Khi mà kinh tế một số quốc gia Đông Bắc Á vẫn phải chật vật phục hồi thì tình hình địa chính trị trong khu vực lại có nhiều diễn biến phức tạp, vẽ lên một bức tranh đa chiều đầy biến động. Dẫu vậy, các nước cũng phát đi tín hiệu cùng chung tay hướng tới không gian hợp tác cùng có lợi.
Giữa lúc nền kinh tế chưa thể trở lại guồng quay trước thời đại dịch Covid-19 và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, Trung Quốc vẫn giữ được vị trí sáng nhất trong số các nền kinh tế Đông Bắc Á. Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 3 quý đầu năm 2024 của quốc gia tỷ dân tăng 4,8% so cùng kỳ năm ngoái và các quan chức cấp cao của nước này tự tin đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong cả năm nay, giúp đất nước Vạn Lý Trường Thành tiếp tục phát huy vai trò là động lực tăng trưởng lớn nhất của kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc vẫn giữ được vị trí sáng nhất trong số các nền kinh tế Đông Bắc Á. Ảnh minh họa: bnews.vn
Ngược lại, nền kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu để tăng trưởng, lại ghi nhận sự phục hồi chậm hơn. Với xứ kim chi, dự báo tăng trưởng năm 2024 đã được điều chỉnh giảm xuống còn khoảng 2,2-2,3% so với mức 2,4-2,6% trước đó. Với đất nước mặt trời mọc, sau hai quý suy giảm liên tiếp, GDP quý 3 đã ghi nhận mức tăng trưởng 0,3%. Ngoài ra, việc đồng yen trượt giá sâu so với đồng USD trong nhiều thập kỷ trở lại đây thể hiện sự hoài nghi của giới đầu tư vào các chính sách kinh tế của chính phủ nước này.
Trong khi đó, bầu không khí an ninh trên bán đảo Triều Tiên “nóng” hẳn lên, bất chấp quan ngại từ cộng đồng quốc tế. Có thể kể đến việc Bình Nhưỡng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thử nghiệm tên lửa và vũ khí mới, còn các cuộc tập trận quân sự chung giữa Hàn Quốc và Mỹ cũng diễn ra thường xuyên hơn. Các kênh đối thoại giữa hai bên hầu như đóng băng.
Cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều đưa ra những tuyên bố cứng rắn, cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận và có hành động khiêu khích, khiến quan hệ liên Triều rớt xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Thậm chí, Quốc hội Triều Tiên đã hoàn thành việc sửa đổi hiến pháp với nội dung từ bỏ mục tiêu thống nhất quốc gia, đồng thời xác định Hàn Quốc là “quốc gia thù địch”. Giới phân tích đánh giá, căng thẳng liên Triều sẽ thúc đẩy Seoul và Bình Nhưỡng tăng cường năng lực quân sự, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Tại Hàn Quốc, tình hình chính trị vốn tồn tại bất đồng, lại bị đẩy lên đỉnh điểm căng thẳng trong nhiều thập kỷ sau quyết định ban bố tình trạng thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol đầu tháng 12 này. Vấn đề này được cho là sẽ mở ra một tương lai đầy khó khăn cho xứ kim chi bởi những hệ lụy vì thiết quân luật vẫn còn đó, từ biểu tình lan rộng cho đến việc các thành viên nội các từ chức, bị bắt, bị điều tra hoặc bị luận tội. Tại Nhật Bản, chính trường cũng phải đứng trước một bước ngoặt lịch sử khi lần đầu tiên kể từ năm 2009, liên minh cầm quyền do Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đứng đầu không còn nắm giữ thế đa số tại Hạ viện. Điều này dẫn tới thực tế rằng các hoạt động đối nội và đối ngoại của chính quyền Thủ tướng Ishiba Shigeru sẽ gặp không ít trắc trở từ khối đối lập.
Giữa bộn bề thách thức, một điểm sáng nổi lên chính là Hội nghị thượng đỉnh Hàn - Nhật - Trung lần thứ 9 được tổ chức tại Hàn Quốc giữa năm nay, sau 4 năm trì hoãn. Hội nghị đã tạo nền tảng vững chắc để 3 cường quốc Đông Bắc Á từng bước thu hẹp bất đồng, thúc đẩy xây dựng lòng tin và tăng cường hợp tác vì lợi ích chiến lược của mỗi nước cũng như hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Mặc dù sự kiện chưa tạo được bước đột phá nào đáng kể, song Tuyên bố chung giữa 3 nước tương đối toàn diện, bao trùm nhiều lĩnh vực hợp tác, kể cả những nội dung gai góc như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đúng như lời Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đánh giá, hội nghị thượng đỉnh lần này thể hiện “khởi đầu mới” trong quan hệ giữa Bắc Kinh, Seoul và Tokyo.
Có thể thấy, bánh xe hợp tác tại Đông Bắc Á đã xoay chuyển, song rất khó để ngay lập tức đạt những kết quả hiện hữu. Bước vào năm 2025, trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế còn chưa vững chắc, vấn đề chính trị-an ninh tại một trong những nơi có vị trí địa chiến lược quan trọng của thế giới còn đối mặt với nhiều thử thách phía trước, người ta kỳ vọng các quốc gia trong khu vực cần tập trung ổn định tình hình trong nước, đồng thời tăng cường đối thoại, hợp tác và xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.
Theo qdnd.vn