Trong ngày thứ 3 kể từ sau trận động đất gây thiệt hại nặng nề ở Myanmar, đội cứu hộ các nước trong khu vực cũng như thế giới đang đổ về Mandalay nhằm tăng cường lực lượng cho cuộc chạy đua với thời gian tìm kiếm những nạn nhân có dấu hiệu sinh tồn.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích sau trận động đất tại Mandalay, Myanmar, ngày 30/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Ngày 31/3, quân đội Indonesia đã triển khai 1 tàu bệnh viện, 3 máy bay Hercules và 4 trực thăng để hỗ trợ ứng phó khẩn cấp tại Myanmar. Lực lượng này bao gồm một đội tìm kiếm và cứu nạn, đội y tế và viện trợ logistics.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 30/3, 55 quân nhân Thái Lan bao gồm 18 bác sỹ và một đội tìm kiếm cứu nạn đã khởi hành đến Myanmar cùng với hàng cứu trợ để giúp đỡ các nạn nhân động đất.
Đây là nhóm đầu tiên trong số 1.000 quân nhân mà nước này điều động để hỗ trợ quốc gia láng giềng. Dự kiến các chuyến bay tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 2 và 5/4.
Cùng ngày, hai tàu Hải quân Ấn Độ có khả năng hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR) đã rời Quần đảo Andaman và Nicobar, hướng đến Yangon với 52 tấn hàng cứu trợ bao gồm nước uống, thực phẩm và thuốc men, quần áo và các vật dụng khẩn cấp khác. Hai tàu này sẽ bổ sung hai tàu đã lên đường trước đó 1 ngày mang theo 20 tấn hàng cứu trợ.
Trước đó, quân đội Ấn Độ cũng đã vận chuyển bằng đường hàng không các bệnh viện dã chiến có phòng phẫu thuật, máy chụp X-quang tiên tiến và lực lượng y, bác sỹ đến Mandalay, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trận động đất.
Trong khi đó, sáng 31/3, lô hàng cứu trợ nhân đạo khẩn cấp đầu tiên của Trung Quốc cho Myanmar đã bắt đầu được vận chuyển từ Sân bay quốc tế Bắc Kinh. Theo Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Trung Quốc, các nguồn cung cấp ban đầu bao gồm lều, chăn và bộ sơ cứu.
Trên thực địa, các lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm những nạn nhân có dấu hiệu sinh tồn hơn 70 giờ đồng hồ sau trận động đất.
Theo Hội đồng Quản lý Nhà nước Myanmar, tính đến ngày 30/3, vẫn còn 300 người đang mất tích trong trận động đất vốn đã khiến khoảng 1.700 người thiệt mạng và 3.400 người bị thương.
Trong sáng 31/3, ít nhất 4 nạn nhân còn sống đã được giải cứu khỏi những đống đổ nát ở TP Mandalay và Naypyidaw nhờ các nỗ lực không ngừng của tất cả các lực lượng.
Mặc dù vậy, công tác cứu hộ cũng gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm do thiếu trang thiết bị và đặc biệt là từ các dư chấn cũng như nguy cơ xảy ra những trận động đất khác trong khu vực.
Theo Cục Khí tượng và Thủy văn Myanmar, tính đến sáng 31/3, đã ghi nhận 36 dư chấn, với độ lớn từ 2,8 đến 7,5, xảy ra tại khu vực.
Trong khi đó, sáng 31/3, những người theo đạo Hồi đã tập trung lại gần một nhà thờ Hồi giáo bị phá hủy trong thành phố để cầu nguyện trong lễ al-Fitr, ngày lễ kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Dự kiến, tang lễ của hàng trăm nạn nhân trong vụ động đất cũng sẽ diễn ra cùng ngày.
* Sáng sớm 31/3, đội tìm kiếm cứu nạn Trung Quốc đã giải cứu thành công một phụ nữ bị mắc kẹt gần 60 giờ dưới đống đổ nát của Khách sạn Vạn Lý Trường Thành ở TP Mandalay, Myanmar.
Công trình này bị sập trong trận động đất có độ lớn 7,7 ngày 28/3 vừa qua. Đội cứu hộ Trung Quốc đã giải cứu nạn nhân trên sau hơn 5 giờ nỗ lực sử dụng mọi biện pháp nghiệp vụ. Người này có các dấu hiệu sinh tồn tốt khi được giải cứu.
Đây là người sống sót đầu tiên được đội tìm kiếm cứu nạn Trung Quốc giải cứu sau khi họ đến TP Mandalay bị tàn phá nặng nề vào ngày 30/3.
Một đội cứu hộ Trung Quốc khác từ Vân Nam vào sáng 30/3 cũng đã giải cứu một người sống sót tại Naypyidaw, thủ đô của Myanmar, nơi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong trận động đất nghiêm trọng ngày 28/3.
Theo Hội đồng Quản lý Nhà nước Myanmar, tính đến ngày 30/3, động đất đã khiến khoảng 1.700 người thiệt mạng, 3.400 người bị thương và 300 người vẫn đang mất tích.
T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)