà thì số lượng tăng lên từ 14 đến 16 lao động với thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Đồng thời, HTX đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động tại địa phương và tiếp tục bảo tồn, xây dựng và phát triển thương hiệu của cây trà hoa vàng tại huyện Chợ Đồn nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung.
Với sản phẩm sạch, chất lượng không có sự tác động của công nghệ, nên sản phẩm trà hoa vàng của HTX Nghĩa Tá đã được công nhận OCOP 3 sao năm 2022.
“Vì vụ hoa của trà hoa vàng từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, vụ lá trà được thu hái và sơ chế từ tháng 4 - 6 nên thời gian còn lại HTX chúng tôi chủ yếu làm măng nứa sấy khô, cuối năm thì giâm cây giống trà hoa vàng và xuất bán”, chị Khánh Ly cho hay.
Trong năm 2024, HTX đã sản xuất khoảng 200 - 400kg măng nứa sấy khô cung cấp cho thị trường.
Tạo việc làm với thu nhập cao
Nếu như mô hình trà hoa vàng của Nghĩa Tá mới nổi thì trang trại VAC của ông Chu Quang Phúc, thôn Nà Cọ, xã Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn từ lâu đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh Bắc Kạn biết đến. Đặc biệt, sự thành công của ông Phúc đều có nguồn tín dụng ưu đãi đồng hành từ khi ông là hộ nghèo, mức vay chỉ 10 triệu đồng. Đến nay, mức vay cao nhất của ông Phúc tại NHCSXH là 400 triệu đồng từ chương trình Cho vay giải quyết việc làm. Nguồn vốn đã giúp ông Phúc gây dựng cơ ngơi khang trang hơn 20ha trồng trọt, chăn nuôi.
Để thu hút được nhiều người tham gia và phát triển đa dạng các sản phẩm, ông Phúc đứng lên thành lập HTX Quỳnh Trang với 16 thành viên, do ông làm giám đốc.
Trong lúc khó khăn về nguồn vốn, ông lại được NHCSXH cho vay 100 triệu đồng để mở rộng vườn cây dược liệu và mua con giống.
Hay như HTX Quỳnh Trang ở xã Đồng Thắng triển khai Dự án chuỗi liên kết nuôi lợn thịt bản địa (lợn rừng lai) thương phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế bước đầu, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
Mô hình nuôi lợn rừng của HTX Quỳnh Trang mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp các thành viên có mức thu nhập ổn định.
Hiện nay, HTX thực hiện với quy mô 400 con/chu kỳ, đồng thời liên kết với Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại 366 tại tỉnh Hải Dương để phân phối lợn giống và lợn thương phẩm ra thị trường.
Trung bình mỗi năm, HTX Quỳnh Trang cung cấp ra thị trường khoảng 700 con lợn rừng thương phẩm và lợn giống, với doanh thu hơn 3 tỷ đồng. Từ nguồn thu nhập này, HTX có điều kiện để mở rộng quy mô chăn nuôi và trồng trọt. Hiện nay, tổng diện tích đất thuộc sở hữu của HTX lên đến hơn 20ha. Không chỉ có sản phẩm lợn rừng, các sản phẩm cá, gà rừng, cát sâm của HTX Quỳnh Trang đã trở thành thương hiệu nổi tiếng và xuất đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Chăn nuôi phát triển, đầu ra tiêu thụ cho thịt lợn rừng thương phẩm ngày càng ổn định, HTX Quỳnh Trang đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên, với mức thu nhập từ 6,5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Tiếp tục hỗ trợ cho các HTX phát triển
Trong 10 năm thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Chợ Đồn đã có hơn 20.000 lượt người được vay vốn, hơn 1.600 hộ vượt qua ngưỡng nghèo, gần 1.000 ngôi nhà cho hộ nghèo được xây dựng… Đây là những con số ấn tượng, đã thực sự tạo cơ hội và động lực cho hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách vươn lên, ổn định cuộc sống…
Thực tế cho thấy, hoạt động của các HTX đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế nói chung, công tác giảm nghèo nói riêng tại Chợ Đồn. Do đó, các mô hình kinh tế tập thể nói chung, các HTX nói riêng luôn được chính quyền và các ngành chức năng khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện việc phát triển. Đặc biệt là trong hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn, thực hiện các dự án liên kết và tiêu thụ sản phẩm, hoặc hỗ trợ ứng dụng khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế.
Theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn, để các mô hình kinh tế tập thể phát triển, Liên minh HTX Việt Nam cùng với Liên minh tỉnh triển khai chương trình, dự án để hỗ trợ các tổ hợp tác, các HTX. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lý của các tổ hợp tác, các HTX về nhiều nội dung, như: Hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại; tập huấn đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản; tập huấn ứng dụng các phần mềm cho HTX nông nghiệp và chủ thể OCOP...
Theo kết quả sơ bộ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2024, số hộ nghèo giảm từ 241 hộ (1,96%) xuống còn 217 hộ (1,74%), vượt chỉ tiêu đề ra - kế hoạch năm 2024 giảm 13 hộ nghèo, tỷ lệ còn 1,86%. Kết quả này có phần đóng góp quan trọng từ hoạt động hiệu quả của các tổ hợp tác, HTX thông qua việc tạo việc làm, thu nhập cho các thành viên, các hộ dân liên kết sản xuất.
Hoàng Hà