Nỗi đau chồng chất…
Một gia đình 3 thế hệ, nhưng cũng chỉ có vỏn vẹn 3 người. Bà Lý Thị Danh năm nay đã vào tuổi 73, nhưng cũng như bao nhiêu năm qua, vẫn ngày ngày đi lượm ve chai kiếm sống. Con gái bà, chị Lý Thị Nhung thì chờ trong xóm, ai đến kêu việc gì làm việc nấy. Con gái chị Nhung năm nay tròn 16, nhưng sáng chiều chủ yếu quẩn quanh trong nhà bởi đôi chân dị tật.
Chị Lý Thị Nhung (bìa phải), ấp Xa Mau 2, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) chia sẻ niềm vui trong căn nhà mới.
Còn 2 người đàn ông của gia đình thì lần lượt ra đi. Chồng chị Nhung mất vì bạo bệnh vào năm 2020. 3 năm sau, người con trai đầu lòng cũng qua đời vì tai nạn điện. Những trụ cột gia đình lần lượt mất đi, nỗi đau chồng chất nỗi đau. Thêm cuộc sống là những ngày chạy ăn từng bữa nên căn nhà dù đã xiêu vẹo hay dột nát thì mẹ con chị Nhung cũng đành cam chịu.
Chị Nhung kể trong nước mắt: “Vợ chồng lấy nhau cũng mấy mươi năm mà toàn ở đậu ở nhờ. Hồi đầu là dựng cái chòi nho nhỏ, dần dà cũng cất được cái nhà nhưng cũng toàn bằng cây lá tạm bợ. Mấy bận dành dụm để sửa lại cho tươm tất thì ổng bệnh rồi mất. Nợ còn chưa trả xong thì thằng con đột ngột ra đi”.
Đưa tay gạt dòng nước mắt lăn trên má, chị kể tiếp: “Mẹ lượm ve chai, tôi thì ai kêu gì làm nấy, làm bữa nào tiêu xài bữa đó, cái ăn còn chưa no nói chi đến chuyện sửa nhà. Từ lúc dựng chòi tới giờ, cả nhà toàn trải cao su, chiếu ngủ dưới đất, hỏng có giường vạc gì hết. Khoảng 3 năm nay là cái nhà nó dột rồi. Đêm nào mưa thì mẹ con cứ cuốn chiếu mà dời hết chỗ này tới chỗ khác. Có đêm mưa lớn quá, nước ở mấy cái ao xung quanh nó tràn lênh láng vô nhà, lúc đó chỗ ngồi còn không có, nói chi chỗ nằm. Thế là cả đêm thức trắng…”.
Đong đầy chữ “tình” trong mái ấm
Với tình cảnh như vậy, nên ngay đợt xét “xóa nhà tạm, nhà dột nát” đầu tiên của thị trấn Phú Lộc, hộ chị Lý Thị Nhung đã có trong danh sách sơ bộ. Nhưng cũng ngay bước đầu tiên là hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để tiến hành xây dựng đã gặp ngay trở ngại. Chị Lý Thị Anh Đào - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Lộc kể: "Khi chúng tôi xuống nhà để hoàn thiện hồ sơ thì mới rõ hộ chị Nhung trước nay không có đất, căn nhà gia đình ở trước nay là cất trên đất cô em chồng. Trong lúc mọi người còn bối rối, chưa biết tính sao thì cô em chồng cũng đang có mặt ở đó nói ngay: “Cái nền này trước nay tôi cho anh chị ở nhờ, giờ anh tôi mất rồi thì cũng vậy, tôi cho chị dâu. Mà lần này là cho luôn. Bữa nay có chính quyền ở đây mình làm trước cái giấy tay, mai mốt cần hồ sơ thủ tục gì, tôi sẵn sàng”. Vậy là cái khó đầu tiên, cái khó nhất đã được gỡ. Mọi người thở phào nhẹ nhõm".
Bước thứ 2 là “mời thầu”. Nhà thầu được chọn cũng là dân địa phương, chuyên cất nhà cho bà con trong xóm ấp. Bữa giáp mặt “giao công trình”, sau khi ngành chức năng nêu rõ nguồn vốn, những yêu cầu về ngôi nhà được cất đợt này “3 cứng, cột đúc, mái tôn, nền lót gạch…”, chị Nhung xin nói một câu: “Tôi biết, nếu mình có tiền dành dụm ra thêm thì ngôi nhà của mình sẽ đẹp hơn. Nhưng nói thiệt, mẹ con tôi làm bữa nào ăn bữa đó, hỏng có dành dụm được đồng nào hết trơn. Nên ông thầu ráng nhắm chừng cất dùm tôi đủ số tiền 60 triệu đồng Nhà nước cho thôi. Tôi sẽ ra công, hễ rảnh, không đi làm cho người ta, ông thầu kêu phụ cái gì tôi làm cái đó. Đừng để té ra thêm tiền là được, tôi hỏng có tiền bù đâu”.
Gần 1 tháng thi công, căn nhà hoàn thành trước thềm tết Nguyên đán 2025. Bữa bàn giao, với sự chứng kiến của chính quyền địa phương và bà con chòm xóm, sau khi hoàn thành các thủ tục, ông thầu rút ra 2 triệu đồng đưa cho chị Nhung rồi bảo: “Toàn bộ tiền cất nhà cho chị là 58 triệu đồng. Đây là số còn dư, tôi gởi lại chị”. Tất cả đều ngạc nhiên, riêng chị Nhung thì rớt nước mắt…
Cũng hôm bàn giao nhà, khi địa phương hỏi cần hỗ trợ gì thêm, chị rụt rè: “Dạ, nếu được cho tôi xin cái giường để bà già nằm cho khỏe, mấy chục năm nay toàn lót chiếu nằm dưới đất”. Mấy hôm sau, qua vận động của chính quyền địa phương, một cơ sở mua bán vật liệu ở địa phương tặng cho gia đình cái giường. Đầu năm nay, từ chương trình phòng, chống hạn, mặn, gia đình chị được hỗ trợ bồn nước 500 lít.
“Còn cái truyền hình này, hôm tôi đi lượm ve chai, ông Sáu trong xóm kêu lại cho. Ông nói người ta trả 200 ngàn đồng mà ổng hổng bán. Thấy cũ cũ vậy mà hình còn tốt lắm nghe chú. Giờ đang cúp điện, chứ hông tôi bắt cho chú coi thử”, bà Lý Thị Danh khoe chiếc tivi trong nhà. Rồi bà nói tiếp: “Mẹ con giờ khỏe lắm rồi, có nhà để ở, giường để nằm, truyền hình để coi. À thêm cái bồn chứa nước khỏi lo mấy tháng hạn. Khỏe lắm, giờ chỉ lo làm để kiếm cái ăn thôi”.
Mấy mươi năm trong nghề, đi nhiều, viết nhiều, đến cũng không ít nhà, từ những tấm gương điển hình đến những mảnh đời bất hạnh. Nhưng chưa bao giờ tôi “xúc cảm” nhiều như khi ngồi ở nhà chị Nhung. Chợt vui chợt buồn, vui buồn lẫn lộn, cảm xúc cứ đan xen theo từng lời kể. Đặc biệt là chữ “tình” đong đầy trong căn nhà yêu thương.
QUỐC KHỞI