Liên tục đề xuất dự án
Mới đây, Công ty TNHH Nước sạch REE (thuộc Tập đoàn REE) có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất đầu tư Dự án Nhà máy xử lý nước thải khu vực Tây TP.HCM tại vị trí Nhà máy Xử lý nước thải Bình Hưng Hòa hiện hữu, theo phương thức PPP, hợp đồng BOT hoặc BLT. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn I có công suất xử lý 260.000 m3/ngày, mức đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng, thời gian xây dựng khoảng 2 năm.
Doanh nghiệp đề xuất UBND Thành phố cho phép Công ty TNHH Nước sạch REE được tự bỏ kinh phí để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre FS) và Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) theo quy định tại Điều 22 và Điều 28 của Nghị định 35/2021/NĐ CP để làm cơ sở cho việc lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.
“Ngay sau khi được chấp thuận chủ trương, chúng tôi cam kết nghiêm túc thực hiện ngay, đúng quy trình, tiến độ và chất lượng trong lập Pre FS và FS; hợp tác đầy đủ với các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình thẩm định, phê duyệt và triển khai dự án”, doanh nghiệp đề xuất dự án nêu rõ.
Trước đó, trung tuần tháng 5/2025, Liên danh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Phú Điền - Công ty cổ phần Đầu tư phát triển môi trường SFC đề xuất xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm theo phương thức PPP. Dự án có quy mô 300.000 m3/ngày, diện tích sử dụng đất khoảng 6 ha trên tổng diện tích quy hoạch.
Liên danh nhà đầu tư đề xuất đầu tư theo hình thức BOT, loại hợp đồng BOT, với tổng mức đầu tư 3.323 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành Dự án, nhà đầu tư sẽ vận hành, kinh doanh thu hồi vốn và lợi nhuận trong thời gian 14 năm 8 tháng, sau đó sẽ bàn giao lại công trình cho Thành phố tiếp tục sử dụng.
Ngoài dự án trên, Liên danh nhà đầu tư còn đề xuất được giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đối với Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Nam Sài Gòn.
Nhiều thuận lợi trong đầu tư lĩnh vực xử lý nước thải
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, hiện Thành phố có kế hoạch xây mới 6 nhà máy xử lý nước thải và nâng cấp một dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 31.600 tỷ đồng. Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách hạn chế, Thành phố ưu tiên kêu gọi doanh nghiệp tư nhân đầu tư theo phương thức PPP.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường nhấn mạnh, TP.HCM luôn xem việc bảo vệ môi trường, thu gom và xử lý nước thải, cải thiện điều kiện sống cho người dân ven và trên kênh rạch là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển đô thị bền vững. Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng môi trường và đời sống người dân.
Thực tế thời gian qua tại TP.HCM cho thấy, việc triển khai các dự án bằng vốn ODA có nhiều hạn chế như thời gian chuẩn bị kéo dài, tỷ lệ giải ngân thấp và phải bố trí vốn đối ứng lớn. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách đang phải ưu tiên nhiều lĩnh vực khác, khiến việc đầu tư các nhà máy xử lý nước thải gặp không ít khó khăn.
Hơn nữa, khi Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển có thu nhập trung bình, khả năng tiếp cận vốn vay ODA ngày càng giảm, lãi suất vay trung bình tăng, rủi ro tỷ giá cao hơn. Vì vậy, PPP trở thành phương thức đầu tư hữu hiệu để huy động vốn xã hội, chia sẻ rủi ro và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Việc đầu tư các nhà máy xử lý nước thải theo phương thức PPP trở nên hấp dẫn nhà đầu tư là vì Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư PPP, Luật Đấu thầu. Việc sửa đổi đã giảm bớt các thủ tục rườm rà và cho phép địa phương được linh hoạt thanh toán cho nhà đầu tư bằng nhiều hình thức như trả chậm bằng tiền ngân sách, trả bằng đất...
Lê Quân