Đón nhận bằng di tích lịch sử - văn hóa hóa nhà thờ Lê Soạn, Lê Tiềm

Đón nhận bằng di tích lịch sử - văn hóa hóa nhà thờ Lê Soạn, Lê Tiềm
5 giờ trướcBài gốc
Sáng 22/10, Đảng bộ, Nhân dân xã Thạch Châu và con cháu trong dòng họ Lê Xuân (huyện Lộc Hà) tổ chức đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh nhà thờ Lê Soạn, Lê Tiềm (hay còn gọi là Nhà thờ họ Lê Xuân).
Đại diện Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch trao bằng công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh cho cấp ủy, đại diện chính quyền xã Thạch Châu và dòng họ Lê Xuân.
Theo sử sách và các cứ liệu lịch sử, tướng quân Lê Soạn, hiệu là Đắc Túy, sinh năm 1702, đời thứ 3 dòng họ Lê Xuân. Trên đường binh nghiệp, ông là một võ tướng dưới trướng Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc và từng có thời gian dài tham gia chinh chiến ở biên cương phía bắc, chiến đấu ở Bắc đạo, đánh trận vùng Đồ Sơn (Hải Phòng ngày nay), truy quét quân phản loạn ở Yên Thế (Bắc Giang ngày nay), nên ông được triều đình giao giữ chức Quản tả Hùng kỳ tại Ninh trấn quận.
Sau đó, tướng quân Lê Soạn được bổ nhiệm chức vụ và giao chỉ huy một đội quân lính trấn giữ đồn Hữu Trấn tại trấn lỵ Dinh Cầu (nay là xã Kỳ Tân và Kỳ Văn của huyện Kỳ Anh) để bảo vệ ranh giới phía nam của Đại Việt. Ông hy sinh trong một trận đánh, mộ táng ở thôn Cồn Sơn, xứ Bái Sơn (nay thuộc xã Kỳ Văn, huyện Kỳ Anh). Về sau, ghi nhận công lao của một vị tướng trung nghĩa, hết lòng phục vụ triều đình và đất nước, vua Lê Hiển Tông ban sắc phong tước Tụy Trung hầu; đến triều Nguyễn ông được ban sắc phong thần là Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần và giao cho dân làng hàng năm tổ chức tế lễ.
Lễ rước bằng từ trụ sở UBND xã Thạch Châu về dòng họ.
Ông Lê Tiềm (1901-14/2/1931) hay còn gọi Lê Xuân Bính hoặc thầy giáo Tiềm sinh ra ở làng Gia Thiện (nay là thôn Thanh Tân, xã Thạch Châu) là một người chiến sĩ cộng sản kiên trung, là một trong 8 người tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (tiền thân của Đảng Cộng sản), là người thành lập Chi bộ Xuân Gia (tiền thân của Đảng bộ xã Thạch Châu ngày nay) ngay tại nhà thờ họ của mình vào tháng 5/1930. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là người hiếu học, thông minh, cương trực, giàu lòng nhân ái.
Sau khi đậu Tú tài, ông làm nghề dạy học, là một trí thức yêu nước, sớm giác ngộ cách mạng và tiên phong đứng vào hàng ngũ của Đảng. Vào đêm 25/12/1930 âm lịch (tức ngày 12/2/1931 dương lịch), ông Lê Tiềm tổ chức sinh hoạt chi bộ tại nhà thờ họ Lê Xuân nhưng bị chỉ điểm nên bị việt gian vây bắt. Để đảm bảo an toàn cho các đồng chí, một mình ông nghi binh chạy theo hướng về nhà mình nên bị bắt cùng cha, anh trai, em gái, em rể. Sau 2 ngày tra khảo vô cùng tàn ác nhưng không thu được kết quả, bọn tay sai đã tử hình cụ cùng người thân; lúc ấy ông mới 30 tuổi.
Ghi nhận công lao của tướng quân Lê Soạn, người chiến sĩ cách mạng kiên trung Lê Tiềm và lan tỏa các giá trị văn hóa, tâm linh, kiến trúc của công trình nhà thờ họ Lê Xuân, ngày 15/8/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1985/QĐ-UBND xếp hạng nhà thờ Lê Soạn, Lê Tiềm là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Tiến Dũng
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/don-nhan-bang-di-tich-lich-su-van-hoa-hoa-nha-tho-le-soan-le-tiem-post275914.html