Động thái này đánh dấu giai đoạn cuối cùng của quá trình đồng bộ hóa với Mạng lưới châu Âu lục địa (CEN) nhằm củng cố an ninh năng lượng trong khu vực rộng lớn hơn.
Các nước vùng Baltic đã cải tạo cơ sở hạ tầng và xây dựng đường dây điện mới khi đồng bộ hóa với lưới điện châu Âu.
Quá trình đồng bộ hóa không dừng lại ở một dự án kỹ thuật, đây là cột mốc quan trọng trong nỗ lực hội nhập châu Âu của vùng Baltic. Để bảo đảm hệ thống điện của các quốc gia vùng Baltic không nằm dưới sự ảnh hưởng của Nga, Liên minh châu Âu (EU) vừa phối hợp, vừa hỗ trợ tài chính với tổng ngân sách tới 1,6 tỷ euro, trong đó có 1,2 tỷ euro do EU tài trợ.
Hệ thống năng lượng BRELL, được phát triển từ thời Liên Xô, kết nối các lưới điện của Belarus, Nga, Litva, Latvia và Estonia với Hệ thống điện tích hợp/Hệ thống điện thống nhất (IPS/UPS), do trung tâm điều hành tại Mátxcơva điều phối. Tuy nhiên, sau việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 và cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát vào năm 2022, ba quốc gia này đã coi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga là một rủi ro tiềm ẩn và đã lên kế hoạch tham gia mạng lưới điện châu Âu. Họ đã cải tạo cơ sở hạ tầng, xây dựng các đường dây điện mới, tăng cường liên kết với Phần Lan, Thụy Điển và Ba Lan, nâng cấp các nhà máy điện để bảo đảm sự ổn định sau khi ngắt kết nối.
Bộ trưởng Ngoại giao Litva Kestutis Budrys đã tuyên bố trong chuyến thăm Latvia vào tháng trước: “Litva là quốc gia châu Âu đầu tiên từ chối hoàn toàn dầu khí của Nga. Đồng bộ hóa với lưới điện châu Âu lục địa là một thành tựu to lớn đối với tất cả các quốc gia Baltic và là một bước tiến tới khả năng phục hồi năng lượng tốt hơn. Cùng nhau, chúng ta là một ví dụ về sự độc lập về năng lượng khỏi Nga đối với châu Âu. Kỷ nguyên thao túng năng lượng của Nga đã kết thúc”.
Theo các nhà phân tích, việc ba quốc gia vùng Baltic ngắt kết nối với mạng lưới BRELL là một chiến thắng mang tính biểu tượng trước ảnh hưởng của Nga.
Đối với các nước Baltic, độc lập về năng lượng có nghĩa là đa dạng hóa các nhà cung cấp, đa dạng hóa hỗn hợp năng lượng, cũng như khả năng tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn như năng lượng mặt trời, năng lượng gió... Do đó, Estonia, Latvia và Litva đang chuyển đổi sang năng lượng tái tạo với tốc độ nhanh chưa từng có. Năm 2018, ba quốc gia này sử dụng hơn 60% năng lượng điện từ nhiên liệu hóa thạch, nhưng chưa đầy một thập kỷ, đã tiêu thụ 72% điện từ năng lượng tái tạo. Gió tạo ra 28% tổng lượng điện mà các quốc gia vùng Baltic tiêu thụ và với đà này, tương lai năng lượng gió sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa trong hệ thống.
Estonia, Latvia và Litva đang tiến hành đấu giá cho điện gió trên bờ và ngoài khơi và duy trì đà phát triển này theo khuyến nghị của EU. Mục tiêu của EU là đến năm 2030, các thành viên có thể nhập khẩu hoặc xuất khẩu ít nhất 15% lượng điện được sản xuất trên lãnh thổ của mình sang các quốc gia khác.
Các nước Baltic cũng đang nghiên cứu những giải pháp sáng tạo. Estonia lắp đặt radar mới giúp giảm thiểu sự biến dạng từ các trang trại gió, mở rộng diện tích có thể xây dựng từ 10% lên hơn 60%. Latvia nhanh chóng cấp phép môi trường cho 400MW điện gió trên bờ đầu tiên và đang lên kế hoạch cho các dự án khác trong những khu rừng do nhà nước sở hữu. Litva cũng đang tìm kiếm cách mới để điện khí hóa ngành công nghiệp bằng điện từ gió. Một thành phần chính của quá trình đồng bộ hóa là “Harmony Link Interconnector” (Liên kết hài hòa) - một dự án cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng giữa Litva và Ba Lan. Kết nối này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp các quốc gia vùng Baltic vào lưới điện châu Âu mà còn tăng cường năng lực truyền tải năng lượng tái tạo.
Bằng cách tham gia vào lưới điện châu Âu, các quốc gia Baltic đã trở thành một phần của mạng lưới phục vụ hơn 400 triệu khách hàng, giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng bên ngoài. Động thái này cũng phù hợp với chiến lược rộng hơn của EU nhằm phát triển một thị trường năng lượng bền vững và kết nối.
Trong tương lai, các trang trại gió ngoài khơi được xây dựng ở Biển Baltic sẽ cung cấp điện sạch cho các ngành công nghiệp và hộ gia đình ở Trung Âu và Đông Âu, hướng tới các mục tiêu an ninh năng lượng và năng lượng tái tạo lớn hơn của EU.
Thùy Dương