Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025, trong đó có quy định về đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Theo đó, Điều 98 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định Đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu: người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên.
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/1/2021 và đủ 20 năm đóng thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ. Ảnh minh họa: Thủy Trúc.
Mức lương hưu hàng tháng của đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện, được tính như sau:
Đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;
Đối với lao động nam bằng 45% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hàng tháng bằng 40% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 cũng quy định chuyển tiếp. Cụ thể là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/1/2021 và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ, trừ trường hợp người lao động có nguyện vọng hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 98 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.
Như vậy, từ ngày 1/7/2025, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 1/1/2021 và đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trở lên thì được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.
Thủy Trúc