'Đòn bẩy' thoát nghèo tại tỉnh Bến Tre

'Đòn bẩy' thoát nghèo tại tỉnh Bến Tre
10 giờ trướcBài gốc
Đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bến Tre giảm hơn 2 điểm phần trăm so với đầu giai đoạn, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn dưới 3% và đến cuối năm 2030, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2,5% theo chuẩn nghèo đa chiều.
Tạo việc làm, thu hút lao động nhàn rỗi tại địa phương
Theo báo cáo từ Liên minh HTX tỉnh Bến Tre, toàn tỉnh có 1 Liên hiệp HTX, 198 HTX hoạt động trên 7 lĩnh vực, gồm: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây lắp điện 10 HTX; nông nghiệp 148 HTX; thủy sản 11 HTX; quỹ tín dụng nhân dân 8 quỹ; thương mại - dịch vụ, kinh doanh tổng hợp 10 HTX; giao thông - vận tải 7 HTX; tài nguyên - môi trường 5 HTX. Tổng doanh thu ước đạt trên 194,3 tỷ đồng (tăng 3 tỷ đồng so năm 2023), bình quân đạt 984 triệu đồng/HTX.
Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể (KTTT) của tỉnh đánh giá, các HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho thành viên và người lao động. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động ổn định, dao động từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. Một số HTX đã tạo được việc làm, thu hút lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Khi tham gia vào tổ hợp tác, HTX, nhất là chuỗi dừa, thành viên và người lao động được tham gia học tập để nâng cao kiến thức sử dụng giống, chăm sóc, quản lý dịch bệnh đến tay nghề sơ chế, hỗ trợ áp dụng, chuyển giao kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, tiến tới sản xuất tập trung theo quy mô lớn, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự đồng đều về kích thước, mẫu mã, đồng nhất về chất lượng và bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, OCOP... Đây là cơ sở để thực hiện truy xuất nguồn gốc và xây dựng nhãn hiệu tập thể, hình thành thương hiệu sản phẩm của HTX, giúp cho các sản phẩm của thành viên nâng cao được sức cạnh tranh trên thị trường, gia tăng được giá trị.
HTX Nông nghiệp Định Thủy thu gom dừa tại nhà người dân
Trên lĩnh vực nông nghiệp hiện có 148 HTX, với tổng số 18.542 thành viên, vốn điều lệ đăng ký 63.816,6 triệu đồng, sử dụng 1.394 lao động thường xuyên và khoảng 6.100 lao động thời vụ.
Đáng chú ý, trong các chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh, hiện có 78 HTX thì có 28 HTX có doanh thu từ 5 tỷ đồng trở lên. Có 21 HTX phát triển sản phẩm OCOP rất tốt. Các HTX thủy sản nuôi nghêu có doanh thu từ 5 - 25 tỷ đồng/năm/HTX.
Một số mô hình hoạt động hiệu quả đang nổi lên theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, như: HTX Nông nghiệp Định Thủy, xã Định Thủy (huyện Mỏ Cày Nam) và HTX Nông nghiệp Tân Phú, xã Tân Phú (huyện Châu Thành).
Đơn cử, HTX Nông nghiệp Định Thủy có hơn 150 thành viên với vốn điều lệ đăng ký 500 triệu đồng và vốn huy động kinh doanh 2,5 tỷ đồng. HTX tập trung sản xuất dừa hữu cơ, với tổng diện tích vườn dừa hữu cơ 244,6ha. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 105 lao động địa phương.
Nhờ việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, các hộ gia đình với diện tích sản xuất bình quân trên 1ha đều có đầu ra ổn định, với giá thu mua cao hơn thị trường từ 5.000 đến 12.000 đồng/12 quả, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
"Đi lên" từ tổ hợp tác
Tương tự, HTX Nông nghiệp Tân Phú hiện có 253 thành viên, với vốn điều lệ đăng ký 500 triệu đồng. Đây là HTX kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện chuỗi giá trị cây ăn trái (sầu riêng, chôm chôm)...
HTX “lớn lên” từ mô hình Tổ hợp tác (THT) sầu riêng ấp Hàm Luông, ban đầu chỉ có 11 thành viên, nhưng sau đó đã đông gấp 5 lần, thành viên có cả nam lẫn nữ. Tổ còn mở dịch vụ tư vấn chăm sóc sầu riêng cho các nhà vườn trong vùng, có khách quanh năm.
Theo thời gian, THT sầu riêng ấp Hàm Luông hoạt động ổn định, tạo sự gắn kết giữa các thành viên trồng sầu riêng. Qua vận động của xã Tân Phú, ngày 26/12/2020, HTX nông nghiệp Tân Phú được thành lập, nòng cốt vẫn là các thành viên THT sầu riêng ấp Hàm Luông cùng với các thành viên mới là nông dân trồng sầu riêng xã Tân Phú.
HTX Nông nghiệp Tân Phú liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sầu riêng tươi giúp hàng trăm thành viên có cuộc sống ổn định.
Khi mới thành lập, HTX có 53 thành viên, nay nâng lên tổng số hơn 200 thành viên. HTX xây dựng được 6 mã vùng trồng sầu riêng, áp dụng sản xuất chuẩn VietGAP trên diện tích 200 ha…
Bà Cao Thị Chiên, một cựu giáo chức và là thành viên của HTX chia sẻ: "Khi mới bắt đầu học kỹ thuật mới, hầu hết chị em đều e ngại. Những lý do mọi người đưa ra là đã già, ít học nên không hiểu, nghèo nên phải đi làm không có thời gian. Nhưng rồi nhờ bà Nguyễn Thị Thinh, giám đốc HTX truyền cảm hứng và làm gương, mọi người đều thấy có lợi ích nên dần trở nên tích cực. Trái sầu riêng của các thành viên HTX luôn bán được cao hơn 20% giá thị trường, nhờ đó thu nhập của người dân ổn định, nhiều hộ gia đình trước kia “chạy ăn từng bữa”, nay đã xây được nhà cửa khang trang”.
Song song với việc cung ứng sầu riêng tươi phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu, hiện nay HTX chế biến sầu riêng cấp đông, sầu riêng chiên giòn, chả giò sầu riêng, cà ri nấu sầu riêng, sầu riêng xào thập cẩm… nhằm cung ứng sản phẩm đa dạng ra thị trường, góp phần làm tăng giá trị mang lại từ trái sầu riêng.
“Chiến lược” kinh doanh sầu riêng chưa dừng lại ở đó, HTX còn mở dịch vụ du lịch để khách đến trải nghiệm hái sầu riêng tại vườn. Khách du lịch trở thành một kênh bán hàng hiệu quả.
Phấn đấu hơn 80% HTX xếp loại khá, tốt
Để phát huy vai trò của KTTT, HTX trong góp phần phát triển kinh tế xã hội, Bến Tre phấn đấu năm 2025 thành lập mới 50 THT, 15 HTX, 1 Liên hiệp HTX, đặc biệt nâng chất lượng HTX xếp loại khá lên 80%.
Các HTX Bến Tre đang dần khẳng định vai trò dẫn dắt kinh tế nông thôn phát triển bền vững trong giai đoạn hiện nay. Một số HTX đã tạo được việc làm thường xuyên cho người lao động, thu hút lao động nhàn rỗi tại địa phương. Kinh tế hộ gia đình phát triển bền vững hơn khi tham gia HTX, nhất là sản lượng hàng nông sản mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với sản xuất theo mô hình truyền thống. Giá cả vật tư nông nghiệp các HTX cung ứng cho thành viên bình ổn hơn khi mua ngoài thị trường.
Khi tham gia vào THT, HTX, nhất là các HTX sản xuất theo mô hình OCOP, thành viên và người lao động được học tập để nâng cao kiến thức sử dụng con giống, chăm sóc, quản lý dịch bệnh cây trồng vật nuôi. Các thành viên được hỗ trợ áp dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiến tới sản xuất tập trung theo quy mô lớn, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường.
Mục tiêu đến năm 2030, các xã đạt chuẩn nông thôn mới có mô hình KTTT, HTX đạt loại khá trở lên chiếm 83,3% trên tổng số xã xây dựng nông thôn mới. Số lượng thành viên các HTX tăng khoảng 42% mỗi năm, thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng 9,75%/năm, tổng doanh thu HTX tăng 0,16%/năm, lợi nhuận HTX tăng khoảng 10%/năm.
Để đạt được mục tiêu trên, Liên minh HTX Bến Tre cho biết, sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc thúc đẩy KTTT, ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp và hỗ trợ các HTX nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Hoàng Hà
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/don-bay-thoat-ngheo-tai-tinh-ben-tre-1106389.html