Là địa bàn có diện tích lớn, với đặc thù là địa phương có số lượng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều nhất của Hà Nội, huyện Ba Vì cũng đã đề xuất việc hợp nhất các xã trên cơ sở tôn trọng và bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc.
Với Lương y Triệu Thị Thanh - người đã tiếp nối cha ông để tạo nên những bài thuốc nam gia truyền nổi tiếng của dân tộc Dao, sinh ra tại vùng núi non Ba Vì nên khi có chủ trương hợp nhất cả ba xã Ba Vì, Khánh Thượng và Minh Quang để thành một xã mới nhưng vẫn giữ tên Ba Vì - điều đó làm cho bà cảm thấy rất vui và đồng tình.
Bà Triệu Thị Thanh (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) chia sẻ: "Chất riêng, phong tục tập quán của xã Ba Vì vẫn được giữ lại. Chúng tôi cảm thấy rất vinh dự vì hiện tại vẫn được mang tên là xã Ba Vì".
Cùng chung tâm trạng như bà Thanh, ông Dương Trung Liên (xã Ba Vì, huyện Ba Vì) cũng vui mừng khi xã Ba Vì với 100% dân tộc Dao được hợp nhất với với Khánh Thượng và Minh Quang - nơi có dân tộc Mường và Kinh. Đây là 3 xã cùng uống chung dòng nước sông Đà, cùng ngắm nhìn ngọn núi Tản, nên dù là 3 dân tộc khác nhau nhưng cũng có nhiều nét tương đồng. Việc sắp xếp này giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hành chính - khi chỉ phải di chuyển vài cây số thay vì hơn 20km như trước kia.
Ông Dương Trung Liên cho biết: "Trong giai đoạn hiện nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về việc sáp nhập, tinh giảm biên chế, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tôi thấy những chính sách này rất phù hợp".
Gia đình ông Nguyễn Văn Cường (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) chính là hộ dân cuối cùng được tổ công tác xã Khánh Thượng đến xin ý kiến. Do ông có việc vắng nhà nên chính quyền đã liên lạc để gặp được ông xin ý kiến trước chiều nay. Với địa bàn rộng, dân cư thưa thớt và đặc thù trồng cây dược liệu, nên tổ công tác đã phân chia người đến nhà dân vào cả buổi tối hoặc xuyên trưa để gặp được bà con nhân dân xin ý kiến.
Ông Nguyễn Văn Cường cho hay: "Tôi thấy Nhà nước triển khai công tác chuyển đổi số để phục vụ cho việc sáp nhập và tinh gọn bộ máy rất thuận tiện và hiệu quả".
Huyện Ba Vì hiện có 29 xã/thị trấn với dân số khoảng trên 320 ngàn người, trong đó trên 28.000 người là dân tộc thiểu số. Theo dự kiến, sau sắp xếp, Ba Vì sẽ có 8 đơn vị hành chính cơ sở. Ngoài địa danh Ba Vì, còn có 6 xã mới sử dụng tên xã cũ hoặc chọn các địa danh đặc trưng để đặt tên như Suối Hai hay Quảng Oai. Địa phương này cũng giữ nguyên đơn vị hành chính Minh Châu - xã đảo duy nhất của Thủ đô Hà Nội.
Theo kết quả tổng hợp, vào 16h hôm nay, 100% các xã trên địa bàn huyện Ba Vì đã thực hiện xong việc lấy ý kiến cử tri về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, trong đó, trên 99% đồng ý với phương án sắp xếp và 98% đồng ý với tên gọi xã mới.
Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì chia sẻ: "Với đặc thù địa bàn Ba Vì rộng và dân cư sống phân tán, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương, các tổ công tác không quản ngại ngày đêm sẽ trực tiếp đến nhà dân lấy ý kiến".
Ngay sau khi hoàn tất lấy ý kiến nhân dân trong ngày 20/4, UBND các xã/thị trấn sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả gửi Hội đồng nhân dân cùng cấp và UBND huyện. UBND huyện Ba Vì sẽ tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện báo cáo gửi UBND Thành phố Hà Nội trước ngày 22/4.
Khiếu Hương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/dong-bao-dan-toc-cho-y-kien-ve-sap-xep-xa-tai-ba-vi-323888.htm