Sau trận động đất mạnh 7,7 độ gần TP Mandalay, thủ phủ vùng Mandalay, hôm 28-3, Myanmar tiếp tục hứng chịu nhiều dư chấn.
Đáng chú ý là trận động đất mạnh 5,2 độ xảy ra ở miền Trung Myanmar ngày 30-3. Theo Cục Khí tượng và Thủy văn Myanmar, tâm chấn ở độ sâu 35 km, nằm cách thị trấn Patheingyi, vùng Mandalay, khoảng 8 km về phía Tây Bắc. Trận động đất này không gây thêm thương vong hoặc thiệt hại nghiêm trọng, song khiến người dân quanh khu vực hoảng loạn. Trước đó, tính đến sáng ngày 29-3 (giờ địa phương), tổng cộng 77 cơn dư chấn đã được ghi nhận ở Myanmar sau trận động đất mạnh nói trên.
Theo Tân Hoa Xã, trận động đất mới nhất xảy ra giữa lúc hoạt động cứu hộ tại các khu vực bị trận động đất tàn phá ở Myanmar hôm 28-3 gặp thách thức do thiếu vật tư y tế, đường sá và cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc bị hư hỏng. Ít nhất 1.644 người thiệt mạng, 3.408 người bị thương và 139 người mất tích trong thảm họa động đất này.
Lực lượng cứu hộ Trung Quốc hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân động đất tại thủ đô Nay Pyi Taw - Myanmar hôm 30-3. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Thống tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, đã đưa ra lời kêu gọi viện trợ quốc tế trước khi đến TP Mandalay để đánh giá tình hình. Thành phố hơn 1,7 triệu dân này là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất trong động đất.
Tại Thái Lan, số người thiệt mạng do ảnh hưởng bởi trận động đất hôm 28-3 đã tăng lên 17 người, trong lúc 83 người vẫn còn mất tích và 32 người bị thương. Cục Phòng ngừa và Giảm nhẹ Thiên tai (DDPM) ngày 30-3 cho biết thiệt hại đã được ghi nhận tại 18 tỉnh, ảnh hưởng đến 420 ngôi nhà, 76 bệnh viện, 23 trường học…
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra bày tỏ mối quan ngại về vụ sập tòa nhà 30 tầng đang xây dựng trong trận động đất và ra lệnh điều tra vụ việc. Một ủy ban gồm các chuyên gia đã được thành lập để xem xét vấn đề này. Thủ tướng Thái Lan cho biết luật hiện hành yêu cầu tất cả tòa nhà ở Bangkok phải được thiết kế để chịu được động đất ở một mức độ nhất định.
Trong bối cảnh động đất gây thiệt hại nặng nề, các nước láng giềng đã nhanh chóng gửi viện trợ và cử đội cứu hộ đến Myanmar để giúp khắc phục hậu quả thảm họa. Malaysia ngày 30-3 triển khai một đội cứu hộ gồm 50 người đến Myanmar. Theo tờ The Straits Times, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng cam kết viện trợ nhân đạo 10 triệu ringgit (hơn 57 tỉ đồng).
Cùng ngày, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã họp khẩn trực tuyến bàn về việc khắc phục hậu quả trận động đất tại Myanmar và Thái Lan. Các nước nhất trí cần phát huy hiệu quả các cơ chế ứng phó khẩn cấp trong ASEAN, nhất là vai trò của Trung tâm Điều phối ASEAN về Hỗ trợ nhân đạo (Trung tâm AHA) và vai trò của Tổng Thư ký ASEAN trong điều phối các hoạt động cứu trợ cả từ trong và ngoài khu vực, cũng như huy động thêm nguồn lực và viện trợ từ cộng đồng quốc tế.
Nhiều nước ASEAN cũng đã lên tiếng kêu gọi các bên ở Myanmar ngừng các hành động bạo lực, tạo thuận lợi cho việc cứu trợ. Qua đó, tạo cơ sở tiến tới đối thoại và hòa giải để tập trung cho công cuộc phục hồi, tái thiết đất nước.
Phát biểu tại cuộc họp nêu trên, được sự ủy quyền của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Trưởng SOM ASEAN - Việt Nam, nêu rõ Việt Nam sẽ sát cánh cùng hai nước để vượt qua khó khăn.
Trước mắt, Việt Nam đã khẩn trương viện trợ nhân lực, vật lực cho Myanmar ngay trong ngày 30-3. Thứ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần khẳng định vai trò trung tâm trong điều phối các nguồn lực, hỗ trợ việc khắc phục và phục hồi sau thảm họa; phối hợp với Myanmar để xây dựng kế hoạch phục hồi và tái thiết lâu dài.
Lực lượng cứu nạn, cứu hộ Việt Nam đến Myanmar
Ngày 30-3, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị giao nhiệm vụ cho lực lượng tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Myanmar. Theo đó, Bộ Quốc phòng cử Đoàn công tác gồm 80 quân nhân, do Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó Cục trưởng Cục Cứu hộ - Cứu nạn, làm trưởng đoàn. Đoàn công tác mang theo các trang thiết bị, vật chất, thuốc men cần thiết, 6 chó nghiệp vụ và nhiều tấn hàng hóa.
Tại hội nghị, Đại tướng Nguyễn Tân Cương - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - yêu cầu các thành viên đoàn công tác phải quán triệt nghiêm túc nhiệm vụ, xây dựng ý chí quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao nhất, đoàn kết, thống nhất, chủ động khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong quá trình làm nhiệm vụ, phải luôn sẵn sàng giúp đỡ nhân dân nước bạn theo khả năng, điều kiện cho phép; không gây phiền hà cho chính quyền và nhân dân nước bạn.
Cùng ngày, Bộ Công an cũng đã tổ chức Lễ xuất quân đội cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an lên đường sang Myanmar. Đoàn công tác gồm 26 sĩ quan, mang theo nhiều thiết bị chuyên dụng và chó nghiệp vụ.
Tại buổi lễ, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, đề nghị Đoàn công tác phải khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, phát huy cao nhất tinh thần "giúp bạn như giúp mình", thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm, nỗ lực cao nhất để giúp Myanmar nhanh chóng khắc phục thiệt hại, hậu quả động đất. Bên cạnh đó, phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các thành viên trong đoàn và phương tiện trong mọi tình huống.
Chiều cùng ngày, 2 chuyến bay từ sân bay Nội Bài đã đưa 106 cán bộ, chiến sĩ và 80 tấn hàng cứu trợ sang Myanmar. Dự kiến, sáng 31-3, lực lượng cứu nạn, cứu hộ của Việt Nam sẽ thực hiện nhiệm vụ.
Ng.Hưởng - D.Ngọc
Xuân Mai - Dương Ngọc