Động đất Myanmar: 'Cứu con…bố ơi!'

Động đất Myanmar: 'Cứu con…bố ơi!'
một ngày trướcBài gốc
Ngay sau giờ ăn trưa hôm 28-3, trong phòng học ở một ngôi trường mầm non tại miền trung Myanmar, hàng chục đứa trẻ vừa nằm xuống để ngủ trưa thì mặt đất bắt đầu rung chuyển.
Những bức tường của trường Bright Kids Private School rung lắc dữ dội. Chỉ ít phút sau, những tảng bê tông đổ sập xuống.
Cô giáo Hlu Hsan lao mình che chắn cho 3 học sinh, ôm chặt các em vào lòng để bảo vệ các em khỏi những mảnh vỡ. Gần một giờ sau đó, khi đội cứu hộ đến, cô van xin họ hãy cứu lũ trẻ trước, theo lời kể của một nhân viên cứu hộ trong trận động đất Myanmar với tờ The Wall Street Journal (WSJ).
Cô Hlu Hsan gắng gượng sống đủ lâu để nhìn thấy các học trò bé thơ của mình được đưa ra ngoài an toàn.
Nhưng không phải đứa trẻ nào cũng may mắn. Theo một tổ chức từ thiện địa phương tham gia cứu hộ, 15/50 đứa trẻ trong trường hôm đó không qua khỏi. Trong số 7 giáo viên có mặt, ngoài cô Hlu Hsan thiệt mạng thì may mắn những người còn lại hoặc kịp chạy ra ngoài, hoặc được cứu sống. Một người phụ nữ bán hàng rong gần trường cũng không qua khỏi.
Sự sụp đổ của ngôi trường Bright Kids gợi nhớ về trận động đất kinh hoàng năm 2008 tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Khi đó, hàng loạt trường học bị phá hủy trong trận động đất mạnh 7,9 độ richter, khiến ít nhất 5.000 học sinh thiệt mạng. Những ngôi trường bị đổ nát trở thành tâm điểm của nỗi đau.
Trong trận động đất Myanmar, các nhân viên cứu trợ và chuyên gia phát triển từ lâu đã lo ngại về tiêu chuẩn xây dựng kém do tình trạng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, cường độ của các trận động đất vừa qua mạnh đến mức có thể làm sập ngay cả những tòa nhà được xây dựng kiên cố.
Một khu vực bị san phẳng do động đất Myanmar. Ảnh: AFP
Hoạt động cứu hộ tại trường mầm non
Thảm kịch ở trường mầm non Bright Kids xảy ra tại thị trấn Kyaukse, cách Mandalay khoảng 40 km về phía nam.
Một tổ chức từ thiện địa phương có tên Kyaukse Rescue đã nhanh chóng có mặt ngay khi nghe tin ngôi trường tư thục sập xuống do động đất Myanmar. Một phần, đội cứu hộ thu thập thông tin từ các nạn nhân sống sót và gia đình họ, trong khi những người còn lại lao vào đào bới để đưa các em ra ngoài.
Anh Thar Nge - một thành viên của nhóm cứu hộ - đến hiện trường vào khoảng 14 giờ, tức hơn 1 giờ sau khi trận động đất Myanmar xảy ra. Anh Thar Nge nói với WSJ rằng đó là ngày đau lòng nhất trong suốt những năm anh tham gia cứu hộ ở Myanmar, một đất nước mà thảm họa thiên nhiên xảy ra thường xuyên.
Một bé gái 4 tuổi bị kẹt giữa một chiếc gối màu hồng trên sàn và những mảng bê tông nặng khi anh Thar Nge nghe thấy tiếng em kêu cứu. Đôi chân em bị chôn vùi hoàn toàn, mái tóc xoăn phủ đầy bụi.
“Cứu con, bố ơi, đưa con ra ngoài!” - cô bé khóc khi thấy anh đến gần, anh Thar Nge kể lại. Anh đưa em một ngụm nước và trấn an em đừng sợ.
Anh Thar Nge nói rằng đội cứu hộ đã mất hơn 2 giờ để cẩn thận đục từng mảng bê tông đang đè lên người bé gái và gỡ bằng tay từng mảng này. Đến lúc đó, chân của bé gái này đã chuyển sang màu xám tro, cơ thể yếu đến mức không còn sức để khóc. Đồng đội anh Thar Nge lập tức đưa em đến bệnh viện gần đó, nhưng đến tối, em đã không qua khỏi.
“Đó là trải nghiệm tồi tệ nhất trong cuộc đời tôi. Tôi nhìn thấy em đau đớn ngay trước mắt, chúng tôi đã cố gắng hết sức để cứu em” - anh Thar Nge nói.
Đến hiện tại, trang Facebook của trường vẫn còn đó. Những bức ảnh trên đó ghi lại hình ảnh học sinh mỉm cười khi biểu diễn văn nghệ hay ngồi học trong lớp với các bức tường được trang trí bằng tranh vẽ động vật.
Người thân và hàng xóm tập trung dưới những tán cây cọ gần hiện trường, chờ đợi tin tức về các cô trò cho đến tối 29-3 khi thi thể sau cùng được đưa ra ngoài.
Trường mầm non Bright Kids (Myanmar) sau trận động đất kinh hoàng. Ảnh: KYAUKSE RESCUE
Sẽ còn nhiều câu chuyện đau lòng tương tự
Tính đến nay, gần 3.000 người đã thiệt mạng ở Myanmar do trận động đất ngày 28-3. Nhưng các nhóm cứu hộ và chuyên gia cảnh báo con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Mô phỏng sơ bộ của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) dự báo số người chết có thể lên tới hàng chục nghìn, trong khi thiệt hại kinh tế có thể vượt quá tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Myanmar.
Với hy vọng mong manh và những tiếng kêu cứu từ dưới đống đổ nát, các đội cứu hộ chạy đua với thời gian, nỗ lực tìm kiếm người sống sót khi giờ vàng cứu hộ là mốc 72 giờ đầu tiên đã qua đi.
Thảm họa động đất Myanmar lần này lại càng chồng chất thêm đau thương cho một đất nước vốn đã lao đao. Kể từ sau cuộc chính biến năm 2021, Liên Hợp Quốc cho biết hơn 3 triệu người Myanmar đã phải rời bỏ nhà cửa, và hơn 1/3 dân số đang cần viện trợ nhân đạo.
Những câu chuyện tương tự như vụ việc tại trường mầm non Bright Kids vẫn sẽ xuất hiện đâu đó từ những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận động đất Myanmar. Ngay cả trước khi động đất xảy ra, cơ sở hạ tầng tại đây vốn đã yếu kém, giờ đây, ngay cả các thành phố lớn cũng chìm trong bóng tối, không có điện, điện thoại hay internet.
Hiện tại, các đội cứu hộ với phần lớn là tình nguyện viên đi dép lê, mặc sarong, vẫn đang nỗ lực tìm kiếm người sống sót. Họ kiên cường chịu đựng cái nóng gay gắt vùng nhiệt đới, đào bới đống đổ nát bằng tay không khi không có máy móc hỗ trợ.
Tại Amarapura thuộc Mandalay, một nhân viên cứu trợ kể rằng mùi thi thể phân hủy đã bao trùm không khí.
Những người dân may mắn chạy ra ngoài kịp thời trong trận động đất Myanmar giờ đây không dám quay trở lại nhà. Họ ngủ trên những tấm chăn mỏng và chiếu tre, chờ đợi sự giúp đỡ.
Công tác cứu trợ bị cản trở do tình trạng thiếu hụt mọi thứ từ nhiên liệu, nước uống đến đường sá hư hại nghiêm trọng. Các nhân viên cứu trợ cho biết thời gian di chuyển từ Yangon - TP lớn nhất Myanmar - đến thủ đô Naypyitaw giờ đây có thể mất tới 10 tiếng, gần gấp đôi so với trước kia.
Với anh Thar Nge, tương lai phía trước thật khó tưởng tượng. Những gì anh đã chứng kiến trong vài ngày qua vẫn còn ám ảnh.
“Tôi không thể xóa nó khỏi tâm trí mình” - nhân viên cứu hộ này chia sẻ.
THẢO VY
Nguồn PLO : https://plo.vn/dong-dat-myanmar-cuu-conbo-oi-post842080.html