Đồng bằng sông Cửu Long: Tăng cường các giải pháp ứng phó với hạn, mặn

Đồng bằng sông Cửu Long: Tăng cường các giải pháp ứng phó với hạn, mặn
một ngày trướcBài gốc
Xâm nhập mặn diễn biến phức tạp
Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố ở cực Nam của nước ta, chiếm 12,2% diện tích và 19% dân số cả nước. Đây là vùng kinh tế quan trọng, có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo, nuôi trồng thủy sản trồng các loại cây ăn trái. Những năm gần đây, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực này đang có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và sản xuất của người dân.
Theo thông tin từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, tháng 4/2025 (từ ngày 1/4 đến ngày 30/4) dự báo nguồn nước về Đồng bằng sông Cửu Long, lưu lượng bình quân tại trạm Kratie vào khoảng 3.628 m3/s; giảm khoảng 173 m3/s so với tháng 3/2025, thấp hơn khoảng 287 m3/s so với cùng kỳ trung bình nhiều năm và cao hơn khoảng 589 m3/s so với năm 2024.
Một công trình ngăn mặn trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
Về khả năng nguồn nước về các tiểu vùng và xâm nhập mặn Đồng bằng sông Cửu Long, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết: Vùng thượng Đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm phần đất phần đất tỉnh An Giang, Đồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP. Cần Thơ) nguồn nước đảm bảo. Vùng giữa Đồng bằng sông Cửu Long (bao gồm phần đất thuộc TP. Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre), trong tháng 4 mặn cao trở lại vào các kỳ triều cường từ 30/3 đến 3/4 và 27/4 đến 30/4, tuy nhiên ở mức độ thấp hơn như đã xảy ra trước đó; chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất ứng với hàm lượng 4g/1 trên các cửa sông khoảng 40 - 50km, ngoại trừ nhánh Hàm Luông có thể lên đến 55 - 57km.
Đối với vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long (gồm các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang), dự báo mặn còn tiếp tục cao trong tháng 4. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo các địa phương cần tranh thủ tích ngọt đảm bảo đủ nước cho sản xuất, tăng cường giám sát mặn và theo dõi cập nhật các bản tin dự báo tiếp theo.
Các địa phương tăng cường ứng phó
Trước tình trạng xâm nhập mặn diễn biến phức tạp, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp và phục vụ cho đời sống người dân.
Tại tỉnh Sóc Trăng, để tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn không làm xáo trộn cuộc sống và sinh hoạt của người dân, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh thường xuyên theo dõi tình hình hạn, mặn để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các biện pháp tích trữ, sử dụng hợp lý nước ngọt. Đối với sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng tăng cường công tác thông tin dự báo, cảnh báo, công bố số liệu đo mặn hàng ngày để người dân biết và chủ động ứng phó. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Tỉnh Cà Mau cũng là một trong những địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn. So với các địa phương khác trong vùng thì tỉnh Cà Mau có khó khăn hơn trong tiếp cận nguồn nước ngọt khi tỉnh này không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông lớn đầu nguồn, chỉ trông chờ vào nước mưa và nguồn nước ngầm. Do vậy, tình hình sản xuất và đặc biệt là đời sống, sinh hoạt của người dân vào mùa hạn, mặn hết sức khó khăn.
Người dân Cà Mau chủ động lắp hệ thống tưới tự động để tiết kiệm nước khi sản xuất trong mùa khô. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Cà Mau
UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND cấp huyện theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng thủy văn, kịp thời thông tin, tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, tổ chức có liên quan, chủ động thực hiện các giải pháp phòng tránh, ứng phó.
Trước đó, ngày 17/2/2025, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 15/CĐ-TTg về việc chủ động ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm ở Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, có nội dung yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, nhất là khu vực ven biển Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến và dự báo khí tượng thủy văn, nguồn nước, xâm nhập mặn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể, tập trung triển khai các phương án bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuyệt đối không được để người dân thiếu nước sinh hoạt, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục thiếu nước ngọt.
Bình Minh
Nguồn VHPT : https://vanhoavaphattrien.vn/dong-bang-song-cuu-long-tang-cuong-cac-giai-phap-ung-pho-voi-han-man-a28191.html