Tần suất tăng đột biến
Ngày 9/1, thông tin với Người Đưa Tin, Tiến sĩ, Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng viện Vật lý địa cầu cho biết, trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) vừa xảy ra 5 trận động đất liên tục.
Theo đó, trận động đất đầu tiên xảy ra vào lúc khoảng 1h39 ngày 9/1, tọa độ: 14.965N-108.198E, độ sâu khoảng 8.2km (độ lớn - độ Richter: M = 3.0)
Trận thứ 2: thời gian: 1h55, tọa độ: 14.955N-108.180E, độ sâu khoảng 8.2km (độ lớn: M = 4.2).
Trận thứ 3 xảy ra lúc 2h21, tọa độ: 14.971N-108.166E, độ sâu khoảng 8.2km (độ lớn: M = 2.7)
Trận thứ tư: thời gian: 2h22, tọa độ: 14.973N-108.164E, độ sâu khoảng 8.1km (độ lớn: M = 3.4)
Trận thứ năm: lúc 2h24, tọa độ: 14.976N-108.166E, độ sâu khoảng 8.1km (độ lớn: M = 2.7).
Huyện Kon Plông liên tục xảy ra động đất.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, trong hơn 100 năm qua, từ năm 1903 đến năm 2020, khu vực huyện Kon Plông chỉ ghi nhận khoảng 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 trở lên. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, khu vực này đã chứng kiến một loạt các trận động đất mới, với gần 200 trận xảy ra, dẫn đến việc "tần suất các trận động đất tăng đột biến".
Ông Xuân Anh cũng cho biết thêm: "Nhận định ban đầu cho thấy đây có thể là động đất kích thích, do hoạt động của hồ chứa thủy điện. Tuy nhiên, việc quan trắc các hoạt động động đất cần được tiếp tục, đồng thời nghiên cứu mạng lưới trạm quan sát để đánh giá chi tiết hơn, xem xét các đứt gãy trong khu vực cũng như tác động từ việc tích nước".
Học cách ứng phó
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương, chuyên gia địa chấn tại Viện Vật lý địa cầu, hiện tượng động đất liên tiếp xảy ra ở Kon Tum, đặc biệt là huyện Kon Plông, thuộc loại động đất kích thích.
Ông giải thích rằng, động đất kích thích là hiện tượng động đất do tác động của con người lên thiên nhiên, chứ không phải do các đứt gãy tự nhiên như ở các khu vực phía Bắc.
Động đất kích thích có quy luật dễ hiểu, thường xảy ra tại những khu vực có hồ chứa hoạt động, đặc biệt là các hồ thủy điện hoặc hồ chứa có diện tích tích nước lớn.
Người dân vùng tâm chấn lo lắng trước hiện tượng động đất liên tục xảy ra.
Các trận động đất kích thích thường diễn ra theo chu kỳ, bắt đầu sau một thời gian tích nước và trong mùa mưa. Khi đạt đến một mức độ nhất định, chúng sẽ giảm dần và trở thành chuỗi các trận động đất có cường độ trung bình và vừa, rồi dần dần tắt hẳn.
"Thời gian tắt dần sẽ cần phải nghiên cứu thêm, vì nó phụ thuộc vào các trạm quan trắc địa phương. Chu kỳ lặp lại có thể khác nhau ở mỗi khu vực", ông Phương giải thích.
Các chuyên gia đều cho rằng việc dự báo chính xác thời điểm xảy ra động đất là rất khó khăn. Thậm chí, ngay cả ở Nhật Bản, các nhà khoa học cũng không thể xác định liệu động đất có xảy ra vào ngày mai hay không.
Tuy nhiên, họ có thể dự báo được mức độ, cường độ của động đất trong khu vực và xác định được mức cực đại có thể đạt được.
Các chuyên gia cũng đề xuất chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về cách ứng phó với động đất, giúp họ chủ động và không rơi vào tình trạng sợ hãi, hoang mang.
Viện Vật lý địa cầu sẽ phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng ứng phó cho cư dân ở những khu vực thường xuyên xảy ra động đất.
Hồ Hải Nam