Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và dân vận Tỉnh ủy thăm chúc Tết Chol Chnam Thmay đến đồng bào Khmer và đại đức Thạch Sa Huỳnh, trụ trì chùa Hoa Sơn (thành phố Long Khánh). Ảnh: Sông Thao
Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer là một trong những hoạt động văn hóa truyền thống góp phần làm phong phú thêm văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Đồng Nai.
Gần 24 ngàn người Khmer tại Đồng Nai vui Tết
Cùng với 1,2 triệu đồng bào Khmer trong cả nước, gần 24 ngàn người Khmer tại Đồng Nai sẽ bắt đầu các hoạt động vui Tết từ ngày 13 đến 20-4.
Đại đức Thạch Sa Huỳnh, trụ trì chùa Hoa Sơn, người có uy tín trong đồng bào Khmer tại thành phố Long Khánh, cho biết ngoài đón Tết Nguyên đán của đồng bào dân tộc Kinh, đồng bào Khmer còn có Tết riêng vào tháng 3 âm lịch là Tết Chol Chnam Thmay. Thời điểm diễn ra Tết năm nay hầu hết rơi vào ngày làm việc trong tuần nên bà con sẽ tập trung vui Tết tại chùa vào chủ nhật ngày 13-4.
Theo Giám đốc Sở Dân tộc và tôn giáo NGUYỄN VĂN KHANG, thời gian qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, chức sắc chức việc các chùa Khmer đã tham gia tích cực vào việc khuyến khích mọi người hướng thiện, chấp hành quy định của pháp luật, quy ước của cộng đồng nơi sinh sống và tham gia đóng góp tích cực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Theo đó, từ 6h đến trước 12h trưa của ngày Tết đầu tiên, bà con cúng dường và sinh hoạt tại chùa. Trong thời gian chờ đến thời khắc giao thừa, các sư hướng dẫn bà con thực hiện lễ cầu an, cầu siêu cho người đã khuất, thực hiện nghi thức tắm Phật, rải nước cho người dự lễ. Sau phần lễ là chương trình văn nghệ truyền thống của đồng bào Khmer với biểu diễn nhạc ngũ âm, múa lâm thôn, các trò chơi dân gian. Thời gian còn lại, bà con sinh hoạt tại nhà hoặc tiếp tục đến chùa thăm viếng, vui chơi.
Theo chị Danh Thị Phước Hiếu (phường Phú Bình, thành phố Long Khánh), bà con Khmer tại Đồng Nai rất đông, sống rải rác khắp nơi nên hiếm có cơ hội tập trung để gặp gỡ, giao lưu. Do vậy, dịp Tết là thời điểm mọi người cố gắng tìm về chùa - nơi diễn ra hoạt động Tết để trò chuyện, giao lưu cùng nhau.
Chung tay lo Tết
Tại Đồng Nai, bà con Khmer sẽ tập trung về chùa Hoa Sơn (thành phố Long Khánh) và Thái Hòa (huyện Định Quán) để đón mừng năm mới. Vậy nên, những ngày qua, hoạt động chuẩn bị Tết ở 2 ngôi chùa này diễn ra rất sôi nổi.
Đồng bào Khmer huyện Định Quán luyện tập biểu diễn dàn nhạc ngũ âm tại chùa Thái Hòa (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) để biểu diễn trong dịp Tết.
Thượng tọa Thích Pháp Tân, trụ trì chùa Thái Hòa, chia sẻ thị trấn Định Quán có trên 200 người Khmer sinh sống. Các xã, thị trấn của huyện đều có gia đình đồng bào Khmer sinh sống nhưng không nhiều. Riêng số lượng sư tại 2 ngôi chùa Khmer tại Đồng Nai rất ít. Do vậy, Tết là dịp cả cộng đồng cùng tranh thủ thời gian rảnh đến phụ các sư trang hoàng quang cảnh, lau dọn tượng thờ…
Còn theo đại đức Thạch Sa Huỳnh, ở khu vực chùa tọa lạc có gần 500 đồng bào Khmer sinh sống và một số gia đình khác sống rải rác ở các xã, phường ở thành phố Long Khánh, Cẩm Mỹ, Thống Nhất. Ngoài việc tập trung tại chùa đón Tết, đồng bào Khmer còn có truyền thống ăn cùng nhau trong ngày đầu của Tết. Do số lượng các sư ở chùa rất ít, điều kiện vật chất để chuẩn bị phần ăn cho hàng trăm người trong một lần bị hạn chế nên mỗi gia đình tự nấu món ăn tại nhà rồi đem đến chùa để cúng dường chư tăng. Sau đó, số thực phẩm này được các sư tặng cho mỗi người và cùng nhau ăn tại chùa.
Đồng Nai hiện có 154 cá nhân được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số này, dân tộc Khmer có 3 cá nhân được công nhận là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, gồm: ông Thạch Vương (huyện Xuân Lộc), đại đức Thạch Sa Huỳnh (thành phố Long Khánh) và ông Lâm Chơn Nam (huyện Định Quán).
Ngoài ra, theo người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer Lâm Chơn Nam, nét sinh hoạt không thể thiếu trong dịp Tết của đồng bào là dàn nhạc ngũ âm. Mỗi dịp Tết, ngoài dàn nhạc chính thức thì cộng đồng ai có khả năng cũng có thể ráp nối lại để biểu diễn phục vụ cộng đồng.
Ngoài sự chủ động của chính đồng bào Khmer, theo thượng tọa Thích Pháp Tân, một nét đặc biệt trong mỗi dịp Tết Chol Chnam Thmay, chính quyền địa phương hỗ trợ nhà chùa giữ gìn an ninh trật tự và chuẩn bị các hoạt động đón Tết. Đồng thời, nhà chùa cùng bà con đón nhiều đoàn công tác các cấp và các dân tộc bạn đến thăm, chúc Tết. Điều này thể hiện được tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào Khmer.
Sông Thao