Đồng bào DTTS nhận khoán, bám rừng

Đồng bào DTTS nhận khoán, bám rừng
5 giờ trướcBài gốc
Đồng bào Phan Dũng cùng lực lượng kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuy Phong (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Lâm Đồng), toàn xã Phan Dũng (cũ), nay thuộc xã Tuy Phong có 135 hộ đồng bào dân tộc Raglai tham gia nhận khoán bảo vệ rừng theo Nghị quyết 18, với diện tích trên 4.000 ha, thuộc đối tượng rừng sản xuất. Theo các hộ đồng bào DTTS nhận khoán bảo vệ rừng tại đây, với công việc được giao, họ thường xuyên tuần tra, kiểm tra ngăn chặn các hành vi gây thiệt hại đến tài nguyên rừng như chặt phá rừng, đốt than, phá rừng làm nương rẫy, lấn chiếm rừng. Đồng thời, chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng… Ông Mang Hanh – hộ nhận khoán gần 30 năm tại rừng Phan Dũng cho biết: “Thực tế diện tích quản lý bảo vệ rừng rộng, địa hình hiểm trở, phức tạp, trong khi mức kinh phí giao khoán còn thấp (300.000 đồng/ha/năm). Khi hay tin vào cuối tháng 6/2025, HĐND tỉnh Bình Thuận (cũ) đã thông qua việc điều chỉnh Nghị quyết 18, nâng mức kinh phí khoán bảo vệ rừng từ 300.000 đồng lên 500.000 đồng/ha/năm, bà con ở đây rất mừng vì sẽ có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.
Ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Trưởng BQL RPH Tuy Phong chia sẻ: “Thông qua việc nhận khoán, đã tăng cường, bổ sung lực lượng bảo vệ rừng, nâng cao ý thức của người dân, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Qua đó, chất lượng rừng được nâng lên, độ che phủ rừng ngày càng tốt hơn, số vụ phá rừng ở Phan Dũng ngày càng giảm”.
Theo đánh giá của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bình Thuận (cũ): Chỉ tính trong năm 2024, có 1.665 hộ đồng bào DTTS đã tham gia nhận khoán với tổng diện tích đất có rừng của Bình Thuận (cũ) chuyển tiếp trên 49.700 ha, với tổng kinh phí thực hiện hơn 17 tỷ đồng. Kết quả qua 3 năm tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng theo Nghị quyết số 18 và các chương trình, dự án khác đã tăng cường lực lượng bảo vệ rừng, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào DTTS trong tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh, Nghị quyết 18 là chính sách đặc thù của tỉnh. Hiện nay, diện tích rừng của toàn tỉnh khá lớn, trong đó diện tích rừng giao khoán cho đồng bào DTTS chiếm khoảng 60% diện tích toàn tỉnh, góp phần giảm đáng kể tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng. Trong quá trình thực hiện nghị quyết, bà con đã nhận kinh phí đầy đủ, hỗ trợ phần nào sinh kế, cải thiện đời sống.
Theo đánh giá của Sở Dân tộc và Tôn giáo Bình Thuận (cũ), tiếp nối các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS như Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XI), Chương trình mục tiêu Quốc gia (Chương trình 135) của Chính phủ, Nghị quyết 18 của HĐND tỉnh và lồng ghép các chính sách hỗ trợ khác của Nhà nước, hiện nay các mặt sản xuất và đời sống của đồng bào có sự đổi thay rõ rệt. Trong đó, sự ra đời của chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết số 18/2022/NQ- HĐND ngày 18/11/2022 của HĐND tỉnh Bình Thuận (cũ) là chính sách ưu việt, nổi trội mà duy nhất chỉ tỉnh Bình Thuận (cũ) mới có.
Minh Vân
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/dong-bao-dtts-nhan-khoan-bam-rung-381120.html