'Đơn vị hành chính dưới tỉnh' trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là để linh hoạt khi thực hiện

'Đơn vị hành chính dưới tỉnh' trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là để linh hoạt khi thực hiện
11 giờ trướcBài gốc
Chiều 14-5, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Đối tượng lấy ý kiến là đại diện các bộ, ngành, các chuyên gia, các sở tư pháp cùng các đơn vị của Bộ Tư pháp.
Đánh giá dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp đã được Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp công bố, TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ghi nhận dù công tác chuẩn bị gấp gáp, gắn liền với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, nhưng các tài liệu được công bố cho thấy tất cả đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Sự kỹ lưỡng ấy không chỉ là cơ sở chính trị - Nghị quyết 60 của Trung ương, mà cả quy trình, thủ tục để Quốc hội quyết định khởi động sửa Hiến pháp, lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, công bố dự thảo. Tất cả cho thấy sự cần thiết của việc sửa Hiến pháp lần này.
TS Phan Trung Lý chia sẻ kinh nghiệm làm thành viên Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp 12 năm trước.
Nên quy định chung vị trí, vai trò, mối quan hệ... với MTTQ Việt Nam
Ông Phan Trung Lý nguyên là thành viên Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp 1992, tham gia vào quá trình ra đời Hiến pháp 2013. Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông lưu ý rằng Hiến pháp càng quy định cụ thể, càng cứng quá, thì càng dễ gây vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành. Vì vậy, về mặt kỹ thuật lập hiến lần này, dù chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, cũng nên rút kinh nghiệm để chỉ quy định trong Hiến pháp những vấn đề mang tính nguyên tắc.
Cụ thể, theo ông, lần này không nên liệt kê tên các tổ chức chính trị - xã hội. Tên, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức chính trị - xã hội để luật quy định là đủ. “Nhiều tổ chức xã hội đang muốn được đưa vào nhóm này. Nếu ta giữ nguyên cách cũ thì không khéo lại phải tiếp tục sửa Hiến pháp để bổ sung cho họ”– ông Lý nói.
Vấn đề mà vị chuyên gia này đề cập nằm ở Điều 9 và Điều 10 Hiến pháp hiện hành, được Ủy ban Sửa đổi Hiến pháp đề nghị sửa đổi theo hướng:
Khoản 1 Điều 9 tập trung nói về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam; khoản 2 dẫn tên năm tổ chức chính trị - xã hội gồm Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh “được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam”.
Còn Điều 10 cơ bản giữ nguyên Hiến pháp hiện hành, dành tới 153 chữ để diễn đạt riêng về vị trí, vai trò của Công đoàn.
Ông Lý cho rằng hai điều này nên diễn đạt lại, chỉ quy định chung chung vị trí, vai trò, mối quan hệ của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên với MTTQ Việt Nam.
Nên ghi nhận đóng góp của cấp huyện trước khi xóa bỏ
Về nội dung sửa đổi liên quan đến chính quyền địa phương, nhất là Điều 110, Điều 114, TS Phan Trung Lý bày tỏ sự đồng tình với việc chuyển đổi mô hình chính quyền địa phương ba cấp sang hai cấp. Dù vậy, ông cho rằng cấp huyện với lịch sử lâu dài của nó đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà đã có lúc được xác định là “pháo đài”.
Vậy nên, ông cho rằng dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cần bổ sung diễn đạt cách nào đó, để đánh giá khách quan, biểu dương cấp huyện. Như vậy, cán bộ huyện qua các thời kỳ cảm thấy mình là "một phần của lịch sử".
Góp ý cụ thể vào nội dung sửa đổi, ông Phan Trung Lý dẫn khoản 1 Điều 110 dự thảo: “Các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
Theo ông, nên cân nhắc thay “đơn vị hành chính dưới tỉnh…” bằng “đơn vị hành chính cấp cơ sở”. Đồng thời, tính toán lời văn để khẳng định nguyên tắc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
“Hiến pháp mà viết là đơn vị hành chính dưới tỉnh thì sau này lại có thêm mấy cấp, chứ không phải chính quyền địa phương hai cấp”– ông Lý nói.
Ông Trần Anh Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính, bày tỏ sự đồng tình với nhiều ý kiến của ông Phan Trung Lý, trong đó có ý kiến Hiến pháp không nên quy định tên cũng như quy định cụ thể các tổ chức chính trị - xã hội. Hiến pháp chỉ nên tập trung quy định về MTTQ đã là bao quát hết một bộ phận quan trọng của hệ thống chính trị.
Dù vậy, ông cho rằng dự thảo sửa đổi không nên bỏ khái niệm “cấp chính quyền địa phương”, vốn lần đầu xuất hiện ở Hiến pháp 2013. Hàm ý của khái niệm này là chính quyền địa phương đầy đủ, gồm cả HĐND và UBND. Tiếp tục sử dụng khái niệm này thì trong tương lai khi quá trình phát triển các đơn vị hành chính, lãnh thổ đặc biệt nếu thấy không cần tổ chức HĐND, Quốc hội có thể quyết ngay mà không cần sửa Hiến pháp.
Tiếp mạch góp ý, PGS Tô Văn Hòa, quyền Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội, bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của TS Phan Trung Lý. Ông cho rằng Điều 9, Điều 10 Hiến pháp nằm trong một chỉnh thể mà MTTQ Việt Nam là trung tâm. Thực tế, MTTQ Việt Nam đang có 50 tổ chức thành viên, bao gồm cả năm tổ chức – chính trị xã hội. Vậy có nên tiếp tục cách diễn đạt như Hiến pháp hiện hành, liệt kê cụ thể các tổ chức chính trị - xã hội hay không là việc nên cân nhắc.
Bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội chia sẻ thông tin về dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Lý do không liệt kê đơn vị hành chính dưới tỉnh
Trao đổi lại với các chuyên gia, bà Nguyễn Phương Thủy, Phó Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội, thành viên Tổ biên tập sửa đổi Hiến pháp ghi nhận các góp ý. Trong đó, bà cho biết có thể tiếp thu ngay đề xuất ghi nhận đóng góp của cấp huyện.
Về cách diễn đạt “đơn vị hành chính dưới tỉnh”, bà Thủy cho biết hàm ý là không quy định cứng trong Hiến pháp rằng trong mô hình hai cấp, dưới tỉnh chỉ có xã, phường, đặc khu.
“Thị xã Sơn Tây thuộc tỉnh Hà Tây, đã được nâng lên thành phố thuộc tỉnh. Nhưng khi nhập Hà Tây vào Hà Nội thì lại vướng Hiến pháp, nên phải hạ xuống thị xã, sau đó thì thành quận. Do đó mới đề xuất sửa Hiến pháp theo cách này để Luật Tổ chức chính quyền địa phương có thể linh hoạt”– bà Thủy nói.
Ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương của Bộ Nội vụ, cũng giải thích như vậy. Theo ông, “đơn vị hành chính dưới tỉnh” như dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã là khái quát rồi. Không liệt kê cụ thể vào Hiến pháp rằng đơn vị hành chính dưới tỉnh gồm những loại hình gì chính là cách để trong quá trình phát triển sau này, khi xuất hiện nhu cầu, chẳng hạn tổ chức các thành phố, thị xã theo yêu cầu phát triển của chính quyền đô thị, thì không bị vướng Hiến pháp.
Về đơn vị hành chính hành chính kinh tế đặc biệt, ông Tuấn cho biết đây là khái niệm kế thừa Hiến pháp hiện hành. “Thời điểm này chưa thể khẳng định đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt tương lai là cấp tỉnh hay dưới tỉnh. Chẳng hạn, Phú Quốc dự kiến sẽ thành đặc khu, là đơn vị hành chính dưới tỉnh. Nhưng quá trình phát triển sau này biết đâu sẽ cần phải nâng lên ngang cấp tỉnh”- ông Tuấn nói.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh chủ trì hội nghị lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh ghi nhận các ý kiến đóng góp đều đồng tình với chủ trương chung là phải đổi mới kỹ thuật lập hiến. Hiến pháp phải thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng, nhưng chỉ quy định những nguyên tắc rất cơ bản.
“Qua nghiên cứu, chuẩn bị, chúng tôi thấy một bản Hiến pháp hiện đại hay không tùy thuộc rất nhiều vào kỹ thuật lập hiến. Càng quy định cụ thể thì càng dễ phải sửa đổi, bổ sung trước các biến động mau lẹ của cuộc sống. Chính vì vậy, lần sửa Hiến pháp này, dù chỉ một vài điều, nhưng cố gắng cô đọng nhất, ổn định nhất” – Bộ trưởng Ninh nói.
Ông đề nghị các đơn vị của Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp tham mưu cho địa phương khẩn trương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp. Làm sao dù phạm vi sửa đổi không nhiều nhưng đây vẫn trở thành cuộc sinh hoạt chính trị pháp lý sâu sắc, qua đó tăng cường nhận thức, ý thức của xã hội trong tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
NGHĨA NHÂN
Nguồn PLO : https://plo.vn/video/don-vi-hanh-chinh-duoi-tinh-trong-du-thao-sua-doi-hien-phap-la-de-linh-hoat-khi-thuc-hien-post849777.html