Brussels đang lên kế hoạch áp dụng các biện pháp thuế quan và kiểm soát dòng vốn để duy trì áp lực tài chính lên Nga, ngay cả trong trường hợp Hungary sử dụng quyền phủ quyết để ngăn chặn việc gia hạn cơ chế trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), vốn sẽ hết hiệu lực vào tháng 7 năm nay.
Theo tờ Financial Times của Anh, Ủy ban châu Âu đã thông báo với các bộ trưởng rằng phần lớn các lệnh trừng phạt của EU, bao gồm việc đóng băng 200 tỷ euro (tương đương 224 tỷ USD) tài sản của Nga, có thể được điều chỉnh sang một khung pháp lý mới nhằm bỏ qua sự phản đối của Budapest.
Ảnh minh họa: Getty
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nhiều lần ngăn cản các lệnh cấm vận của EU nhằm vào Moscow trong bối cảnh quốc gia Trung Âu này phụ thuộc tới 85% nguồn cung khí đốt tự nhiên từ Nga.
Dù vậy, các đề xuất mới đây của EU đã được đưa ra trong bối cảnh Moscow và Kiev tiến hành vòng đàm phán hòa bình trực tiếp đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra vào cuối tháng 2/2022. Đại diện Ukraine và Nga ngày 16/5 nhóm họp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin không tới Istanbul để đàm phán trực tiếp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo châu Âu đã tới Ukraine nhằm gia tăng sức ép buộc Nga chấp thuận một lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày trước thềm các cuộc đàm phán tại Istanbul. Ukraine đã đồng ý với đề xuất này nhưng Nga thì không.
EU hiện đang áp đặt các biện pháp trừng phạt nào lên Nga?
Ngày 14/5, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 17 nhằm vào Moscow với mục tiêu kìm hãm nền kinh tế Nga và buộc Tổng thống Vladimir Putin chấm dứt xung đột tại Ukraine. Gói biện pháp này đã được Budapest chấp thuận và sẽ được Ủy ban châu Âu chính thức phê chuẩn vào tuần tới.
Từ năm 2022 đến nay, Brussels liên tục mở rộng các lệnh trừng phạt đối với Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ, áp giá trần đối với nhiên liệu Nga và đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga tại các tổ chức tài chính châu Âu.
Phần lớn nền kinh tế Nga, từ các tổ chức truyền thông đến ngành hàng không và viễn thông, hiện đã nằm trong phạm vi các biện pháp hạn chế của EU, bên cạnh các lệnh cấm thương mại và các biện pháp nhằm vào giới tài phiệt cùng chính giới Nga.
Trong gói trừng phạt lần thứ 17, khoảng 200 tàu chở dầu thuộc “hạm đội bóng tối” đã bị đưa vào danh sách trừng phạt. Đây là những tàu có chủ sở hữu không rõ ràng và không có liên hệ tài chính hay bảo hiểm với phương Tây, cho phép chúng né tránh các biện pháp trừng phạt tài chính.
Các biện pháp mới nhất cũng nhắm đến một số thực thể tại Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ mà EU cáo buộc là giúp Nga lách lệnh cấm vận. Bên cạnh đó, EU sẽ áp đặt thêm các hạn chế đối với 30 công ty có liên quan đến giao dịch hàng hóa lưỡng dụng - những sản phẩm có thể phục vụ mục đích quân sự.
“Nga đã tìm được cách lách khỏi các biện pháp hạn chế do châu Âu và Mỹ áp đặt, vì vậy việc siết chặt các nguồn lực sẽ là cách bóp nghẹt nền kinh tế Nga”, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot phát biểu trên kênh truyền hình BFM TV.
Các lệnh trừng phạt hiệu quả đến đâu?
Cùng với sự hỗ trợ quân sự dành cho Kiev, các biện pháp trừng phạt là công cụ chính của EU để phản ứng trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, cho đến nay, các lệnh trừng phạt vẫn chưa thể chấm dứt xung đột. Thậm chí, nhờ giá dầu tăng cao và chi tiêu quốc phòng lớn, kinh tế Nga đã tăng trưởng vượt kỳ vọng kể từ đầu năm 2022.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot hôm 14/5 thừa nhận rằng tác động của các biện pháp trừng phạt là chưa đủ.
“Chúng ta cần phải đi xa hơn nữa bởi những lệnh trừng phạt hiện nay vẫn chưa khiến Nga từ bỏ chiến dịch quân sự này. Chúng ta phải sẵn sàng mở rộng các biện pháp trừng phạt có thể bóp nghẹt hoàn toàn nền kinh tế Nga", ông Barrot nói.
Dù vòng trừng phạt thứ 17 chỉ vừa được nhất trí nhưng các bộ trưởng EU hiện đã cân nhắc những bước đi tiếp theo nhằm làm suy yếu ảnh hưởng chính trị của Tổng thống Putin trong trường hợp chiến sự tại Ukraine kéo dài.
Kiểm soát dòng vốn - biện pháp nhằm hạn chế luồng tiền ra vào Nga và các biện pháp thương mại như áp thuế quan là hai phương án đã được Ủy ban châu Âu đề cập trong những tuần gần đây. Kiểm soát vốn có thể bao gồm nhiều hình thức khác nhau, từ hạn chế đầu tư nước ngoài, giới hạn trao đổi ngoại tệ đến đánh thuế trên dòng vốn di chuyển qua biên giới.
Ủy ban châu Âu cũng dự kiến sẽ công bố các đề xuất vào tháng tới, cho phép Brussels cấm các hợp đồng mua bán khí đốt Nga theo hình thức giao ngay - tức là giao hàng và thanh toán ngay lập tức giữa các công ty châu Âu và Nga kể từ năm 2025, hướng tới loại bỏ hoàn toàn vào năm 2027.
Bất chấp các lệnh hạn chế xuất khẩu dầu, Nga vẫn thu hàng tỷ euro từ xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang EU và thông qua đường ống TurkStream (đường ống dẫn khí kết nối Nga với Đông Nam châu Âu qua Biển Đen). Việc cấm các hợp đồng giao ngay có thể làm giảm đáng kể doanh thu của Moscow từ những nguồn này. Brussels cũng có thể đề xuất áp thuế đối với uranium làm giàu như một phần trong nỗ lực giảm phụ thuộc của EU vào nhiên liệu Nga.
Theo The Financial Times, EU khẳng định rằng những biện pháp này sẽ không được xem là trừng phạt, do đó không cần sự nhất trí của toàn bộ 27 quốc gia thành viên - vốn là điều kiện tiên quyết đối với các gói trừng phạt thông thường.
"Tôi nghĩ châu Âu thúc đẩy các biện pháp trừng phạt tiềm tàng này nhằm gây áp lực buộc Nga đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn 30 ngày. Đó là "cây gậy" mà họ đang vung ra", một nhà phân tích giấu tên am hiểu vấn đề nói với Al Jazeera.
Liệu Mỹ có áp thêm lệnh trừng phạt?
Giới quan sát cho rằng Mỹ có thể cũng sẽ áp thêm lệnh trừng phạt Nga. Ngày 1/5, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham từ bang South Carolina cho biết ông đã có sự ủng hộ của 72 đồng nghiệp trong Thượng viện cho một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt “bóp nghẹt” Nga.
Ông Graham, một đồng minh thân cận của Tổng thống Donald Trump, đang dẫn đầu dự luật nhằm áp mức thuế 500% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia mua dầu mỏ và nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Bản thân ông Trump, người dường như cởi mở với khả năng hàn gắn quan hệ với Nga, cũng từng tuyên bố vào tháng 3 rằng ông “đang cân nhắc” áp đặt các lệnh trừng phạt và thuế quan đối với Nga cho tới khi đạt được một thỏa thuận hòa bình với Ukraine.
“Đa số người dân Nga muốn cuộc sống trở lại bình thường và các chủ doanh nghiệp đang ngày càng mệt mỏi với những chi phí liên quan đến xung đột. Cảm giác bất an ngày càng lớn", nhà phân tích giấu tên nói với Al Jazeera.
Tuy nhiên, nhà phân tích này cũng nghi ngờ về khả năng những biện pháp mà EU đề xuất có thể khiến Nga tiến gần hơn đến việc ký một thỏa thuận hòa bình.
“Chỉ đơn giản vì các lệnh trừng phạt trước đây đã không thể làm được điều đó và hiện đã có cả một mê cung trừng phạt rồi", nhà phân tích này cho hay.
Theo nền tảng đánh giá rủi ro toàn cầu Castellum.AI, kể từ đầu xung đột, Nga đã phải hứng chịu 21.692 lệnh trừng phạt, phần lớn nhằm vào các cá nhân.
“Dựa trên thực tế trước đây, thật khó để tin rằng những lệnh trừng phạt bổ sung sẽ chấm dứt xung đột", nhà phân tích trên nhận định. Bà ước tính, khoảng 60% khả năng Nga và Ukraine sẽ tiếp tục giao tranh đến cuối năm nay.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Al Jazeera