Donald Trump làm gì khi bế tắc?

Donald Trump làm gì khi bế tắc?
6 giờ trướcBài gốc
Henry Pearce là một người rất thông minh. Mặc dù đã gần bảy mươi tuổi nhưng ông ta có nhiều sinh lực hơn những chàng trai đang tuổi đôi mươi, và không ngừng truy lùng những tổ chức tài chính có thể tài trợ cho dự án của tôi. Sự kiên trì và tuổi tác của ông ta đã mang lại nhiều kết quả tốt đẹp. Chúng tôi cùng nhau đến gặp ông chủ các ngân hàng. Họ là những người thận trọng, và phần lớn chưa hề nghe đến cái tên Donald Trump. Do vậy, việc tôi đi cùng với Henry, một người mà họ đã từng giao dịch, cũng khiến họ bớt lo lắng hơn.
Cũng giống như lần đầu tiên gặp Victor Palmieri, tôi nói với họ về những thế mạnh của Trump Organization và tất cả những gì chúng tôi đang làm. Tôi nhấn mạnh rằng chúng tôi sẽ hoàn tất việc xây dựng đúng hạn và bảo đảm chi phí trong khoản ngân sách dự trù, vì tôi biết các ngân hàng rất sợ việc vượt ngân sách. Tôi cho họ thấy những bản vẽ và cả mô hình thu nhỏ của khách sạn mới. Tôi trình bày các bước thực hiện để thay đổi hình ảnh những khu phố xung quanh khách sạn cũng như việc tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm.
Tôi cũng nói tốt về công ty Hyatt, và đề cập đến khả năng được miễn nhiều thuế mà chúng tôi hy vọng sẽ được chính quyền thành phố chấp thuận. Điểm cuối cùng thường sẽ khuấy động sự chú ý của người nghe, nhưng chẳng may chúng tôi đang ở trong một hoàn cảnh, luẩn quẩn không lối thoát - thành phố sẽ không quan tâm đến việc giảm thuế cho tôi cho đến khi tôi có được sự hỗ trợ về tài chính; trong khi đó, không có sự giảm thuế thì ngân hàng không quan tâm lắm đến việc tài trợ.
Ảnh minh họa. Nguồn: ABC News.
Cuối cùng, chúng tôi quyết định vận dụng một chiến thuật mới. Nhận thấy cách tiếp cận trực tiếp không hiệu quả, chúng tôi chơi đòn tâm lý, đánh vào khía cạnh đạo đức, cảm nhận của họ về những nghĩa vụ xã hội. Chúng tôi nói với họ rằng thành phố đang gặp khó khăn nhưng nó vẫn là một thành phố lớn, nó là thành phố của chúng tôi và của họ nữa, nếu họ không tin tưởng vào nó, nếu họ không muốn đầu tư vào nó thì làm sao họ có thể mong nó thay đổi được? Nếu họ cho các quốc gia của thế giới thứ ba và các ông chủ của những trung tâm mua sắm lớn ở ngoại ô vay hàng triệu đô-la thì sao họ không có nghĩa vụ với thành phố của chính họ?
Nhưng dường như mọi nỗ lực của chúng tôi đều rơi vào thinh không. Tôi đã định bỏ cuộc nhưng Henry và Jerry Schrager, luật sư của tôi, động viên tôi tiếp tục tiến tới.
Chỉ còn một con đường duy nhất để đạt được sự hỗ trợ của các ngân hàng là chúng tôi phải được thành phố giảm thuế. Tôi đặt hy vọng vào “Chính sách khuyến khích đầu tư kinh doanh” được thành phố chấp thuận vào đầu năm 1975. Chương trình này được đưa ra nhằm khích lệ sự phát triển thương mại thông qua những khoản miễn giảm thuế cho các nhà phát triển.
Giữa năm 1975, tôi quyết định sẽ gặp các viên chức thành phố dù chưa tìm được ngân hàng nào chịu hỗ trợ tài chính. Đối với nhiều người, điều đó ắt hẳn là khôi hài. Nhưng tôi vẫn làm, cho dù thất bại thì tôi cũng chẳng mất gì. Nói nôm na, nó giống như một canh bài xì phé, trong đó không bên nào có những quân bài mạnh nên cả hai buộc phải tháu cáy. Vì muốn giữ uy tín của mình, tôi hầu như không thể bỏ cuộc. Trong khi đó, thành phố rất muốn khuyến khích phát triển.
Tôi đệ trình hồ sơ của mình lên thành phố vào tháng 10/1975. Khách sạn Commodore đang thua lỗ và xuống cấp một cách nhanh chóng. Khu vực xung quanh nhà ga Grand Central trở thành một khu nhà lụp xụp. Tập đoàn khách sạn Hyatt đã sẵn sàng thâm nhập thị trường New York, nhưng chúng tôi không còn cách nào khác để có thể huy động hàng triệu đô-la để xây dựng một khách sạn mới trừ phi thành phố chấp thuận giảm thuế nhà đất cho tôi.
Để phát triển nền kinh tế của thành phố, người ta đồng ý xây dựng một chương trình, trong đó chúng tôi sẽ là những đối tác có tiềm năng. Thành phố sẽ miễn thuế nhà đất cho tôi trong vòng bốn mươi năm. Đổi lại, hằng năm tôi sẽ trả một khoản lệ phí cho thành phố và một phần lợi nhuận của khách sạn. Cơ chế này khá phức tạp.
Trước tiên, tôi sẽ mua lại khách sạn Commodore từ công ty Penn Central với giá mười triệu đô-la, trong đó sáu triệu đô-la sẽ được chuyển ngay cho thành phố để trả những khoản nợ cũ về thuế của khách sạn. Sau đó, tôi sẽ bán khách sạn này cho thành phố với giá một đô-la, và họ sẽ cho tôi mướn lại khách sạn này trong chín mươi chín năm. Tiền thuê, được trả thay cho tất cả các loại thuế nhà đất, sẽ là 250.000 đô-la một năm và gia tăng dần lên đến 2,7 triệu đô-la vào năm thứ bốn mươi. Tôi cũng phải trả phần trăm lợi nhuận cho thành phố. Tính ra, đến khi hết thời hạn thuê, tôi trả một khoản tương đương với tổng số tiền thuế nhà đất tính trên giá trị của khách sạn tại thời điểm chúng tôi ký hợp đồng.
Toàn bộ thỏa thuận này sẽ phải được Ban Thẩm định của thành phố thông qua. Ban này sẽ xem xét bản thỏa thuận của chúng tôi vào cuối tháng 12-1975. Một tuần trước khi cuộc họp xảy ra, tôi đến gặp Victor Palmieri và giải thích rằng nếu ông ta muốn thành phố chấp thuận việc giảm thuế này, chúng tôi cần cho mọi người biết khách sạn đang gặp rất nhiều khó khăn và nó có thể không còn tồn tại lâu nữa. Ông ta đồng ý. Ngày 12/12, Palmieri công bố khách sạn đã lỗ 1,2 triệu đô-la trong năm 1975 và Penn Central dự đoán mức lỗ sẽ còn cao hơn nữa trong năm sau nên trễ nhất là đến 30/6/1976, họ sẽ đóng cửa khách sạn vĩnh viễn.
Hai ngày sau đó, một tuyên bố khác xuất hiện mà tôi không hề biết trước. Công ty Portman Associates công bố họ sẽ bỏ dự án xây dựng một khách sạn lớn tại quảng trường Times vì không kiếm được nguồn hỗ trợ tài chính trong suốt hai năm qua. Trên một phương diện nào đó, đây là một tin xấu cho tôi, vì tôi cần những bằng chứng để chứng minh cho mọi người thấy rằng đầu tư vào New York sẽ có hiệu quả. Trái lại, ở một góc độ khác, tôi có thể tận dụng sự thất bại của Portman để chứng minh với các viên chức thành phố rằng việc họ chấp thuận giảm thuế cho tôi là cơ hội duy nhất giúp tôi có được sự hỗ trợ về tài chính.
Donald J.Trump & Tony Schartz/NXB Trẻ
Nguồn Znews : https://znews.vn/donald-trump-lam-gi-khi-be-tac-post1530422.html