Động đất Myanmar: Cảnh tượng hoang tàn, thiếu thốn đủ đường tại tâm chấn Sagaing

Động đất Myanmar: Cảnh tượng hoang tàn, thiếu thốn đủ đường tại tâm chấn Sagaing
7 giờ trướcBài gốc
Tòa nhà bị phá hủy trong trận động đất kinh hoàng ở Mandalay, Myanmar, ngày 28/3/2025. Ảnh: Getty Images/TTXVN
Anh Ko Zeyer phóng xe đi trên con đường nứt toác, các hố sụt khổng lồ và xung quanh là những tòa nhà đổ nát, để trở về quê nhà tại Sagaing — tâm chấn của trận động đất mạnh nhất tại Myanmar trong vòng một thế kỷ qua. Quãng đường từ Mandalay về Sagaing thường chỉ mất 45 phút đi ô tô, băng qua dòng sông Irrawaddy hùng vĩ. Nhưng sau trận động đất cuối tuần trước, hành trình trên đã kéo dài tới 24 tiếng, khi anh phải vượt qua những cây cầu gãy và các công trình sụp đổ.
May mắn hơn nhiều nhiều dân khác tại Myanmar, anh Ko Zeyer đã tìm thấy gia đình mình vẫn trong tình trạng an toàn. Thế nhưng nhiều người bạn của anh đã không còn, và phần lớn thị trấn nơi anh sinh sống giờ chỉ còn là đống đổ nát. Các nhóm cứu hộ địa phương đang cố gắng xoay sở trong tình cảnh thiếu thốn đủ bề. Theo con số công bố gần đây, chính quyền Myanmar xác nhận ít nhất có 3.145 người thiệt mạng sau trận động đất. Tuy nhiên, đó dường như chưa phải là con số cuối cùng khi mà vẫn còn không ít nạn nhân, thi thể chưa thể được phát hiện dưới đống đổ nát.
Hoạt động cứu hộ được tiến hành sau động đất tại Mandalay, Myanmar. THX/TTXVN
“Mùi tử khí bao trùm cả thị trấn”, anh Ko Zeyar, một nhân viên xã hội, chia sẻ. Người dân địa phương cũng kể lại cảnh vội vã chôn cất các thi thể trong những ngôi mộ tập thể.
Trong khi đó, những người sống sót sau thảm họa đang phải xếp hàng dài để nhận đồ ăn và nước uống cứu trợ. Nhiều người phải ngủ ngoài trời trên những tấm chiếu, giữa cái nắng khoảng 37 độ C vào buổi trưa với muỗi vây quanh, trong khi dư chấn vẫn tiếp tục làm rung chuyển khu vực.
“Gần như cả thị trấn đều sống và ngủ ngoài đường, trên các bục cao hoặc sân bóng, cả tôi cũng vậy, vì quá sợ”, anh Ko Zeyer chia sẻ. “Tôi không dám ngủ trong nhà, chỉ nằm ở ngưỡng cửa để có thể dễ dàng bỏ chạy”, anh trao đổi qua điện thoại với CNN khi một dư chấn nữa vừa xảy ra vào tối 3/4.
Quy mô thảm họa quá lớn đã chồng thêm những khủng hoảng mà quốc gia Đông Nam Á này đã phải đối mặt trước đó. Các cuộc chiến xảy ra trong thời gian qua tại Myanmar đã phần nào ảnh hưởng đến nguồn lực địa phương và hệ thống y tế — những yếu tố thiết yếu để ứng phó hiệu quả với động đất.
Thị trấn chìm trong đổ nát, hoang tàn
Nhìn về bất kỳ hướng nào ở Sagaing, tình nguyện viên cứu hộ Kyaw Min cũng thấy nhà cửa, trường học, chùa chiền, nhà thờ Hồi giáo và các cửa tiệm đều nằm trong đống hoang tàn.
Một đền thờ đổ sập trong trận động đất kinh hoàng ở Mandalay, Myanmar, ngày 28/3/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN
“Cảnh tượng như chốn chết chóc… như thể thị trấn vừa bị ném bom hạt nhân”, anh Kyaw Min kể lại.
Trận động đất đã gây ra thiệt hại trên diện rộng ở Mandalay – nơi sinh sống của khoảng 1,5 triệu người – cũng như ở thủ đô Naypyidaw. Các dư chấn sau đó của trận động đất này còn được có thể cảm nhận rõ ràng ở cả các quốc gia láng giêng như Thái Lan và Trung Quốc.
Trong nhiều ngày liền, anh Kyaw Min và nhóm cứu hộ tình nguyện đã đào bới đống đổ nát bằng tay không hoặc những công cụ thô sơ để tìm kiếm người sống sót.
Thiệt hại sau động đất tại Mandalay, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN
“Chúng tôi đã cố cứu được nhiều người nhất có thể với số thiết bị ít ỏi mà mình có. Chúng tôi cũng đưa ra rất nhiều thi thể – cả trẻ em và người già… có những thi thể không còn đầu, tay hay chân – đó là trải nghiệm khủng khiếp đến tột cùng”, người đàn ông này chia sẻ.
Theo lời anh Kyaw Min, khoảng 80% thị trấn Sagaing – thủ phủ của vùng – đã bị tàn phá trong trận động đất, và sự hủy hoại lan rộng khắp các huyện nông thôn xung quanh. Hệ thống đường sá nối các thị trấn và làng mạc ở xa hơn dường như bị "xé toạc", làm chậm đáng kể công tác cứu hộ và tiếp tế, bao gồm cả việc vận chuyển các thiết bị hạng nặng như máy xúc và máy đào.
“Các đội cứu hộ và hàng viện trợ không thể đến Sagaing ngay lập tức. Những cây cầu nối vào thị trấn đã bị hư hại nghiêm trọng. Vì vậy, rất nhiều người đã thiệt mạng. Khi viện trợ đến được nơi, thì đã quá muộn để cứu họ”, anh Ko Zeyer cho biết.
Một em bé bị thương sau động đất được điều trị tại bệnh viện tại Myanmar. THX/TTXVN.
Để đẩy nhanh và tập trung vào công tác cứu hộ người dân, chính phủ quân sự của Myanmar đã thông báo ngừng bắn với lực lượng đối lập.
Theo hãng tin Reuters, Đài truyền hình nhà nước Myanmar MRTV ngày 2/4 đưa tin lực lượng quân đội cầm quyền ở Myanmar đã tuyên bố ngừng bắn tạm thời trong chiến dịch chống lại các lực lượng đối lập có vũ trang, có hiệu lực từ ngày 2-22/4, sau trận động đất kinh hoàng tuần trước. Trong bản tin tối, MRTV cho biết lệnh ngừng bắn này nhằm tạo điều kiện khôi phục đất nước sau thảm họa.
Trước đó, hôm 1/4, Liên minh Ba Anh Em - bao gồm Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar, Quân đội Giải phóng Dân tộc Ta’ang và Quân đội Arakan - Myanmar cũng đã tuyên bố đơn phương ngừng bắn trong cuộc xung đột với chính quyền quân sự để hỗ trợ hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế sau trận động đất tàn khốc tuần trước.
Reuters dẫn tuyên bố chung của Liên minh Ba Anh Em nêu rõ lực lượng này sẽ không chủ động tiến hành các chiến dịch tấn công trong vòng một tháng để tạo điều kiện cho công tác cứu hộ, và chỉ tham chiến để tự vệ.
Tuyên bố nhấn mạnh: “Chúng tôi hết sức mong muốn các nỗ lực nhân đạo khẩn cấp, đang rất cần thiết cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi động đất, được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả nhất có thể”.
Hoạt động cứu trợ quốc tế được đẩy mạnh tại Myanmar
Trước những tổn thất quá nặng nề về cả người và tài sản, chính quyền quân sự đã lên tiếng kêu gọi các quốc gia, tổ chức trên toàn cầu nhanh chóng viện trợ quốc tế cho Myanmar. Các đội cứu hộ quốc tế từ nhiều nước nhưTrung Quốc, Nga, Ấn Độ, Singapore, Malaysia và Pakistan đã có mặt tại Myanmar trong những ngày gần đây. Nhiều video ấn tượng trên mạng xã hội cho thấy người dân được cứu sống sau nhiều ngày mắc kẹt dưới đống đổ nát, chủ yếu là các đội cứu hộ Trung Quốc phối hợp cùng các nhân viên địa phương.
Hoạt động cứu hộ được tiến hành sau động đất tại Mandalay, Myanmar. THX/TTXVN
Tuy nhiên, cư dân ở Sagaing cho biết sự hỗ trợ này dường như là không đủ so với quy mô của thảm họa, và một số cộng đồng, đặc biệt là ở các khu vực do phe đối lập kiểm soát, vẫn chưa nhận được viện trợ quốc tế.
Theo các nhân viên cứu trợ, những bờ biển tuyệt đẹp của hồ Inle từng là điểm du lịch nổi tiếng, thuộc bang Shan phía Nam đã bị trận động đất tàn phá. Hàng trăm ngôi nhà tre trên cột chống mà người dân nghèo sinh sống tại khu vực này đã bị phá hủy. Một nhóm cứu trợ, tự nhận là tổ chức lớn đầu tiên đến một làng ven hồ vào ngày 1/4 đã phát hiện hàng nghìn người cần trợ giúp nhân đạo khẩn cấp.
Trận động đất xảy ra trong bối cảnh các tổ chức nhân đạo quốc tế đang gặp khó khăn vì thiếu hụt tài trợ, khi các chính phủ, trong đó có Mỹ đã cắt giảm mạnh ngân sách viện trợ quốc tế. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt giảm mạnh Quỹ Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã khiến cho phản ứng của nước này với thảm họa lần này tại Myanmar khá hạn chế so với trước . Theo xác nhận của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 3/4, một nhóm nhỏ của USAID đã có mặt tại Myanmar và chính quyền Mỹ đã phê duyệt khoản viện trợ nhân đạo ban đầu trị giá 2 triệu USD.
Trong khi đó, các đội cứu hộ từ Trung Quốc đã có mặt tại Yangon chỉ vài giờ sau khi trận động đất xảy ra. Theo các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, Bắc Kinh đã cam kết viện trợ 100 triệu nhân dân tệ (13,76 triệu USD) tiền hàng cứu trợ.
Nạn nhân bị thương sau động đất được điều trị tại bệnh viện ở Sagaing, Myanmar ngày 1/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Tuy nhiên, việc thiếu hụt nguồn viện trợ tổng thể có thể gây ra thảm họa cho người dân Myanmar. “Mối lo thực sự của tôi là cộng đồng quốc tế sẽ không phản ứng với quy mô cần thiết”, ông Richard Horsey, cố vấn cấp cao của Nhóm Khủng hoảng chia sẻ.
Tại Sagaing, những người tập trung vào công tác hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi động đất cho biết nhu cầu cấp bách nhất là nước sạch và thực phẩm, bạt để dựng lều tạm, màn chống muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết, thuốc men phòng bệnh, dụng cụ nấu ăn và bộ dụng cụ vệ sinh.
“Thấy nhiều người đau đớn và mất mát thật sự rất buồn. Chúng tôi thậm chí không dám hỏi có bao nhiêu người đã thiệt mạng vì quy mô thảm họa quá lớn, hầu như gia đình nào cũng có người thân qua đời”, anh Ko Zeyer chia sẻ.
Bình Thanh/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/dong-dat-myanmar-canh-tuong-hoang-tan-thieu-thon-du-duong-tai-tam-chan-sagaing-20250404222713296.htm