Các đại biểu tham dự hội nghị.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh và Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Quốc Hùng đã thông báo dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV; kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh từ sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đến nay và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân tỉnh Hà Nam gửi tới Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Cử tri phường Châu Cầu bày tỏ sự tin tưởng, phấn khởi vào Quốc hội và các ĐBQH tỉnh cũng như kết quả Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đạt được. Đồng thời nêu một số kiến nghị với các ĐBQH: Đề nghị nghiên cứu bổ sung một số quy định của Luật Đất đai năm 2024 để làm cơ sở triển khai thực hiện. Các cử tri đồng tình với các kết luận của Bộ Chính trị về sắp xếp đơn vị hành chính, việc tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, sáp nhập cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập cấp xã.
ĐBQH tỉnh Nguyễn Quốc Hùng tiếp thu, làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị.
Về chế độ chính sách với cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong thực hiện sáp nhập và kết thúc hoạt động của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, cử tri đề nghị Chính phủ tiếp tục áp dụng thực hiện Nghị định 178/NĐ-CP để động viên cán bộ nghỉ trước tuổi do sáp nhập và tinh gọn bộ máy. Việc xử lý sắp xếp cán bộ dôi dư do sáp nhập, tinh gọn bộ máy cần có hướng dẫn quy định cụ thể và có chính sách trọng dụng cán bộ, công chức, viên chức có năng lực thực hiện nhiệm vụ, tránh tình trạng sử dụng người nhà, người có quan hệ với lãnh đạo cơ quan, đơn vị để bỏ mất người tài (chảy máu chất xám).
Về việc tăng lương hưu cho người nghỉ hưu trước ngày 01/7/2024 chỉ tăng 15%, công chức, viên chức… tăng 30%, do đó chế độ hưu của người nghỉ hưu trước ngày 01/7/2024 bị thiệt thòi hơn so với người về hưu sau 01/7/2024, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm điều chỉnh tăng lương cho người nghỉ hưu trước 01/7/2024 để mọi người có mức sống hài hòa.
Cử tri phường Châu Cầu nêu kiến nghị.
Phát biểu trước cử tri địa phương, đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã thông tin thêm tình hình thế giới, của đất nước và của tỉnh. Đồng thời cung cấp nhiều thông tin về việc triển khai thực hiện cuộc cách mạnh tinh gọn bộ máy. Trong đó, nhấn mạnh quyết tâm của Đảng, Nhà nước cũng như của tỉnh trong việc thực hiện chủ trương lớn này. Qua đó bày tỏ mong muốn cử tri và nhân dân địa phương tin tưởng và ủng hộ chủ trương này cũng như các chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần cùng cả nước phát triển, bước vào kỷ nguyên mới…
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã phân tích, làm rõ thêm một số thông tin về sáp nhập tỉnh. Theo đó, sẽ sáp nhập 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình và lấy tên Ninh Bình, trung tâm hành chính đặt tại thành phố Hoa Lư. Tên Ninh Bình chứa đựng nhiều ý nghĩa lịch sử văn hóa sâu sắc. Hai từ Ninh Bình biểu hiện sự bình yên, ổn định, phản ánh mong muốn của người dân có một cuộc sống thanh bình, ấm no, hạnh phúc.
Về vị trí địa lý, Ninh Bình có vị trí chiến lược quan trọng tại khu vực Bắc Trung Bộ, vị trí quan trọng cửa ngõ phía Nam của sông Hồng được ví như cửa ngõ đi vào miền Trung, điểm giao thoa của 3 vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng, duyên hải Bắc Bộ, duyên hải miền Trung và khu vực Tây Bắc của Việt Nam. Ninh Bình có mạng lưới giao thông thuận lợi, trong đó có tuyến đường sắt tốc độ cao, đường cao tốc, tạo điều kiện kết nối 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình.
Về lịch sử, Ninh Bình là vùng đất có bề dày lịch sử lâu đời, trong thời tiền sử vùng đất này là nơi sinh sống của người Việt cổ, minh chứng là các di khảo cổ tìm thấy tại hang Trống, hang Bồ Nâu, những phát hiện này cho thấy Ninh Bình là trung tâm văn hóa rất sớm của người Việt. Ở thời kỳ trung đại Ninh Bình thuộc khu vực Đại Cồ Việt, là quốc gia đầu tiên của người Việt được thành lập bởi Đinh Bộ Lĩnh vào năm 968, thành Hoa Lư nằm trong bộ phận Ninh Bình đã trở thành kinh đô của nước Đại Cồ Việt. Kinh đô Hoa Lư giữ một vị trí quan trọng trong lịch sử Việt Nam với nhiều triều đại lịch sử gắn liền với các triều đại Đinh, Tiền, Lê và đầu thời kỳ nhà Lý.
Về giá trị thương hiệu, Ninh Bình là một điểm nổi tiếng bởi giá trị thương hiệu là sự kết hợp giữa văn hóa lịch sử thiên nhiên độc đáo, điểm đến hấp dẫn đối với du khách, nổi tiếng là danh thắng Tràng An, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thiên nhiên thế giới mang lại giá trị đặc biệt về địa chất, văn hóa. Riêng di sản văn hóa Tràng An mới được các chuyên gia và nhà khoa học ước tính giá trị là 213 tỷ đô la Mỹ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương cân nhắc lựa chọn những vùng đất cổ gắn với truyền thống lịch sử lâu đời để đặt trung tâm, cũng như sự phát triển trong tương lai. Đặc biệt, Ninh Bình là điểm kết nối vùng đồng bằng sông Hồng với vùng Tây Bắc bằng tuyến đường đi Sơn La, Hòa Bình. Kết nối khu vực miền Trung là Thanh Hóa và Nghệ An. Và khi sáp nhập 3 tỉnh chúng ta bổ sung cho nhau điểm mạnh, giảm thiểu những điểm yếu.
Đại diện ĐBQH tỉnh, đồng chí Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, an ninh và Đối ngoại của Quốc hội đã tiếp thu, giải trình làm rõ thêm những nội dung cử tri quan tâm. Các ý kiến của cử tri sẽ được tổng hợp, phân loại và gửi Quốc hội và các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
Trần Thảo