Đồng bào thiểu số chuyển mình nhờ nuôi con 'ăn cơm đứng'

Đồng bào thiểu số chuyển mình nhờ nuôi con 'ăn cơm đứng'
15 giờ trướcBài gốc
Dòng Krông Nô cuồn cuộn khởi nguồn từ dãy Chư Yang Sin (Đắk Lắk) băng qua đại ngàn Trường Sơn đổ sang tỉnh Đắk Nông, vòng tới địa phận Lâm Đồng lại trở nên hiền hòa. Phù sa bồi lắng hai bên bờ sông như nguồn sữa mẹ, nuôi nấng cây cối tốt tươi ngay cả khi vào cao điểm mùa khô Tây Nguyên. Dưới bàn tay cần mẫn của các dân tộc thiểu số nơi đây (Mnông, Kho, Hmông, Thái, Dao…), Đạ Mrông (nay thuộc xã Đam Rông 3) nghèo khó ngày nào nay đã chuyển mình mạnh mẽ. Xã Đam Rông 3 bây giờ không chỉ có cà phê, bắp, lúa… nhiều loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ, xoài… đã dần phủ xanh những nương rẫy lâu nay bị bỏ hoang hóa.
Có lẽ, xã Đam Rông 3 cũng là địa phương duy nhất của tỉnh Lâm Đồng đưa nghề trồng dâu nuôi tằm vào Nghị quyết chuyên đề về xóa đói giảm nghèo. Đó là một quyết định táo bạo nhưng đã chứng minh là đúng đắn. Táo bạo bởi lẽ, lúc bấy giờ, các dân tộc thiểu số nơi đây rất sợ con tằm. Bà con coi đó là “sâu lớn trần trụi không biết mặc áo”, hiếm ai dám mạnh dạn nuôi trong nhà để phát triển kinh tế. Đúng đắn thì đã thấy rõ, thực tế hiệu quả đem lại từ nghề trồng dâu nuôi tằm ở xã Đam Rông 3 đã được chứng minh.
Nghề trồng dâu nuôi tằm đã giúp nhiều gia đình dân tộc thiểu số ở xã Đam Rông 3 thoát nghèo.
Theo ông Liên Hót Ha Hai, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông (cũ), hiện là Bí thư Đảng ủy xã Đam Rông 3, để con tằm đến với từng gia đình, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo của địa phương, để Nghị quyết trồng dâu nuôi tằm đi vào cuộc sống, cả hệ thống chính trị đã cũng vào cuộc. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, các lớp đào tạo nghề, chuyển giao kỹ thuật được mở ra, những nông dân ưu tú được đưa đi tham quan thực tế mô hình trồng dâu nuôi tằm ở các địa phương khác. Khi lòng dân đã ổn, không còn sợ con tằm thì những mô hình đầu tiên cũng được triển khai trong sự quan tâm, chăm bẵm tỉ mỉ của các cấp chính quyền, đoàn thể. Và cứ thế, từng bước, những nương dâu ngát xanh được nối dài, những nong tằm trắng xóa được nhân lên và nỗi sợ con tằm của ngày nào cũng đã trở thành dĩ vãng.
Đôi tay thoăn thoắt hái lá dâu, chị Liêng Jrang K Brao (xã Đam Rông 3) cho biết, trước đây gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, chỉ phụ thuộc vào mấy sào bắp trên rẫy, đời sống rất khó khăn, quanh năm thiếu đói. Được các thành viên trong HTX dâu tằm Đạ Mrông hỗ trợ, hướng dẫn, chị đã học được nghề trồng dâu, nuôi tằm và từ đó gia đình cũng khá hẳn lên. Bây giờ, một lứa tằm chị Liêng Jrang K Brao nuôi khoảng 16 ngày, bán được hơn 10 triệu. So với lên nương làm rẫy, nghề nuôi tằm nhẹ nhàng hơn và nhất là “tiền tươi thóc thật” khi bán. Những lúc không phải tới trường học, mùa hè hay ngày nghỉ cuối tuần, các con của chị cũng phụ giúp gia đình đi hái lá dâu, nuôi tằm mà không vượt quá sức lao động như lên rẫy làm cỏ, trỉa bắp như trước đây. Từ ngày các con được nghỉ hè, gia đình chị Liêng Jrang K Brao đã tăng sản lượng nuôi tằm, vì thế thu nhập cũng khá lên rõ rệt.
Chị Ma Rương, cán bộ khuyến nông xã Đam Rông 3 là một trong những người tiên phong với nghề nuôi tằm. Từ năm 2016 tới nay, trung bình mỗi tháng gia đình chị xuất bán một lứa tằm.Được Đảng và Nhà nước quan tâm, công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nghề nghiệp tại xã Đam Rông 3 đang được đẩy mạnh. Trong đó, nghề trồng dâu nuôi tằm được xác định là nghề chủ chốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đời sống nhân dân được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo tại xã Đam Rông 3 đã giảm mạnh theo từng năm.
Tỉ lệ hộ nghèo khi huyện Đam Rông (cũ) mới thành lập (năm 2004) chiếm đến gần 80%, đến nay tỉ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 7%, rơi vào những gia đình neo đơn, bệnh tật hiểm nghèo, đông con cháu. Nay đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi, không chỉ trong phát triển kinh tế, mà còn thay đổi cả trong nhận thức, cái ăn, cái nghĩ. “Trước đây, bà con sản xuất nông nghiệp với nghề trồng trọt mang tính chất nhờ trời, phụ thuộc vào may rủi, nhỏ lẻ và tự cung tự cấp là chính. Giờ đây, bà con sản xuất hướng tới thương mại, quy mô lớn hơn, biết tích lũy, biết vận dụng khoa học kỹ thuật, biết lựa chọn trồng cây nuôi con có giá trị kinh tế cao, mà cây dâu nuôi tằm là một điển hình của sự hiệu quả!..”, ông Liêng Hót Ha Hai cho biết.
Khắc Lịch
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/kinh-te/dong-bao-thieu-so-chuyen-minh-nho-nuoi-con-an-com-dung-i774261/