Động đất ở Myanmar: Thánh địa Phật giáo Bagan đứng trước mối đe dọa chưa từng có

Động đất ở Myanmar: Thánh địa Phật giáo Bagan đứng trước mối đe dọa chưa từng có
2 ngày trướcBài gốc
Cảnh đổ nát sau trận động đất tại Mandalay, Myanmar. Ảnh: THX/TTXVN
Nhà báo Scotland James George Scott từng mô tả vào năm 1910: “Jerusalem, Rome, Kiev, Benares - không nơi nào có thể tự hào về số lượng công trình tôn giáo, cũng như sự lộng lẫy, xa hoa trong thiết kế, trang trí như Bagan”.
Theo trang The Guardian (Anh), nằm gần đường đứt gãy Sagaing ở trung tâm Myanmar, 2.200 di tích Phật giáo từ thế kỷ 11 của Bagan đã chịu nhiều tác động từ các trận động đất qua các thời kỳ.
Tiến sĩ Stephen Murphy, giảng viên cao cấp về nghệ thuật châu Á tại Đại học Soas London, cho biết trận động đất gần đây nhất vào năm 2016 đã gây ra thiệt hại đáng kể cho các di tích quan trọng. Tuy nhiên, ông Murphy cho biết vẫn chưa rõ liệu trận động đất hôm 28/3 có gây thiệt hại nặng nề tương tự hay không.
Những tòa bảo tháp và đền thờ nguy nga này được xây dựng bên dòng sông Irrawaddy xinh đẹp ở thời kỳ Vương quốc Miến Điện thống nhất đầu tiên, là một trong những nền văn minh Phật giáo vĩ đại nhất thế giới.
Di tích Bagan hình thành từ một cuộc chiến anh hùng vào khoảng năm 1044, giữa Anawrahta Minsaw và người anh cùng cha khác mẹ của mình, sau đó ông mở rộng lãnh thổ, chinh phục các quốc gia xung quanh. Truyền thuyết kể rằng Anawrahta đã mang theo 30.000 tù nhân, những người thợ tài ba trong nhiều lĩnh vực như chạm khắc, hội họa, xây dựng và cả những nghệ nhân chế tạo nước hoa, mùi hương.
Văn hóa của Bagan đã để lại dấu ấn sâu đậm: hơn 10.000 ngôi đền đã được xây dựng, nhiều trong số đó được trang trí cầu kỳ, tồn tại qua bao thế kỷ, dù đã trải qua những trận động đất và các đợt trùng tu trong những năm 1990.
Được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2019, Bagan đã trải qua không ít thăng trầm. Lượng du khách quốc tế đã giảm mạnh trong hai thập kỷ qua, từ khoảng 200.000 xuống chỉ còn vài nghìn người.
Ông Marc Leaderman, đại diện Công ty lữ hành Wild Frontiers, chia sẻ: “Chúng tôi từng đón rất nhiều du khách trước năm 2017. Bagan là một địa điểm có thể so sánh với Angkor Wat và chúng tôi cảm thấy rất tiếc cho người dân Myanmar”.
Mặc dù vậy, Bagan vẫn là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân địa phương, với hơn 400.000 lượt khách tham quan vào năm 2023.
Bên cạnh các ngôi đền, Bagan cũng là nơi có một bảo tàng lưu giữ “văn bản chạm khắc Myazedi”, một trụ đá có niên đại từ năm 1.113, còn được gọi là Đá Rosetta Miến Điện. Trụ đá này ghi lại bốn ngôn ngữ cổ, trong đó có ví dụ sớm nhất của tiếng Miến Điện.
“Mặc dù mất mát văn hóa tiềm tàng mà Bagan một lần nữa phải đối mặt có thể không đáng kể so với mất mát về sinh mạng, nhưng sẽ có tác động lâu dài đến Myanmar”, Giáo sư Ashley Thompson, chuyên gia về nghệ thuật Đông Nam Á tại Soas, cho biết.
Hải Vân/Báo Tin tức
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/dong-dat-o-myanmar-thanh-dia-phat-giao-bagan-dung-truoc-moi-de-doa-chua-tung-co-20250330194818075.htm