Đồng bộ đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Đồng bộ đổi mới Kỳ thi tốt nghiệp THPT
20 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa INT.
Qua đó giảm áp lực cho thí sinh. Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên của tiến trình đổi mới có một số điều chỉnh về phương thức và nội dung đề thi theo hướng bám sát mục tiêu kiểm tra năng lực và phẩm chất của người học.
Nhiều năm đảm nhiệm Trưởng điểm thi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT, thầy Phạm Đình Kha - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Chí Công (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) kể, lúc nào cũng phải nhắc bộ phận y tế chuẩn bị một số loại thuốc như viên C sủi, đường… Nhiều thí sinh bị hạ đường huyết, ngất xỉu khi làm bài thi môn Sinh học, môn thi cuối cùng của bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên.
“Làm liên tục 3 bài thi nên đến môn thi cuối, nhiều em không đủ sức khỏe cũng như sự tập trung cao độ để làm bài một cách tốt nhất. Chính vì vậy, giảm 1 buổi so với trước đây; trong đó bài thi tự chọn chỉ còn 2 môn so với 3 môn như trước đây, thí sinh được giảm áp lực rất lớn. Chưa kể là chi phí xã hội cũng được giảm đáng kể”, thầy Kha nhận xét.
Sẵn sàng cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước, Bộ GD&ĐT đã có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa và kỹ lưỡng. Vì vậy, những điểm mới trong quy chế thi hay cấu trúc đề thi… đều không quá xa lạ với giáo viên và học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn quốc được Bộ GD&ĐT tập huấn về ra câu hỏi thi, tổ chức thi; tăng cường thử nghiệm trên phạm vi rộng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các khâu của kỳ thi…
Mục tiêu dạy - học của các nhà trường không thay đổi nhiều sau khi Bộ chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2025. Từ năm học 2023 - 2024, đề kiểm tra định kỳ của các trường THPT đã xây dựng theo cấu trúc 70% câu hỏi trắc nghiệm và 30% câu hỏi tự luận. Dạng câu hỏi điền khuyết, lựa chọn đúng sai vẫn có trong đề kiểm tra, tuy nhiên số lượng câu hỏi không nhiều.
Với việc tăng số lượng câu hỏi trắc nghiệm theo hình thức điền khuyết và lựa chọn đúng sai, cô Nguyễn Thị Hà Cẩm - giáo viên Toán, Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) chia sẻ, trong quá trình dạy - học, cần hướng cho học sinh nắm được nội dung kiến thức cốt lõi cần ghi nhớ và có khả năng tự diễn đạt lại một cách ngắn gọn thì bài làm mới đạt yêu cầu. Dạng câu hỏi đúng sai hay điền khuyết đòi hỏi học sinh phải tư duy tốt mới làm đúng chứ không phải khó quá dựa vào may rủi như 100% trắc nghiệm.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có sự điều chỉnh, tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình, từ 30% lên 50%. Điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây. Theo đánh giá của nhiều cán bộ quản lý, điều này là sự ghi nhận nỗ lực của các trường học trong tổ chức quản lý, dạy - học và cơ hội của các trường như nhau, loại trừ được tâm lý trường tốp đầu hay trường “cao”, trường “thấp” dù có thể điểm tuyển sinh đầu vào có sự chênh lệch.
“Nếu trường nào có quy trình xây dựng cấu trúc đề kiểm tra, mã đặc tả… để xây dựng ngân hàng đề đủ tốt trong kiểm tra - đánh giá và tổ chức dạy - học tốt, có sự bám sát theo mức độ tiếp nhận của học sinh… thì cơ hội nâng chất lượng Kỳ thi tốt nghiệp THPT của các trường như nhau”, thầy Phạm Đình Kha phân tích. Chưa kể việc tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình sẽ có cơ sở để đánh giá sát hơn về năng lực người học theo Chương trình GDPT 2018 (gồm nhiều năng lực khác mà bài thi tốt nghiệp không đánh giá hết).
Ngành Giáo dục các địa phương, đặc biệt trường THPT có bước chạy đà từ hai năm trước trong dạy - học, kiểm tra đánh giá để đáp ứng kỳ thi quan trọng này. Bộ GD&ĐT đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà trường, xã hội. Điều này chắc chắn sẽ góp phần quan trọng cho thành công của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 - kỳ thi đầu tiên của Chương trình GDPT 2018.
Hà Nguyên
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/dong-bo-doi-moi-ky-thi-tot-nghiep-thpt-post713563.html