Video người dân làng nghề bánh cà Làng Nam tất bật sản xuất đơn hàng Tết
Bánh cà Làng Nam (xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) có từ bao giờ, chẳng ai nhớ nữa. Những người già nhất ở đây chỉ biết khi mình sinh ra và lớn lên đã được thưởng thức thứ quà dân dã này. Đời sống khấm khá, bánh cà trở thành món ăn truyền thống của các gia đình. Dần dần, bánh cà Làng Nam được nhiều người biết đến và đặt mua, trở thành thứ hàng hóa cho thu nhập khá đối với các hộ dân nơi đây. Cuối năm 2020, Làng Nam được UBND tỉnh Nghệ An công nhận là làng nghề sản xuất bánh cà.
Từ tháng 11 âm lịch đến khoảng 28 tháng Chạp là thời gian cao điểm sản xuất bánh cà tại Làng Nam. Năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1970, trú xóm làng Nam) đầu tư máy cán và tạo hạt hơn 7 triệu đồng, vừa giải phóng sức lao động, vừa nâng cao hiệu quả sản xuất. So với làm thủ công thì làm máy nhanh, hạt tròn đều, chi phí sản xuất cũng giảm đáng kể.
Theo bà Hoa, bí quyết để bánh cà Làng Nam có hương vị riêng nằm ở khâu chọn nguyên liệu và kỹ thuật pha trộn. Nếp được sử dụng để làm bánh phải là nếp ta, đảm bảo độ dẻo và xay thật mịn. Mỗi kg bột nếp trộn với 12 - 13 quả trứng gà. Để có những viên bánh nhỏ có vị giòn tan, bột phải được nhồi kỹ đến độ mềm, mịn, không được khô nhưng cũng không được quá nhão.
“Bánh cà Làng Nam hoàn toàn không có chất tạo xốp, tạo màu và không chất bảo quản. Độ xốp của bánh được tạo từ việc nguyên liệu được nhào kỹ, màu vàng từ trứng gà và kỹ thuật rán. Đặc biệt, bánh được rán bằng dầu thực vật, không dùng dầu tái chế. Có 3 loại bánh cà gồm tẩm đường, không tẩm đường và bánh mặn, bán sỉ với giá 100 - 120 nghìn đồng/kg tùy từng loại”, bà Hoa chia sẻ.
Dịp sát Tết, đơn hàng "nổ" liên tục, bà Hoa vừa ngồi "canh" bánh chín, vừa chốt đơn qua điện thoại. "Đợt cao điểm, có những ngày chúng tôi chỉ ngủ khoảng 1 giờ đồng hồ, còn toàn bộ thời gian đều dành để sản xuất bánh kịp trả hàng cho khách", bà Hoa nói.
Để chuẩn bị cho vụ Tết này, gia đình anh Nguyễn Ngọc Khánh (trú xóm Làng Nam) đã chuẩn bị 10 tạ nếp, hàng vạn quả trứng gà, đường và dầu ăn. Từ tháng 11 âm lịch, cơ sở của anh đã tăng công suất gấp 3 lần để kịp cung ứng cho các đơn hàng. “Bánh cà được làm quanh năm, nhưng vào những ngày cận Tết nhu cầu sử dụng của khách hàng tăng lên. Để kịp đơn hàng dịp Tết, gia đình tôi phải thuê 4 nhân công làm 10-11 giờ/ngày. Dịp Tết này, chúng tôi sẽ cung ứng khoảng 15 tấn bánh cà ra thị trường”, anh Khánh cho hay.
Các công đoạn từ trộn bột, tạo hạt, chiên bánh đều sử dụng máy móc hỗ trợ.
Bà Phan Thị Dũng (trú xóm 6, xã Hưng Tân) cho biết: "Dịp Tết số lượng đơn hàng tăng cao, nên chúng tôi phải làm việc hết công suất, được trả công theo giờ, dao động từ 250.000 - 350.000 đồng/ngày". Trung bình vào tháng cao điểm Tết, mỗi lao động có thể thu nhập 10-12 triệu đồng. Các hộ sản xuất trừ các chi phí có thể lãi từ 40-50 triệu đồng/vụ.
Bánh cà Làng Nam ngoài cung ứng cho thị trường nội tỉnh, hiện đã được bán tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh...