Dòng chảy tín ngưỡng trong thời đại mới

Dòng chảy tín ngưỡng trong thời đại mới
3 giờ trướcBài gốc
Trung tâm thờ Mẫu Thoải của người Việt
Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Tuyên Quang mang đậm dấu ấn của văn hóa vùng cao, với nhiều đặc trưng nơi phát tích của Mẫu Đệ Tam (Mẫu Thoải/Thủy) - vị thần cai quản vùng sông nước. Theo PGS.TS. Dương Thị Thu Hà, Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội, đạo Mẫu ở Tuyên Quang không chỉ là sự tiếp nối của tín ngưỡng thờ Mẫu truyền thống mà còn phản ánh sự hòa quyện giữa các tôn giáo và tín ngưỡng bản địa, với đa dạng các dân tộc như Kinh, Tày, Nùng, Mường, Sán Dìu...
Trong tiềm thức của người dân, Mẫu mang ba ý nghĩa linh thiêng: nguồn sống, giống nòi và hạnh phúc. PGS.TS. Dương Thị Thu Hà phân tích, tục thờ Mẫu Thoải được cho là tín ngưỡng cổ xưa nhất trong đạo Mẫu với ý nghĩa coi nước như người mẹ ban phát nguồn sống cho muôn loài. Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Tuyên Quang gắn liền với truyền thuyết về thời đại Hùng Vương. Các đền thờ Thác Cái, Bắc Mục, Thác Cấm (Hàm Yên), Đầm Hồng (Chiêm Hóa), Hiệp Thuận, đền Thượng, Ỷ La, Thiềm Cung (TP. Tuyên Quang) đều góp phần tô đậm các thần tích, làm phong phú đời sống tín ngưỡng nơi đây.
Di tích quốc gia đền Ỷ La, TP. Tuyên Quang. Ảnh: Nhật Linh
Tín ngưỡng thờ Mẫu “giúp nước trợ dân” thể hiện tại các đền Hiệp Thuận, đền Ỷ La, đền Thượng, gắn liền với truyền thuyết về hai công chúa của vua Hùng là Ngọc Lân và Phương Dung trong một chuyến du ngoạn gặp cơn mưa gió và bay lên trời. Nhân dân lập đền để tưởng nhớ và thờ cúng hai công chúa này. Lễ hội rước Mẫu tại các đền Hạ, Thượng, Ỷ La được tổ chức từ lâu đời, gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu tại ba ngôi đền này…
Chính bởi hệ thống di tích thờ Mẫu dày đặc nên Tuyên Quang còn được nhận định là trung tâm thờ Mẫu Thoải của người Việt. PGS.TS. Dương Thị Thu Hà nêu thêm điểm đặc biệt của đạo Mẫu ở Tuyên Quang là sự kết hợp tinh tế giữa tín ngưỡng dân gian và nghi lễ thờ cúng Phật giáo. Các nghi lễ của đạo Mẫu tại đây thường bao gồm lễ cúng, hát văn, múa rối, nhạc lễ và các điệu múa truyền thống, tạo nên một không gian tâm linh thiêng liêng và ấm áp. “Sự kết hợp này làm cho đạo Mẫu ở Tuyên Quang trở thành một tín ngưỡng dễ tiếp nhận và thích ứng với đời sống tinh thần của nhiều tầng lớp dân cư, đồng thời giữ được sự dung hòa giữa các yếu tố tâm linh và văn hóa bản địa”.
Phát triển du lịch bền vững
Những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu. Tại tọa đàm với chủ đề “Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống người dân Tuyên Quang” ngày 19.2 vừa qua, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La năm 2025 Vũ Quỳnh Loan cho đây là chủ đề không chỉ mang tính học thuật sâu sắc mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Đạo Mẫu không chỉ mang lại sự an yên cho tâm hồn, mà còn có thể trở thành nền tảng cho du lịch tâm linh bền vững - xu hướng quan trọng trong phát triển văn hóa, kinh tế hiện nay. Chính sự kết hợp hài hòa tín ngưỡng này góp phần định hình nét văn hóa đặc sắc giúp Tuyên Quang không chỉ là vùng đất của lịch sử và cách mạng mà còn trở thành điểm đến tâm linh. Vấn đề làm thế nào để các di tích tâm linh vừa là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, vừa trở thành động lực cho du lịch văn hóa bền vững, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương? Theo bà Vũ Quỳnh Loan, đây là điều trăn trở lâu nay của Tuyên Quang trước nguồn lực di sản quý giá này.
Ngày 9 - 15.3 (tức 10 - 16.2 âm lịch) sẽ diễn ra Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La năm 2025, tái hiện đầy đủ các nghi thức rước Mẫu đặc trưng và tế lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Đặc biệt, việc tổ chức lễ hội gắn với nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh đặc trưng của Tuyên Quang. Các hoạt động nhằm mở ra góc nhìn mới, để tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ tiếp tục được bảo tồn mà còn có sức sống mạnh mẽ trong đời sống hiện đại, đóng góp vào sự phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh.
Việc phát triển các tuyến du lịch gắn với đạo Mẫu có thể giúp nâng cao nhận thức về giá trị của tín ngưỡng dân gian, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương. Nhận định như vậy, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên hoạt động chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội, cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, việc phát huy giá trị truyền thống của đạo Mẫu đối mặt với nhiều thách thức. Những vấn đề như biến tướng tín ngưỡng, thương mại hóa lễ hội, sự mai một trong thực hành nghi lễ truyền thống và tác động của du lịch đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về bảo tồn và phát triển bền vững di sản này.
“Cần tránh tình trạng thương mại hóa quá mức, làm mất đi bản chất thiêng của điểm thờ tự. Vì vậy, việc nghiên cứu, đánh giá và đề xuất các giải pháp nhằm phát huy giá trị truyền thống của đạo Mẫu trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang là nhiệm vụ quan trọng. Cần làm một cách bài bản, khoa học, có định hướng, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng trong thời đại mới”, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn nói.
Khôi Nguyên
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/dong-chay-tin-nguong-trong-thoi-dai-moi-post405493.html