Phát huy hiệu quả công trình thủy lợi ngăn mặn
Về tỉnh Bạc Liêu những ngày này, không khó bắt gặp những ruộng vườn, cây ăn trái xanh tốt của bà con nhân dân. Có được kết quả này là nhờ chính quyền các cấp và người dân đã chung tay triển khai nhiều giải pháp chủ động ứng phó với tình trạng mặn xâm nhập. Cùng với đó, sau thời gian vận hành, cống âu thuyền Ninh Quới và một số cống đã phát huy hiệu quả.
Cống Âu thuyền Ninh Quới. Ảnh: Nguyên Du
Vụ lúa đông xuân năm nay, gia đình ông Trần Minh Phúc ngụ xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân xuống giống hơn 2 ha. Nhờ thực hiện đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp nên khi thu hoạch năng suất lúa đạt cao, trung bình từ 7 – 8 tấn/ha. Với giá bán hơn hơn 7.000 đồng/kg, trừ các chi phí sản xuất, ông Phúc còn lãi hơn 30 triệu đồng/ha.
Ông Phúc chia sẻ: Nếu công trình cống âu thuyền Ninh Quới chưa hoạt động, nguồn nước mặn từ cống Hộ Phòng, thị xã Giá Rai tràn về xâm nhập mặn trở thành nỗi lo thường niên mỗi khi mùa khô đến, để ngăn mặn, người dân địa phương phải đắp đập tạm như không đủ nước ngọt bơm xuống ruộng. Kể từ khi cống Âu Thuyền Ninh Quới ngăn mặn được đưa vào sử dụng thì tình trạng ngập mặn hầu như không xảy ra, cây trồng phát triển tốt, cho thu hoạch giúp đời sống của gia đình anh ngày càng được cải thiện. Bà con ở đây rất yên tâm bởi có nguồn nước ngọt, vụ nào trồng lúa cũng trúng mùa”, ông Phúc bộc bạch.
Nông dân tỉnh Bạc Liêu trồng lúa có thu nhập cao nhờ có hệ thống đê bao khép kín. Ảnh: Nguyên Du
Phó chủ tịch UBND xã Ninh Quới A Nguyễn Văn Khởi cho biết, trước đây khi chưa có cống, mỗi khi vào vụ lúa đông xuân và vụ hè thu địa phương phải cho đắp đập lại vì sợ nước mặn xâm nhập nội đồng. Do đó, không thể lấy nước ngọt từ kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp về, chủ yếu là sử dụng nguồn nước tích trữ từ các kênh, rạch bên trong đập.
Theo Phó chủ tịch xã Ninh Quới A, sau khi cống âu thuyền Ninh Quới được xây dựng, các tuyến kênh xung quanh cũng được đầu tư các cống nhỏ và bê tông hóa đồng bộ giúp kiểm soát mặn rất hiệu quả. Việc vận hành các cống luôn được chủ động để lấy nước theo lịch điều tiết nước của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đều đặn 2 tuần/lần. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của bà con địa phương rất thuận lợi.
Cống âu thuyền Ninh Quới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) quyết định đầu tư, được khởi công xây dựng vào cuối tháng 11/2018 và dự kiến hoàn thành tháng 4/2021. Tuy nhiên, do tính chất cấp bách nên chủ đầu tư đã đẩy nhanh tiến độ và đưa công trình vào sử dụng sớm hơn 1 năm so với dự kiến ban đầu. Từ khi đưa vào sử dụng tháng 1/2020, hệ thống cống âu thuyền Ninh Quới đã phát huy hiệu quả các tính năng, bảo vệ vùng ngọt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Những cánh đồng lúa ở thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu đầy ắp nước nhờ có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh. Ảnh: Nguyên Du
Theo ông Ngô Nguyên Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, khi cống âu thuyền Ninh Quới được đóng lại, nước mặn sẽ không xâm nhập đến vùng ngọt chuyên sản xuất lúa của thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng), ngược lại sẽ được đẩy vào sâu khu vực nuôi trồng thủy sản của huyện Hồng Dân (Bạc Liêu). Quá trình điều tiết nước sẽ đáp ứng được lượng nước cũng như độ mặn phù hợp cho khu vực sản xuất lúa - tôm tại Ngã Ba Đình, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A, Lộc Ninh, huyện Hồng Dân.
Tuy không phải là tỉnh ven biển nhưng hằng năm vào mùa khô, tỉnh Hậu Giang cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Công trình cống âu thuyền Ninh Quới được xây dựng trên tuyến kênh xáng Quản Lộ - Phụng Hiệp, thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đã góp phần rất lớn trong việc điều tiết, kiểm soát nước ngọt và nước mặn phục vụ trồng lúa và nuôi trồng thủy sản của người dân ở vùng giáp ranh các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang.
Ông Phạm Văn Nho, nông dân ở xã Hỏa Tiến, thành Phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, bộc bạch: Vùng đất ông đang ở trước đây phần lớn được trồng khóm do nhiễm phèn và hàng năm phải chống chọi với mặn xâm nhập. Vậy mà giờ đây không chỉ trồng lúa, người dân còn trồng được cây ăn trái cho thu nhập khá.
Tường thành bảo vệ vùng ngọt
Một công trình thủy lợi khác được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đầu tư tại tỉnh Kiên Giang là hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé với tổng mức đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Công trình được kỳ vọng kiểm soát nguồn nước mặn, lợ, ngọt, tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn – lợ, ngọt – lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi hơn 384.000 ha của 5 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng.
Cống Cái Lớn. Ảnh: Nguyên Du
Từ khi đưa vào vận hành từ mùa khô năm 2021 đến nay, hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé đã góp phần điều tiết nguồn nước, kiểm soát mặn hiệu quả, phục vụ tốt cho các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, ngọt - lợ luân phiên, mặn - lợ.
Kiên Giang là tỉnh được hưởng lợi nhiều nhất từ công trình này vì có đến 7/15 huyện thuộc vùng Dự án với diện tích hơn 247.000 ha, chiếm 64,1% diện tích 5 tỉnh thuộc vùng Dự án hệ thống công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé. Địa phương đã tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng mỗi năm do không phải đắp hàng trăm đập tạm để kiểm soát mặn, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa không ảnh hưởng đến giao thông thủy do việc đắp đập tạm gây ra, góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Ngoài các công trình thủy lợi lớn do Trung ương đầu tư, những năm qua, các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi tại địa phương nhằm để phát triển sản xuất, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tại tỉnh ven biển Sóc Trăng, cống âu Rạch Mọp với tổng mức đầu tư 900 tỷ đồng cũng đã hoàn thành và đưa vào vận hành tạm thời để thực hiện công tác phòng, chống hạn mặn phục vụ sản xuất, dân sinh mùa khô năm 2024-2025.
Cống âu Rạch Mọp. Ảnh: Nguyên Du
Bước đầu công trình đã giúp kiểm soát mặn, giữ ngọt tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững cho vùng diện tích tự nhiên trên 19.000 ha trên địa bàn huyện Kế Sách, Châu Thành, Long Phú, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Giảm thiểu ảnh hưởng do hạn mặn gây ra và tạo nguồn hỗ trợ cấp nước ngọt ứng phó trong các đợt mặn lên cao trên sông Hậu cho diện tích tự nhiên trên 36.700 ha địa bàn huyện Kế Sách, Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) và huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang). Công trình này cũng sẽ giúp tăng khả năng luân chuyển dòng chảy; nâng cao hiệu quả thau chua, rửa phèn và tiêu thoát nước, cải thiện môi trường vùng dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng ông Trần Văn Lâu cho rằng: "Cống âu Rạch Mọp hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần rất lớn trong trữ ngọt, phục vụ sản xuất của người dân. Ngoài ra nhu cầu của tình còn rất lớn để đầu tư xây dựng cống đảm bảo về chiến lược nguồn nước lâu dài. Được đầu tư hệ thống như vậy, Sóc Trăng sẽ đảm bảo được nguồn nước, trữ ngọt để phục vụ cho người dân và phát triển sản xuất, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới".
Nguyên Du