Quang cảnh buổi làm việc.
Tham gia Đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng và lãnh đạo một số cơ quan của Bộ.
Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía tỉnh Ninh Bình có các đồng chí: Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh; Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trương Quốc Huy phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trương Quốc Huy bày tỏ vui mừng khi đồng chí Bộ trưởng và Đoàn công tác của Bộ Xây dựng có buổi làm việc với tỉnh Ninh Bình sau khi hợp nhất 3 tỉnh Ninh Bình - Hà Nam - Nam Định thành tỉnh Ninh Bình và vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đây là cơ hội để tỉnh Ninh Bình xin ý kiến góp ý của Bộ về công tác quy hoạch, quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng của tỉnh. Từ đó tạo dư địa và động lực phát triển mới, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh và cơ hội phát triển với không gian lãnh thổ mới, giúp tỉnh Ninh Bình triển khai tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ, tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần cùng với cả nước thực hiện thành công các mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Đồng thời buổi làm việc là cơ hội để Ninh Bình tham vấn ý kiến nhằm hoàn thiện hơn những định hướng của tỉnh về quy hoạch, đầu tư xây dựng một số công trình giao thông chiến lược, quan trọng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để đưa vào văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2025-2030.
Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Cao Sơn đã báo cáo với Bộ trưởng và Đoàn công tác về đặc điểm tình hình của tỉnh sau sáp nhập và các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Ninh Bình về quy hoạch và đầu tư xây dựng một số công trình giao thông chiến lược quan trọng. Sau khi hợp nhất, tỉnh Ninh Bình mới có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và an ninh - quốc phòng của cả nước; sở hữu tiềm năng phát triển toàn diện trên các lĩnh vực: Du lịch, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Du lịch với không gian mở rộng và khả năng thu hút khách tăng cao. Nông nghiệp có điều kiện mở rộng quy mô, đa dạng sản phẩm. Công nghiệp và dịch vụ phát triển với nguồn lực dồi dào và thị trường lớn hơn.
Cùng với không gian phát triển mới, cho phép khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực, phát huy đầy đủ mọi tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống vùng đất văn hiến và anh hùng, khắc phục những giới hạn của đơn vị hành chính - lãnh thổ gắn với thực hiện tốt mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập sâu rộng, tạo động lực phát triển mạnh mẽ, bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Các đại biểu dự buổi làm việc đã đánh giá cao quan điểm, mục tiêu phát triển của tỉnh trong thời gian tới là tập trung phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, nhất là những cơ hội và động lực với không gian phát triển mới để tiếp tục phát triển theo hướng “Nhanh, Bền vững và Hài hòa”, tăng trưởng kinh tế luôn gắn với phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo công bằng và tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, coi trọng phát huy nguồn lực tự nhiên và nguồn lực văn hóa trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại các ngành kinh tế; tập trung bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên cùng truyền thống tốt đẹp của địa phương làm nguồn lực và động lực phát triển; phát triển đa trung tâm, đa ngành, xây dựng đô thị với đặc trưng riêng, gắn với phát triển hạ tầng chiến lược; phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có công nghiệp hiện đại, dịch vụ du lịch chất lượng cao, đô thị xanh gắn với di sản; nằm trong nhóm 8 tỉnh, thành phố có trình độ phát triển hàng đầu và nhóm 10 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước; năm 2035 là thành phố trực thuộc Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu tại buổi làm việc.
Cũng tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi làm rõ tình hình triển khai các nhiệm vụ của ngành Xây dựng trên địa bàn và một số kiến nghị, đề xuất của tỉnh liên quan đến việc bổ sung Cảng hàng không quốc tế Ninh Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; bổ sung Cảng biển Ninh Bình vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước và vùng nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; sớm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường bộ cao tốc quan trọng đi qua địa bàn tỉnh từ ngân sách Trung ương; bổ sung Dự án Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm khu vực luồng đường thủy nội địa quốc gia sông Đáy vào danh mục dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm trong vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa do Bộ Xây dựng quản lý; chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia tại Ga Ninh Bình cũ; hướng dẫn cách tính chỉ tiêu đô thị hóa khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp; ban hành các quy định về phân loại đô thị, tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị theo phân loại đô thị; hướng dẫn việc lập quy hoạch chung xã (sau sắp xếp) để triển khai cho phù hợp với mô hình phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền địa phương 2 cấp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Quang Ngọc đã đánh giá lại những cơ hội phát triển tỉnh Ninh Bình sau khi sáp nhập và chỉ ra những hạn chế làm cản trở sự bứt phá của tỉnh trong đó có việc thiếu các công trình hạ tầng giao thông đồng bộ để tổ chức không gian phát triển; đề xuất giải pháp xử lý một số công trình không hiệu quả, một số công trình cần mở rộng để phát huy hiệu quả sau đầu tư; đồng thời làm rõ thêm một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh về triển khai thực hiện đầu tư xây dựng một số công trình giao thông chiến lược, quan trọng trên địa bàn như: đường cao tốc, đường tỉnh và hệ thống nút giao, đường kết nối liên thông, đồng bộ; cảng hàng không; cảng nước sâu… sẽ góp phần mở rộng không gian phát triển vùng và liên vùng, kết nối với hành lang kinh tế Bắc - Nam, tạo thành một phần quan trọng của khu vực động lực quốc gia, đặc biệt là trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu kết luận buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Ninh Bình ngay sau khi sáp nhập, đã triển khai công tác quy hoạch, xác định quan điểm, định hướng, mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thực hiện đầu tư xây dựng một số công trình giao thông chiến lược, quan trọng trên địa bàn. Tuy nhiên, để thực hiện được các công trình này, tỉnh cần xây dựng lộ trình phân kỳ đầu tư. Các đơn vị cũng cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh để nghiên cứu các giải pháp thực hiện bao gồm cả giải pháp kỹ thuật và cơ chế, chính sách huy động vốn, trong đó cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác này. Đồng chí cũng đề nghị tỉnh đẩy nhanh triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội song song với đó là tăng cường quản lý thị trường bất động sản để tạo môi trường đầu tư lành mạnh...
Đồng chí Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh qua buổi làm việc đã cung cấp nhiều thông tin để Bộ nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc sau khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cần có sự phối hợp với các ngành để giải quyết các thể chế, chính sách thông thoáng hơn ở địa phương. Đồng thời cũng cho biết trong thời gian tới sẽ có những điều chỉnh nội dung một số luật cho phù hợp với thực tế, tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện, từ đó không chỉ góp phần giải quyết vướng mắc của riêng tỉnh mà cho các địa phương trong cả nước nói chung.
Đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ Xây dựng ghi nhận, tiếp thu, giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xem xét cùng tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sớm bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tỉnh đưa vào triển khai thực hiện, qua đó phát huy tối đa mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, động lực, tăng tốc bứt phá theo mô hình tăng trưởng mới; xây dựng Ninh Bình trở thành cực tăng trưởng phía Nam Đồng bằng sông Hồng.
Nguyễn Thơm-Anh Tuấn