Số người thiệt mạng vì trận động đất mạnh ở Myanmar đã tăng lên 2.719 người vào ngày 1/4, với khoảng 4.521 người bị thương và hơn 400 người mất tích, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn lời người đứng đầu chính quyền quân sự cầm quyền, Tướng Min Aung Hlaing, cho biết.
Nhà lãnh đạo quân đội được cho là cho biết số người chết dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa. Con số hiện tại cao hơn 600 so với con số mà truyền thông nhà nước Myanmar đưa tin.
Trận động đất mạnh 7,7 độ richter, xảy ra vào đầu giờ chiều hôm 28/3, là trận động đất mạnh nhất tấn công quốc gia Đông Nam Á này trong hơn một thế kỷ, làm sụp đổ cả những ngôi chùa cổ và các tòa nhà hiện đại.
Một tòa nhà nghiêng ngả có thể sập bất cứ lúc nào, theo sau động đất mạnh ở Mandalay, Myanmar. Ảnh: Sky News
4 ngày sau cơn thảm họa, quy mô thực sự của sự tàn phá ở Myanmar chưa được biết rõ ràng do thông tin liên lạc hạn chế trong bối cảnh xung đột giữa chính quyền quân sự và lực lượng phiến quân vũ trang kể từ khi quân đội giành quyền lực từ chính phủ được bầu vào năm 2021.
Hơn 10.000 tòa nhà đã bị sập hoàn toàn hoặc hư hại nghiêm trọng ở miền Trung và Tây Bắc Myanmar, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết. Một tòa nhà trong trường mẫu giáo ở quận Mandalay bị sập, khiến 50 trẻ em và 2 giáo viên thiệt mạng.
Các nhân viên cứu hộ ở Mandalay cho biết họ vẫn đang tìm kiếm khoảng 150 nhà sư đã thiệt mạng. Hàng trăm người, trong đêm thứ 4 kể từ trận động đất, đã ngủ bên ngoài tòa nhà của họ và đang cố gắng hết sức để đưa xác người thân ra khỏi đống đổ nát.
"Tại những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất… các cộng đồng đang phải vật lộn để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của họ, chẳng hạn như tiếp cận nước sạch và vệ sinh, trong khi các nhóm cứu hộ làm việc không biết mệt mỏi để xác định vị trí của những người sống sót và cung cấp viện trợ cứu sinh", cơ quan của Liên Hợp Quốc cho biết.
Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (IRC) cho biết nơi trú ẩn, thực phẩm, nước uống và hỗ trợ y tế đều cần thiết ở những nơi như Mandalay, gần tâm chấn của trận động đất.
"Sau khi trải qua nỗi kinh hoàng của trận động đất, giờ đây mọi người sợ dư chấn và ngủ ngoài đường hoặc trên cánh đồng", một nhân viên IRC tại Mandalay cho biết.
Nỗ lực tìm kiếm dấu hiệu sự sống dưới đống đổ nát vì động đất vẫn tiếp tục tại hiện trường vụ sập tòa cao ốc ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: France24
Trong khi đó tại Thái Lan, lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát của một tòa nhà chọc trời bị sập ở thủ đô Bangkok, nhưng thừa nhận rằng thời gian không còn nhiều.
Phó Thống đốc Bangkok Tavida Kamolvej xác nhận rằng 6 hình người đã được phát hiện bằng máy quét, nhưng không có chuyển động hoặc dấu hiệu sinh tồn nào. Bà cho biết, các chuyên gia trong nước và quốc tế hiện đang tìm cách tiếp cận họ một cách an toàn.
Biết rằng đã 4 ngày trôi qua kể từ trận động đất và khả năng tìm thấy người sống sót đã nhạt dần, nhưng bà Tavida tuyên bố, "Chúng ta phải tăng tốc. Chúng ta sẽ không dừng lại ngay cả sau 72 giờ".
72 giờ đầu tiên sau trận động đất được coi rộng rãi là thời gian "vàng" để tiếp cận những nạn nhân bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Sau khoảng thời gian này, cơ hội sống sót khi không có nước uống bị giảm nhanh chóng.
Theo các quan chức Thái Lan, 13 người đã tử vong tại hiện trường vụ sập tòa cao ốc, với 74 người vẫn mất tích. Tổng số người chết vì động đất ở Thái Lan là 20 người.
Các quan chức Bộ Công nghiệp Thái Lan cho biết, các cuộc kiểm tra ban đầu cho thấy một số mẫu thép thu thập được từ hiện trường vụ sập tòa nhà không đạt tiêu chuẩn. Chính phủ Thái Lan đã mở cuộc điều tra về nguyên nhân vụ việc.
Minh Đức (Theo Independent, Gulf Today)