Liệu sự thay đổi nhân sự này có đơn thuần là sắp xếp nội bộ, hay nó báo hiệu một sự điều chỉnh chiến lược sâu sắc, thậm chí là một bước ngoặt trong cách Mỹ can dự vào cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II?
Trước hết, hãy nhìn vào những tín hiệu chính thức từ Washington. Trong cuộc họp báo ngày 1/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce tuyên bố thẳng thừng rằng Mỹ “sẽ không còn đảm nhận vai trò trung gian” trong các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine, đồng thời nhấn mạnh “đã đến lúc hai bên tự đề xuất giải pháp và đối thoại trực tiếp”. Đây là tuyên bố gây chấn động, bởi lẽ Mỹ từ lâu vẫn được coi là nhà bảo trợ lớn nhất của Ukraine, cả về quân sự lẫn tài chính, và việc Washington rút bước khỏi vai trò trung gian có thể làm sụp đổ mọi nỗ lực hòa đàm vốn đã mong manh.
Ngoại trưởng Marco Rubio (bên trái) và ông Mike Waltz. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Ngoại trưởng Marco Rubio lên tiếng “chỉnh nhịp”. Ông khẳng định rằng Mỹ “sẽ không từ bỏ các nỗ lực nhằm làm trung gian hòa giải”, nhưng cũng cảnh báo nếu các cuộc đàm phán tiếp tục bế tắc, Mỹ có thể rút lui. Phát biểu trên Fox News, ông Marco Rubio nhấn mạnh “chúng tôi vẫn sẵn sàng giúp đỡ nếu có thể, nhưng cuối cùng, quyết định sẽ do Tổng thống Donald Trump đưa ra”. Điều này cho thấy một sự giằng co nội bộ, phản ánh không chỉ sự thiếu kiên nhẫn của chính quyền Tổng thống Donald Trump mà còn là cuộc tranh luận chiến lược giữa những tiếng nói trong nội các về mức độ can dự của Mỹ.
Thêm vào đó, Phó Tổng thống Mỹ Vance và Ngoại trưởng Marco Rubio cùng đồng loạt lên tiếng rằng Mỹ cần “bước đột phá sớm”, càng làm rõ áp lực ngày càng gia tăng lên ông chủ Nhà Trắng phải quyết định: tiếp tục dẫn dắt hay rút lui. Trong bối cảnh ấy, việc thay đổi Cố vấn An ninh quốc gia là một mảnh ghép quan trọng. Như đã phân tích, Cố vấn An ninh quốc gia là người “điều phối” chiến lược, kết nối giữa Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, cộng đồng tình báo và Tổng thống.
Nhân sự mới, tùy thuộc vào quan điểm của họ, có thể nghiêng về một trong hai hướng: củng cố vai trò trung gian của Mỹ, thậm chí gia tăng áp lực lên Moskva thông qua trừng phạt mới, hoặc giảm bớt ưu tiên, chuyển trọng tâm sang các hồ sơ khác như Trung Quốc và Iran, vốn đang được Ngoại trưởng Marco Rubio nhắc đến như “ưu tiên cao hơn”. Không thể bỏ qua yếu tố cá nhân: đương kim Tổng thống xứ cờ hoa vốn nổi tiếng với phong cách trực giác, đôi khi phá vỡ quy trình truyền thống.
Việc thay đổi Cố vấn An ninh quốc gia có thể phản ánh nỗi thất vọng của ông Donald Trump với những gì đang diễn ra, từ sự bế tắc của đàm phán đến việc Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn duy trì chiến dịch quân sự, bao gồm các đợt phóng tên lửa vào các mục tiêu trên lãnh thổ Ukraine. Trong bài đăng trên Truth Social hôm 26/4, ông Donald Trump đã gay gắt chỉ trích người đồng cấp Vladimir Putin, cáo buộc Nga “cố tình kéo dài cuộc chiến”, đồng thời đe dọa các biện pháp trừng phạt ngân hàng và thứ cấp. Điều đó cho thấy một sự mất kiên nhẫn rõ rệt và một nhân sự mới có thể sẽ được lựa chọn để biến những tuyên bố đó thành hành động chính sách cụ thể. Tuy nhiên, không thể phân tích Mỹ mà bỏ qua các yếu tố quốc tế. Ukraine, trong những tháng gần đây, đã ký một thỏa thuận cho Mỹ quyền tiếp cận ưu tiên các khoáng sản chiến lược, đồng thời mời gọi đầu tư vào quỹ tái thiết đất nước.
Giới chức Ukraine kỳ vọng điều này sẽ củng cố vị thế đàm phán của Tổng thống Volodymyr Zelensky khi đối mặt với Moscow. Quốc hội Ukraine dự kiến bỏ phiếu phê chuẩn thỏa thuận này vào ngày 8/5, một cột mốc quan trọng, có thể làm gia tăng kỳ vọng vào vai trò trung gian của Mỹ. Do đó, một sự thay đổi nhân sự ở Nhà Trắng có thể làm dấy lên lo ngại ở Kiev: liệu Mỹ có vẫn đứng vững sau lưng Ukraine, hay sẽ chuyển sang ưu tiên các hồ sơ khác?
Ở phía Nga, những tín hiệu lẫn lộn từ Washington cũng buộc Điện Kremlin phải thận trọng. Nếu nhân sự mới có quan điểm cứng rắn, Nga có thể đẩy nhanh các nỗ lực quân sự để chiếm ưu thế trước khi Mỹ xiết thêm trừng phạt. Ngược lại, nếu Mỹ có dấu hiệu muốn giảm can dự, Moscow có thể tính toán đẩy Kiev vào thế phải nhượng bộ trong các vòng đàm phán tới.
Đáng chú ý, cả châu Âu cũng đang theo dõi sát sao. Nếu Mỹ rút khỏi vai trò trung gian, châu Âu – vốn đã chia rẽ về chính sách đối với Nga – sẽ bị đặt vào thế buộc phải lấp khoảng trống. Trong khi đó, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, hai bên đang âm thầm tìm cách mở rộng ảnh hưởng qua các kênh ngoại giao trung gian, có thể sẽ tranh thủ cơ hội để nâng tầm vai trò quốc tế. Từ góc nhìn chuyên gia, Fiona Hill (Brookings) từng nhấn mạnh rằng, sự nguy hiểm lớn nhất trong các thay đổi nhân sự tại Mỹ không phải là bản thân tên tuổi người kế nhiệm, mà là thông điệp chính sách đi kèm.
Nếu Mỹ chuyển từ vai trò trung gian sang rút lui hoàn toàn, cán cân quyền lực tại bàn đàm phán sẽ thay đổi sâu sắc. Ngược lại, nếu Mỹ tăng cường can dự, đặc biệt là qua các gói viện trợ, trừng phạt và đàm phán trực tiếp, nguy cơ đối đầu trực tiếp Mỹ - Nga cũng không thể bỏ qua. Cuối cùng, mọi quyết định sẽ vẫn quy về một người: Tổng thống Donald Trump. Dù thay đổi nhân sự, ông Donald Trump vẫn là người nắm quyền quyết định cuối cùng như lời Ngoại trưởng Marco Rubio nói, “hoặc phải có một điều gì đó thực sự có thể xảy ra, hoặc tất cả chúng ta cần phải bước tiếp”.
Nói cách khác, nhân sự mới ở vị trí Cố vấn An ninh quốc gia có thể là dấu hiệu cho thấy ông chủ Nhà Trắng đang chuẩn bị cho một bước ngoặt: hoặc đẩy nhanh tiến trình hòa đàm, hoặc chấp nhận thực tế rằng xung đột Nga - Ukraine không phải là “cuộc chiến của Mỹ” và Washington cần tập trung vào những ưu tiên khác.
Tóm lại, việc thay đổi Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ không đơn giản là chuyện thay người giữ ghế. Nó là tín hiệu chiến lược, là thước đo xem chính quyền Tổng thống Donald Trump định hướng tương lai can dự của Mỹ như thế nào trong một cuộc xung đột đã kéo dài hơn ba năm, gây ra những hệ lụy địa chính trị sâu sắc không chỉ cho châu Âu mà cho cả trật tự quốc tế.
Trong những tuần tới, các động thái của Nhà Trắng - từ nhân sự, phát ngôn, cho đến hành động chính sách - sẽ được các bên theo dõi chặt chẽ, vì chúng có thể là khởi đầu cho một chương mới trên bàn cờ hòa bình vốn chưa bao giờ dễ dàng.
Khổng Hà