Vượt 'gió ngược'
Năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát - "anh cả" của ngành thép Việt Nam ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt trên 140.500 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2023; hoàn thành kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông giao phó và tiệm cận giai đoạn hoàng kim 2021 - 2022, thời kỳ "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" của tập đoàn.
Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng "nhảy vọt" lên mức 12.000 tỷ đồng, tăng 77% so với năm trước. Tuy rằng còn cách khá xa kỷ lục 34.500 tỷ đồng đã đạt được, nhưng tốc độ tăng trưởng ấn tượng đã đưa lợi nhuận năm 2024 lên vị trí thứ ba trong lịch sử hoạt động của Hòa Phát.
MBS dự báo giá thép cuộn và thép cán nóng - hai mặt hàng chủ lực của Hòa Phát sẽ phục hồi mạnh do áp lực giảm từ xuất khẩu của Trung Quốc và nhu cầu tăng cao trong nước (Ảnh minh họa)
"Chìa khóa" thành công nằm ở sản lượng sản xuất và bán hàng của các sản phẩm thép HRC, xây dựng, chất lượng cao và phôi thép đều tăng trưởng mạnh mẽ, bình quân cao hơn khoảng 20% so với năm trước. Thép Hòa Phát không chỉ "phủ sóng" các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như sân bay, các tuyến metro tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà còn vươn ra biển lớn, xuất khẩu đến gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sẵn sàng 'bùng nổ'
Khép lại năm 2024 thành công, bước sang 2025, Hòa Phát đứng trước nhiều cơ hội đầy hứa hẹn. Những cuộn thép đầu tiên từ siêu dự án Dung Quất 2 sắp ra lò, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình chinh phục những tầm cao mới mà doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long ấp ủ. Dung Quất 2 không chỉ là một dự án thép thông thường mà còn là "con át chủ bài" của Hòa Phát trong việc hiện thực hóa tham vọng sản xuất các loại thép chất lượng cao, thay thế hàng nhập khẩu.
Với sự bổ sung kịp thời của đại dự án, Chủ tịch Trần Đình Long tự tin khẳng định, Hòa Phát hoàn toàn có đủ năng lực nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo đặt hàng của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu.
Một trong những "đại dự án" mà Hòa Phát có cơ hội tham gia là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, với tổng vốn đầu tư lên tới 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương gần 70 tỷ USD. Dự án có chiều dài 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh), đi qua 20 tỉnh thành, hứa hẹn tạo ra nhu cầu khổng lồ về thép chất lượng cao. Dự án này dự kiến khởi công vào 2027.
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hứa hẹn tạo ra nhu cầu khổng lồ về thép chất lượng cao (Ảnh minh họa)
Mặt khác, thị trường chung cũng đang ủng hộ tích cực cho Hòa Phát. Nhu cầu thép nội địa năm nay được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, không chỉ nhờ các hoạt động đầu tư công, mà còn đến từ sự phục hồi của thị trường bất động sản trong nước. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán MB (MBS), tổng sản lượng tiêu thụ thép năm 2025 có thể đạt 21,8 triệu tấn, tăng 10% so với năm ngoái.
Với vị thế dẫn đầu, không ai khác, Hòa Phát sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất từ sự tăng trưởng này. Sản lượng HRC của Hòa Phát được dự báo sẽ tăng 40% so với năm 2023, lên mức 4,4 triệu tấn, một phần cũng nhờ "câu chuyện" thuế Chống bán Phá giá và dự án Dung Quất 2.
MBS dự báo giá thép cuộn và thép cán nóng - hai mặt hàng chủ lực của Hòa Phát - sẽ phục hồi từ 6-7% vào năm 2025, do áp lực giảm từ xuất khẩu của Trung Quốc và nhu cầu mạnh mẽ trong nước. Điều này sẽ giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp của Hòa Phát.
Nhìn chung, năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm "bùng nổ" của Hòa Phát. Với những lợi thế về quy mô, công nghệ và kinh nghiệm, Hòa Phát đang sẵn sàng vươn lên những tầm cao mới, khẳng định vị thế "đầu tàu" của ngành thép Việt Nam và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước.
Hoa Đông