Thị trường chứng khoán (TTCK) đã trải qua 3 phiên giao dịch với VN-Index trên ngưỡng điểm 1.400 cùng thanh khoản sôi động. Bên cạnh lực cầu tới từ nhà đầu tư trong nước, dòng vốn ngoại trở lại mua ròng nghìn tỷ càng thúc đẩy thị trường đi lên. Nếu so với vùng đáy 1.094 điểm từng chạm đến khi xảy ra cú sốc thuế quan vào đầu tháng 4/2025, VN-Index đã tăng hơn 337 điểm, tương đương khoảng 30% chỉ sau 3 tháng.
VN-Index đang vận động tích cực
Với số điểm hiện tại, VN-Index đang ở vùng cao nhất trong hơn 3 năm qua. Dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức chảy mạnh vào TTCK, riêng sàn HoSE đạt giá trị giao dịch vượt 1 tỷ USD/phiên.
Thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức cao cho thấy sức mua đang quay trở lại sau giai đoạn điều chỉnh. Nhiều nhà đầu tư cá nhân bắt đầu hoạt động sôi nổi hơn trên các diễn đàn, nhóm mạng xã hội, tích cực thảo luận về những cổ phiếu tiềm năng và xu hướng dòng tiền trong ngắn hạn.
Dòng tiền từ các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức chảy mạnh vào TTCK.
Một bộ phận nhà đầu tư thậm chí bày tỏ sự tiếc nuối vì đã không kịp mua vào khi thị trường điều chỉnh trong 2 tuần trước đó, đặc biệt ở các nhóm ngành được đánh giá là có triển vọng trong nửa cuối năm 2025.
Trước sự chuyển mình của VN-Index, giới phân tích dự báo VN-Index có thể chạm mốc 1.500 điểm từ nay tới cuối năm. Theo đó, cơ hội mới vẫn đang mở ra cho các nhà đầu tư trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Khang, Trưởng phòng Chứng khoán Pinetree cho rằng trong lịch sử TTCK Việt Nam, tính đến nay đã có 3 lần VN-Index chinh phục được mốc 1.400 điểm. Xung lực bứt phá mạnh nhất là vào cuối tháng 10/2021, khi VN-Index lần lượt chinh phục mốc 1.400 rồi tới 1.500 điểm. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại rất khác so với thời điểm cách đây hơn 3 năm.
Cụ thể, nếu như vào thời điểm năm 2021, yếu tố lớn nhất thúc đẩy thị trường đến từ sự hưng phấn của dòng tiền F0 thì ở thời điểm hiện tại, có rất nhiều lý do ủng hộ cho diễn biến “vượt đỉnh” này.
Trước hết, tình hình vĩ mô trong nước đã ổn định hơn khi GDP quý II/2025 và 6 tháng đầu năm tăng trưởng rất tích cực. Điều này đang phản ánh mức độ hiệu quả về những chính sách của Nhà nước đưa ra suốt từ đầu năm đến nay, với những động thái như điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt thông qua giảm lãi suất, thúc đẩy tín dụng; đồng thời tiến hành các chính sách thúc đẩy đầu tư công, thu hút dòng vốn FDI và phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước…
Yếu tố quan trọng thứ hai giúp thị trường có được sức bật tốt như hiện tại là tâm lý nhà đầu tư được cởi trói từ sau ảnh hưởng của cú sốc thuế quan và dòng tiền khối ngoại quay trở lại mạnh mẽ.
Về mặt định giá, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS cho biết, P/E đang ở mức 13,9 - 14 lần. So với dữ liệu lịch sử, định giá này vẫn đang ở mức rất thấp, cho thấy tiềm năng thị trường rất nhiều. Cuối năm 2025 đến đầu năm 2026, thị trường còn cơ hội từ việc chào bán cổ phiếu ra công chúng của một số doanh nghiệp trong các lĩnh vực như dịch vụ tài chính, hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, nếu được nâng hạng, dự báo dòng vốn thụ động và chủ động vào TTCK Việt Nam có thể đạt 3 - 7 tỷ USD. Diễn biến nhà đầu tư nước ngoài mua ròng từ đầu tháng 7 đến nay rất nhanh, giống xu hướng các nhà đầu tư mua ròng trước, trong và sau nâng hạng ở nhiều thị trường khác.
“Việc giải ngân 3-7 tỷ USD trong một thời gian ngắn sẽ tạo ra một cú hích rất lớn cho TTCK”, ông Sơn nêu.
Đầu tư thế nào để đón “sóng”?
Theo ông Đinh Đức Minh, Giám đốc Đầu tư cấp cao, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital, nhà đầu tư nên tập trung vào các yếu tố nội tại của nền kinh tế như tăng trưởng tín dụng, đầu tư công, kích cầu tiêu dùng và giảm thuế phí, đặc biệt là thuế giá trị gia tăng được giảm từ 10% xuống 8% đến hết năm 2026 cho nhiều mặt hàng tiêu dùng, tác động mạnh đến sức mua nội địa.
"Dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp trong quý II và nửa đầu năm nay đều tích cực. Nếu cả năm, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết đạt khoảng 10%-15%, nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược tấn công thay vì phòng thủ. Cần chú ý đến các ngành hưởng lợi từ tín dụng tăng, lãi suất thấp, đầu tư công, tiêu dùng nội địa và quá trình nâng hạng thị trường", ông Minh khuyến nghị.
Về nhóm ngành cụ thể, ông Võ Văn Huy, Trưởng Phòng Khách hàng cao cấp, Chứng khoán DNSE cho biết, hiện có 3-4 ngành lớn chiếm tỷ trọng vốn hóa cao trên thị trường, trong đó ngành ngân hàng từng chiếm khoảng 50% vốn hóa toàn thị trường. Trong quý II, ngành này dự báo tiếp tục tăng lợi nhuận 15%-20%, nợ xấu giảm, chất lượng tài sản được cải thiện.
"Ngành bất động sản đã qua đáy sau 2-3 năm khó khăn và đang có tín hiệu hồi phục khi một số doanh nghiệp bắt đầu mở bán dự án mới. Ngành bán lẻ và thép dù không tăng trưởng đột biến nhưng vẫn có nhiều điểm sáng, nhà đầu tư có thể tìm hiểu các doanh nghiệp có mức tăng nổi bật", ông Huy nêu.
Về chiến lược đầu tư cho nửa cuối năm 2025, ông Đinh Minh Trí, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng giải ngân đầu tư công có tín hiệu tích cực, do đó nhóm cổ phiếu này được kỳ vọng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đang trở thành tâm điểm mua ròng của khối ngoại. Khi thị trường được nâng hạng, thanh khoản trên sàn sẽ được thúc đẩy. Bên cạnh đó, danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán cũng sẽ được hưởng lợi khi VN-Index tăng, trong khi giá cổ phiếu ngành này vẫn chưa tăng quá cao.
Dù vậy, nhà đầu tư vẫn cần nhớ một nguyên tắc đầu tư cơ bản, đó là trước khi mua cổ phiếu cần tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp. Sự phân hóa giữa các nhóm ngành và cổ phiếu sẽ ngày càng rõ nét, đòi hỏi nhà đầu tư phải có chiến lược chọn lọc cẩn trọng.
Hải Giang