Một trong những điểm mới quan trọng của Luật BHXH 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, là giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm.
Quy định này được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực để người lao động ở lại hệ thống BHXH thay vì rút một lần.
Giảm kỷ lục người lao động rút BHXH một lần
Thực tế chính sách mới này dù chưa có hiệu lực nhưng đã tác động tích cực đến người lao động.
Theo số liệu mới nhất của BHXH Việt Nam, trong ba tháng đầu năm 2025, cả nước có 267.493 người nhận BHXH một lần, giảm gần 70.000 người, tương đương 26,17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, sự sụt giảm mạnh này không chỉ là một con số thống kê đơn thuần, mà phản ánh sự thay đổi trong tư duy của người lao động. Họ bắt đầu nhận thức rõ hơn về lợi ích dài hạn của việc duy trì đóng BHXH để được nhận lương hưu thay vì chọn nhận tiền một lần.
Việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để được nhận lương hưu có nhiều tác động tích cực. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.
Việc giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để được nhận lương hưu có ý nghĩa lớn với những lao động lớn tuổi, tham gia BHXH ngắn, hoặc người từng rời khỏi hệ thống và muốn quay lại.
Ngoài ra, theo Luật BHXH mới, trong trường hợp người lao động nếu đã đến tuổi hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH, nhưng không rút BHXH một lần, vẫn có thể nhận trợ cấp hưu trí bổ sung, tối thiểu 500.000 đồng/tháng.
Từ 2025 chỉ được rút BHXH một lần trong trường hợp đặc biệt
Theo BHXH Việt Nam, việc rút BHXH một lần khi nghỉ việc có thể giúp người lao động giải quyết khó khăn tài chính tạm thời, nhưng đồng nghĩa với việc mất đi nhiều quyền lợi dài hạn, nhất là chế độ hưu trí.
Khi rút một lần, người lao động không còn cơ hội hưởng lương hưu – nguồn thu ổn định khi về già, cũng như mất quyền lợi từ thẻ BHYT ưu đãi (quỹ BHYT chi trả tới 95% chi phí khám chữa bệnh).
Ngoài ra, thân nhân người lao động cũng không được hưởng trợ cấp tuất và mai táng khi họ qua đời.
Bắt đầu từ ngày 1/7/2025, việc rút BHXH một lần sẽ bị siết chặt, chỉ áp dụng trong các trường hợp đặc biệt như: người mắc bệnh hiểm nghèo, người ra nước ngoài định cư, người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người khuyết tật đặc biệt nặng,...
Một chuyên gia nhận định, Luật mới mềm ở chỗ tạo thêm cơ hội để nhận lương hưu, nhưng cũng cứng rắn hơn trong việc ngăn dòng tiền rút ra sớm khỏi hệ thống. Điều này buộc người lao động phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định rút hay tiếp tục tham gia BHXH.
Vũ Điệp