Đón Tết ở chiến trường

Đón Tết ở chiến trường
5 giờ trướcBài gốc
Nhớ mùi hương của bánh
Mùa xuân này, Đại tá Huỳnh Minh Giữ - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh bước sang tuổi 76. Trong cả cuộc đời binh nghiệp, ông nhớ nhất là Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam. Trước khi bước vào cuộc tổng tiến công, đơn vị của ông là Tiểu đoàn 48 (thuộc Tỉnh đội Quảng Ngãi), đóng quân ở vùng Đông Sơn Tịnh, đã cử ông cùng với 8 cán bộ, chiến sĩ đi trinh sát chiến trường, mà mục tiêu là trung tâm huấn luyện địa phương quân của địch trên núi Long Đầu, nằm ở bờ bắc cầu Trà Khúc cũ.
Đại tá Huỳnh Minh Giữ với bức ảnh của mình sau ngày thống nhất.
Đêm tháng Chạp trời lạnh và tối như bưng, mấy anh em bám lộ ngược đường lên. Đến khu vực chợ Châu Sa thấy nhà nhà thắp đèn măng xông sáng trưng. Bà con rang nếp, thắng đường rồi đổ vào khuôn đóng bánh nổ; hoặc đánh trứng, bột cho dậy rồi đổ bánh thuẫn, rim mứt gừng. Mùi thơm của bánh, mứt bay xa, bất giác ông nhớ mẹ vô cùng.
Năm 1954, khi ba của ông xuống tàu tập kết ra Bắc, mẹ ông tần tảo nuôi con và đợi tin chồng. Mười năm sau đó, khi mới tuổi 15, ông trốn mẹ xin vào bộ đội. Cấp trên biết chuyện nên chưa vội nhận người mà tìm gặp hỏi ý kiến mẹ của ông. Bà bộc bạch, nó còn nhỏ quá. Nhưng chí đã quyết thì mong các chú thương, quan tâm, giúp đỡ nó mà thôi...
Chuyện nhớ mẹ trên đường đi trinh sát chiến trường chỉ trong khoảnh khắc. Bởi trước mắt ông cùng đồng đội phải cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Đêm đó, 9 thành viên của đơn vị trinh sát chia thành 3 tổ theo 3 hướng vượt qua hàng rào kẽm gai, bốt gác của địch, vào tận khu vực trung tâm và trở ra khi canh ba gà bắt đầu gáy để quay về đơn vị. Bằng trí nhớ, họ cùng nhau vẽ sa bàn để cấp trên định hướng tiến công.
Trước khi Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân nổ ra, Tiểu đoàn 48 tranh thủ cho anh em ăn Tết sớm. Sau đó, các đại đội tỏa đi đánh chiếm các mục tiêu. Riêng đại đội của ông Huỳnh Minh Giữ tiến về đánh núi Long Đầu. Trận chiến diễn ra ác liệt, cuối cùng mục tiêu cũng đã đạt được, và ông đã được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận. Nhưng sau trận chiến có những người lính mãi mãi không về nên bữa cơm ngày Tết năm đó, có mâm đã dọn sẵn, nhưng chén, đũa còn nguyên...
Được thấy Bác Hồ cười
Đại úy Lê Văn Thọ (80 tuổi), hiện sống ở khu dân cư 577, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi). Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ông vẫn thường về thăm quê dưới chân núi Chóp Nón, thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình (Sơn Tịnh). Năm 1961, sau khi ba của ông hy sinh, nỗi đau biến thành hờn căm nên cũng ở độ tuổi trăng tròn như ông Huỳnh Minh Giữ, ông đã tha thiết và được cấp trên cho vào Đội công tác xã Tịnh Bình. Sau đó, ông trở thành bộ đội của huyện Sơn Tịnh. Đầu năm 1963, Trung đoàn 1, Quân khu 5, đóng quân ở miền Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi về tuyển lính đặc công. Thế là ông - người chiến sĩ trẻ dũng cảm, kiên cường lại thêm một lần được cấp trên tin tưởng.
Đời lính đặc công, đầu đội mũ bằng vải dù hoa, tay mang AK xếp, hái lá rau lang, lá nhớt giã với than thành lọ nghẹ hoặc dùng bùn nhuyễn bôi lên người để ngụy trang vào đồn địch, hết trung tâm huấn luyện biệt kích ở Thượng Đức (Quảng Nam), rồi Ba Gia, Chi khu quận lỵ Sơn Tịnh, đến đồn Bà Lãnh (Trà Bồng), Gò Cao (Sơn Tịnh)... Nhiều lần chạm trán với lính Mỹ, ông lập được chiến công nên nhiều lần được tuyên dương dũng sĩ. Với ông, cứ có lệnh là đi, xong nhiệm vụ lại về.
Đại úy Lê Văn Thọ (bên phải) cùng đồng đội chụp hình dưới chân tượng đài Chiến thắng Ba Gia, ở xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh).
Tết ở chiến trường của đơn vị đặc công đơn sơ lắm. Bà con cơ sở cho gì ăn nấy. Có khi địch càn quét, tuyến tiếp lương thực gặp khó, anh em động viên nhau rằng chờ Tết năm sau. Chỉ có Tết năm 1963, khi đơn vị về vùng căn cứ ở vùng Đắc Tà Meo, xã Sơn Mùa (Sơn Tây) với ông là “cực kỳ kỷ niệm”.
Trên cánh rừng già, đại đội đặc công gồm 3 trung đội, chia làm 3 điểm, mà mỗi điểm cách nhau một buổi đường rừng. Anh em đào hầm, lấy cây lồ ô và bạt làm lán trại. Biết lính đặc công gian khổ nhiều nên trung đoàn rất quan tâm, lệnh cho anh em đến kho lương thực nhận gạo nếp về nấu xôi, làm bánh chưng, bánh tét. Trung đoàn còn chỉ đạo đại đội cử cán bộ ra tận vùng Sông Tranh, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) phụ giúp anh em trong đội chiếu bóng khiêng máy chiếu phim nhựa về. Lần đầu tiên được xem phim nên anh em phấn khởi lắm, nhất là khi trên màn ảnh xuất hiện cảnh Bác Hồ đến thăm các đơn vị bộ đội, động viên quân và dân miền Bắc tất cả cho tiền tuyến để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, tất cả đều xúc động rưng rưng.
Niềm tin ngày toàn thắng
Bao cái Tết đi qua, những chiến thắng vang dội từ các chiến trường đã làm nức lòng quân, dân miền Nam và cả nước. Trung tá Phạm Công Chánh - nguyên Đại đội trưởng Đại đội Thông tin của Trung đoàn 1, Quân khu 5 kể, sau chiến thắng Ba Gia năm 1965, ông được điều động ra Bắc học ở Trường Sĩ quan lục quân Sơn Tây, rồi điều động về Cục Chính sách của Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng). Trên đường ra Bắc, băng qua Trường Sơn thì thấy những người lính trẻ, súng trên vai thẳng hướng về Nam. Rồi những pháo, xe tăng, xe chở quân trang, quân dụng bất kể ngày đêm vượt qua ngầm, qua suối, mặc cho bom thả từ máy bay B52, từ pháo bầy của Hạm đội 7 Mỹ mà dự cảm về một ngày toàn thắng.
Đến cuối năm 1974, cục diện chiến trường ở miền Nam thay đổi nhanh chóng. Cho đến tết Ất Mão năm 1975, nhiều anh em dự cảm ngày thống nhất đến rất gần. Đại tá Huỳnh Minh Giữ kể, Tết năm đó, Tiểu đoàn 48 đóng quân ở Tịnh Sơn, Tịnh Bình đón Tết tươm tất hơn mọi năm rất nhiều. Ngoài quà Tết của đồng bào, cấp trên cũng đã chuyển quà Tết từ miền Bắc thân yêu về cho đơn vị. Nào là kẹo Hải Châu ngọt mềm, nào là thuốc lá Thăng Long, Tam Đảo...
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 bắt đầu với chiến thắng Buôn Ma Thuột vào ngày 10/3/1975 rồi lan rộng ra các tỉnh Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Đến ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu với trùng trùng lớp lớp những đoàn quân tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cũng từ đó, câu chuyện về Tết trong chiến tranh, trên chiến trường theo năm tháng lùi xa. Thế nhưng, trong thời bình, khi đất trời thay áo mới, nhiều người lại nhớ Tết ở chiến trường. Bởi đó là ký ức một thời tuổi trẻ trong cuộc trường chinh của dân tộc, góp phần làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, non sông vang khúc khải hoàn.
Bài, ảnh: CẨM THƯ
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/xa-hoi/202501/don-tet-o-chien-truong-baa3941/