Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Vũ Việt Trang, Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Nguyễn Thanh Lâm, Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Ngô Minh Hiển, Phó tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.
5 cơ quan báo chí chính trị chủ lực gồm: Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc.
Theo các báo cáo từ 5 cơ quan báo chí, từ khi triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW, các cơ quan đã tiến hành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng chủ trương của Trung ương.
Cụ thể, Báo Nhân Dân đã tiếp nhận 51 nhân sự từ Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức từ 25 đơn vị trực thuộc xuống còn 15 đơn vị.
Tạp chí Cộng sản tiếp nhận 19 cán bộ, viên chức từ các Tạp chí Ban Đảng Trung ương, giữ lại cấp phòng ở những đơn vị cần thiết.
Thông tấn xã Việt Nam giảm từ 26 đơn vị cấp Ban xuống còn 22 đơn vị, tập trung phát triển nội dung số và dịch vụ mới.
Đài Truyền hình Việt Nam giảm 6 đơn vị cấp Ban và 45 đơn vị cấp phòng, tiếp nhận chức năng của các đài truyền hình khác.
Đài Tiếng nói Việt Nam sắp xếp bộ máy từ 26 đơn vị cấp phòng xuống còn 21 đơn vị.
Quang cảnh buổi làm việc.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh vai trò tiên phong của 5 cơ quan báo chí chính trị chủ lực trong triển khai Nghị quyết số 18-NQ/TW về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Đồng chí ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp tâm huyết, sâu sắc của các cơ quan báo chí, trong đó có nhiều ý kiến mới, thiết thực, góp phần hoàn thiện thêm các dự thảo và dự kiến kết luận; đồng thời yêu cầu các cơ quan tiếp tục hoàn thiện nội dung đề xuất nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định Đảng và Nhà nước luôn trân trọng, đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để báo chí phát huy tốt vai trò chủ lực trong định hướng dư luận, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước và góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển đất nước.
Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương lưu ý các cơ quan báo chí thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao tính chuyên nghiệp và đa dạng hóa hình thức truyền tải thông tin, khơi dậy tinh thần cách mạng trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các học giả, văn nghệ sĩ, thế hệ trẻ và các nhà nghiên cứu; tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và toàn diện; chủ động cập nhật tình hình mới, nắm bắt thời cơ để định hướng dư luận xã hội, tạo dựng không gian truyền thông lành mạnh, khẳng định vai trò chủ lực của báo chí trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước; đẩy mạnh tuyên truyền các sự kiện lớn của đất nước, đặc biệt là kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, qua đó khẳng định vị trí và sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng qua các thời kỳ.
Theo kế hoạch, các cơ quan báo chí sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, chuyên mục, chuyên đề quan trọng để tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị trong năm 2025, đặc biệt là hướng tới các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2025 và 2026.
Tin, ảnh: HOÀNG VIỆT